Ngành hàng gỗ, dệt may và da giày có mức sụt giảm xuất khẩu nhiều nhất. Bên cạnh chuyển hướng thị trường, cần phải chuyển đổi xuất khẩu xanh.
Thiếu thông tin thị trường
Báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, có mức sụt giảm nhiều nhất, với mức lần lượt là 15,3%, 15,2%, 33,1% (số liệu 6 tháng).
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số.
Nguyên nhân được ông Hoài chỉ ra là, bên cạnh những tác động chung như xung đột địa chính trị, lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm, còn do thị trường Mỹ khởi xướng điều tra với một số sản phẩm gỗ và đồ gỗ của Việt Nam, quy định liên quan đến môi trường và rừng của EU…
Còn đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trưởng Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội cảnh báo, chúng ta đang đứng trong môi trường biến động khó lường.
Hiện 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho xuất khẩu vì vậy, với ngành này, ông Cẩm nhấn mạnh “rất cần thông tin thị trường để ứng phó kịp thời, hiệu quả”.
Hiện 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho xuất khẩu.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp trong nước rất lúng túng với những quy định mới và khó tại EU, Hoa Kỳ.
Trước thực tế đó, đại diện các ngành hàng trên kiến nghị: Cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách của thương vụ.
Giải pháp nào lội ngược dòng?
Ba nhóm ngành trên đều có ưu thế xuất khẩu lớn sang thị trường EU, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết: Xuất khẩu da giày của Việt Nam đang phụ thuộc vào một số nhãn hàng chính tại EU.
Với ngành hàng dệt may, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Ngành này có nhiều ưu đãi về thuế do vậy có nhiều tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang thị trường EU.
Còn ngành gỗ, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 57 triệu USD sang EU. “Dù được hưởng nhiều ưu đãi, tuy nhiên EU có yêu cầu cao và chặt chẽ liên quan đến môi trường cũng là thách thức cho doanh nghiệp ngành gỗ tăng xuất khẩu sang thị trường này”, đại diện thương vụ cho biết.
Gỗ Việt Nam bị Mỹ khởi xướng điều tra.
Với tình hình thị trường thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại cho biết, EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng …
“Với các quy định này, điều đáng lo ngại với doanh nghiệp Việt Nam là khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế”, ông Trần Ngọc Quân cho hay.
Hiệp định EVFTA giúp các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU, do đó, để tận dụng được lợi thế này, ông Quân nhấn mạnh “đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng”.
Mặt khác, vị này lưu ý, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp.
Một thị trường xuất khẩu lớn khác là Hoa Kỳ cũng đang sụt giảm mạnh. Ông Đỗ Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho rằng, để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu cho các mặt hàng tỷ USD, doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh nội địa.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xác định rõ thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh tìm hiểu các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; cải thiện chất lượng hoá cũng như công nghệ sản xuất.
Với tình hình hiện nay, ông Đỗ Mạnh Quyền khuyến nghị, doanh nghiệp ngành hàng ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách để xuất khẩu.
Bởi lẽ, các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi họ giảm các nhu cầu sẽ ngắt kết nối. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị đứt gãy.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội hiếm hoi, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đề nghị, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương;
Qua đó, đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị: Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững.
Ngày đăng: 09:04 | 02/08/2023
Hồng Hạnh / Giao thông