Sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường, do vậy để phòng dịch Hà Nội đang tiến hành việc phun hóa chất quy mô lớn nhằm diệt muỗi, song theo phản ánh hiện có tình trạng một số học sinh bị dị ứng sau khi nhà trường phun thuốc muỗi.
 

Phụ huynh một số học sinh một trường Trung học cơ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội, phản ánh ngày 13/8 nhà trường có tiến hành phun thuốc diệt muỗi song sáng hôm sau ngày 14/8 học sinh vẫn đi học bình thường.

Hà Nội huy động mọi lực lượng tham gia phun thuốc diệt muỗi

Một số trẻ khi đến trường bị dị ứng thuốc phun muỗi khiến mặt mũi mẩn đỏ, ngứa rát, với những trường hợp nặng, nhà trường phải cho trẻ nghỉ học cả buổi chiều để đảm bảo sức khỏe.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho rằng việc dị ứng sau khi phun thuốc muỗi là có thể xảy ra với những trẻ có cơ địa dị ứng.

Do vậy, nếu trẻ bị dị ứng với hóa chất phun muỗi thì các thầy cô giáo cần phối hợp với y tế nhà trường để chăm sóc trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu nặng hơn cần đưa đến các trung tâm y tế.

Về thời gian cách ly tối thiểu sau khi phun thuốc để đảm bảo sức khỏe người dân, ông Cảm cho rằng, hóa chất phun thuốc được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo an toàn, thời gian cách ly tối thiểu chỉ từ 1 đến 2 giờ đồng hồ, do vậy các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về tình trạng này bởi nếu không tiến hành phun thuốc muỗi nếu trẻ không may mắc phải sốt xuất huyết thì tình trạng còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần.

Liên quan đến vấn đề phòng chống dịch sốt xuất huyết theo một số chuyên gia y tế, bên cạnh việc các cơ quan y tế tiến hành phun thuốc muỗi chống dịch thì ngành Y tế cũng cần chỉ cho người dân cách phòng chống thật cụ thể, dễ hiểu ví dụ như chống muỗi đốt bằng cách nào? Những sản phẩm nào có thể sử dụng; được cấp miễn phí hay tự mua? Nếu mua thì ở đâu là tin cậy?

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tổ chức cho nhân viên y tế, công tác hướng dẫn các gia đình tự phun thuốc diệt muỗi bằng cách cấp hóa chất cho người dân, hướng dẫn cách họ tự pha chế thuốc theo tỷ lệ, liều lượng cho phép, việc này vừa hiệu quả, đồng thời phát huy được tổng lực sức dân tham gia chống dịch.

Còn quan điểm của ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng hiện nay việc diệt muỗi chưa hiệu quả, chủ yếu do lỗi phun hóa chất. Cụ thể một số nơi phun không đúng giờ, kỹ thuật phun chưa chuẩn và việc pha hóa chất không đúng tỷ lệ.

Ngày đăng: 09:33 | 16/08/2017

/ Theo PV/VTC News