Tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/7, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) kiến nghị cần bổ sung nguồn lực cho xúc tiến thương mại (XTTM) để nâng cao tầm vóc cho sản phẩm, hàng hoá Việt, doanh nghiệp (DN) Việt trên thị trường quốc tế.

Phát triển thị trường xuất khẩu gắn với xúc tiến thương mại

Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải thông tin, 6 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%. Cán cân thương mại ước xuất siêu 9,3 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, XK tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, gồm nông, thủy sản; hàng công nghiệp XK chủ lực và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản. Trong đó, riêng XK nông, thủy sản tăng trưởng ở mức cao, khoảng 19,9%. Dù vậy, trước nhiều thách thức trong thời gian tới về vận tải hàng hóa, logistics, rủi ro chính sách tiền tệ… ông Hải cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới hoạt động XTTM, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động XTTM, tổ chức nhiều hoạt động XTTM mang tầm quốc tế để mời gọi thêm nhiều DN mua hàng hóa Việt Nam.

Cách nào gia tăng hiện diện thương hiệu Việt trên thị trường thế giới? -0
Trái cây Việt được nhiều thị trường ưa chuộng.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng có thị trường XK qua hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; có trên 500 DN tham gia XNK; trong đó, hơn 100 DN có hoạt động XNK thường xuyên với các mặt hàng chủ lực như dệt may; thủy sản; thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ; cao su thành phẩm; động cơ, thiết bị điện, sản phẩm điện tử; đồ chơi trẻ em; dược phẩm; cần câu cá; vật liệu xây dựng; đóng tàu xuất khẩu...

Tới đây, Đà Nẵng sẽ tăng cường thông tin, vận động DN tiếp tục tham gia các chương trình XTTM ra nước ngoài. Cùng đó, hoàn thành việc tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ hoạt động XTTM góp phần hỗ trợ hiệu quả cho DN thành phố khi tham gia chương trình. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ phối hợp Bộ Công Thương, tập đoàn thương mại điện tử xuyên biên giới hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng thông qua các sàn TMĐT quốc tế; triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi các FTA...

Bà Trâm cũng đề xuất các Thương vụ hỗ trợ thông tin, kết nối DN tại các thị trường trọng điểm và giao thương phân phối hàng hoá. Dự kiến 6 tháng cuối năm Sở cũng tổ chức khảo sát tại một số thị trường như Australia, Canada, Mỹ và tìm hiểu thị trường Trung Quốc… đề nghị các Thương vụ hỗ trợ thông tin sâu hơn về thị trường cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hoá.

Ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng kiến nghị, Sở đã tham mưu xây dựng Kế hoạch tổ chức Đoàn công tác hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng thăm và làm việc tại Thụy Điển và Phần Lan và kỳ vọng được Thương vụ tại thị trường này hỗ trợ các khâu kết nối để tổ chức thành công chương trình của Đoàn công tác.

Ngoài ra, thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được DN quan tâm; trong đó, có thị trường Canada. Thời gian tới, khi Bộ Công Thương tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Canada, đề nghị Bộ quan tâm, hỗ trợ TP Hải Phòng cùng tham gia Đoàn.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ DN Hải Phòng nói riêng và DN vùng đồng bằng sông Hồng nói chung trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường XK, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tổ chức một Hội nghị kết nối hoạt động XK giữa DN nước ngoài với doanh nghiệp trong nước tại TP Hải Phòng.

Cần đảm bảo được chất lượng sản phẩm

Phản hồi các ý kiến của địa phương, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, sản phẩm hàng hoá của Việt Nam phong phú, đa dạng, một số sản phẩm Việt Nam đã tiếp cận được thị trường và khẳng định được thương hiệu, chất lượng như tôm, cá ba sa, hạt điều, hạt tiêu…; các sản phẩm khác cũng bắt đầu khẳng định chất lượng và giá trị nhập khẩu vào Australia ngày càng tăng. Cơ quan Thương vụ luôn sẵn sàng cung cấp các thông tin cần thiết về thị trường, hỗ trợ DN các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Để tiếp cận và hỗ trợ tốt hơn cho các địa phương khi sang Australia, các địa phương cần phải có thông tin sớm và có kế hoạch cụ thể, để từ đó Thương vụ làm việc với các đối tác. Hiện, Australia là địa bàn rộng và các nhà mua hàng lớn, DN thu mua làm việc theo kế hoạch, mình kết nối cũng phải tuân thủ.

Bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cũng cho rằng, các DN cần nâng cao chất lượng đáp ứng các yêu cầu bổ sung của thị trường nhập khẩu cũng như những yêu cầu riêng cho từng loại sản phẩm. Các DN cũng cần tận dụng lợi thế từ EVFTA, tiếp cận các kênh phân phối tại Đức, đặc biệt kênh phân phối hàng châu Á. Đặc biệt, theo các Thương vụ, các thị trường có các quy định, rào cản kỹ thuật, rất khắt khe. Để chinh phục và giữ được thị trường, các Thương vụ cho rằng, DN Việt cần đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản.

Về thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, XK hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các DN châu Âu. Các sản phẩm DN Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông thủy sản, đặc biệt Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, chuối...

https://cand.com.vn/Thi-truong/cach-nao-gia-tang-hien-dien-thuong-hieu-viet-tren-thi-truong-the-gioi--i736244/

Ngày đăng: 10:14 | 03/07/2024

Phan Đức / CAND