Sau các bữa ăn ngày Tết chứa nhiều đường, chất đạm và chất béo, nhiều người cảm thấy uể oải trong ngày xuân mới. Các chuyên gia y tế chỉ cách thanh lọc cơ thể, lấy lại tinh thần sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Tăng cân, ngấy ngán sau Tết

Năm nay, chị Ngô Mỹ Hà (quê Bắc Giang) quyết định dành trọn vẹn 1 tuần nghỉ Tết ở bên gia đình nhà ngoại, sau nhiều năm ngược xuôi 3 ngày nội, 3 ngày ngoại. Được yên vị bên người thân, thoải mái tinh thần suốt kỳ nghỉ lễ, nhưng chị Hà lại phát sầu vì cân nặng tăng không phanh.

"Thực sự giật mình khi cân nặng tăng lên 3 kg sau kỳ nghỉ Tết, ăn sướng cái miệng, không kiêng khem chút nào cả, nhất là món khoái khẩu bánh chưng rán… Đến giờ thì nhìn món gì trên mâm cơm cũng ngán", chị Hà cho hay.

co-ngay-tet-17076969074301024903281
Chế độ ăn nhiều đạm, dầu mỡ trong dịp Tết khiến nhiều người tăng cân, nhanh ngán.

Còn với anh Trần Văn Tùng (ở Hà Nội), suốt 7 ngày nghỉ Tết, cả nhà 4 người chỉ có một bữa ăn tại nhà khi hóa vàng. Thời gian còn lại, gia đình anh đến nhà anh em, họ hàng chúc Tết rồi lại sà vào mâm cơm.

Trở lại với sinh hoạt thường nhật, anh Tùng ngao ngán: "Trước Tết nhìn món nào cũng thấy ngon, cả nhà mình ai cũng ăn rất nhiệt tình. Sau Tết, thức ăn tồn dư vẫn còn cần giải quyết nốt nhưng thực sự dọn cơm ra không ai muốn đụng đũa".

Theo BS chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, sau Tết dấu hiệu mệt mỏi cơ thể là điều không tránh khỏi. Nguyên nhân gây tâm lý mệt mỏi uể oải sau Tết là vì kì nghỉ dài khiến nhịp sinh hoạt bị thay đổi. Trước và trong Tết, ai cũng bận rộn và mệt mỏi vì dọn dẹp nhà cửa, ăn uống, thăm viếng họ hàng, bạn bè.

Còn TS Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: "Mâm cơm Tết thường dư thừa đạm, chất béo từ thịt gà, thịt bò, đồ chiên rán, trong khi ít món luộc, rau xanh dễ khiến mọi người tăng cân và nhanh ngán. Theo đó, mỗi người cần thiết lập chế độ dinh dưỡng giúp thanh lọc cơ thể, giải phóng năng lượng dư thừa và cải thiện vị giác".

3 giải pháp giúp thanh lọc cơ thể

Theo các chuyên gia y tế, để vực dậy tinh thần sau Tết, mọi người cần lên kế hoạch trở lại công việc. Nếu thấy mệt thì sắp xếp thời gian vừa làm vừa nghỉ ngơi, thư giãn. Ngoài thay đổi chế độ dinh dường, cần tăng cường vận động thân thể; Ngủ đúng giấc, ngủ đúng giờ và dậy đúng giờ…

Sau Tết nên điều chỉnh lại cho phù hợp cuộc sống đời thường, bởi quá nhiều thay đổi trước, trong, sau Tết góp phần cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Uống đủ nước: Để thanh lọc cơ thể, người dân nên uống đủ 2 lít nước/ngày bởi nước mang lại nhiều lợi ích như giúp các khớp hoạt động tốt hơn, tim khỏe mạnh và da căng bóng. Ngoài nước lọc, người dân có thể sử dụng nước chanh, trà xanh, hoặc nước dừa thay thế.

BS Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo thêm nên uống nhiều nước nhưng đừng quá nhiều. Uống 4 cốc nước (1 lít) trong suốt 8 giờ nơi công sở, chưa kể trà, cà phê, đồ uống lạnh, nước quả và 2 cốc nước cho buổi tối là tối ưu nhất. Không nên uống nhiều hơn 2 lít nước/ngày bởi quá trình "đào thải" lượng nước thừa này sẽ làm "hao hụt" nhiều khoáng chất quan trọng (canxi, magiê, kali và natri), thậm chí gây ngộ độc nước.

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh và trái cây: BS Cương cho rằng việc bổ sung lượng chất xơ thiếu hụt sau những bữa ăn dư thừa đạm ngày Tết là "chìa khóa" quan trọng giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại cân bằng. Chất xơ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và giúp tăng nhu động ruột, cải thiện chức năng tiêu hóa của cơ thể.

Một số loại chất xơ hiệu quả được chuyên gia khuyến cáo sử dụng như: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu que, đậu đũa, đậu Hà Lan, măng tre, giá, bắp cải, cà rốt, su hào, nấm… cung cấp các chất xơ không hòa tan, góp phần hạn chế sự hấp thu chất béo và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.

Rau họ cải như cải xanh, cải xoăn, bắp cải… giàu vitamin B, sắt, magie, kali, glycine giúp bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy quá trình đào thải độc tố và hỗ trợ hệ miễn dịch.

Các loại rau sống, rau thơm… cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với rau nấu chín. Tuy nhiên, người dân nên lưu ý rửa rau sạch trước khi ăn để tránh mắc các bệnh ký sinh trùng.

Các loại trái cây không chứa quá nhiều đường và có công dụng thanh lọc, thải độc hiệu quả như cam, ổi, táo, bưởi, dứa…

Chế độ ăn, vận động phù hợp: Cải thiện tình trạng nạp quá nhiều thực phẩm giàu đạm trong ngày Tết, chuyên gia cho biết mọi người nên thay thế thịt bò, thịt gà bằng cá, tôm, cua… vẫn bổ sung đủ đạm, canxi cho cơ thể nhưng không chứa quá nhiều calo và chất béo xấu.

Theo lưu ý của BS Vũ, cần có nguồn thực phẩm cân bằng, đa dạng; ăn ít chất béo, tăng chất xơ; không bỏ bữa ăn sáng; ăn vặt lành mạnh bằng việc chọn loại ít đường, ít béo, nên ăn trái cây tươi, sữa chua ít đường…

Bổ sung thêm các loại ngũ cốc như gạo lứt, hạt diêm mạch quinoa, lúa mạch, yến mạch… thuộc nhóm thực phẩm chứa chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe, cung cấp nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất thiết yếu và giúp cải thiện độc tố hiệu quả.

"Đặc biệt, tránh xa chế độ ăn kiêng siêu tốc và các viên thuốc giảm cân, không tốt cho sức khỏe", BS Vũ khuyến cáo.

Bên cạnh điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, các chuyên gia đưa ra lời khuyên mọi người nên kết hợp các phương pháp tập luyện thể dục thể thao phù hợp với thể trạng như đi bộ, đạp xe, yoga, aerobic… giúp thư giãn cơ bắp, thanh lọc cơ thể bằng việc ra nhiều mồ hôi, đồng thời để hỗ trợ giải phóng năng lượng, kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Đặc biệt, người dân đừng quên "làm sạch" gian bếp, loại bỏ các loại thực phẩm tồn dư trong dịp Tết bởi đa phần chúng chứa nhiều chất béo có hại và được tích trữ dài ngày không tốt cho sức khỏe.

Ngày đăng: 08:58 | 17/02/2024

Vũ Vũ / Báo Giao thông