Tình trạng úng ngập mỗi khi mưa lớn diễn ra ngày càng phổ biến ở thành phố Hà Nội. Nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây ra những đợt mưa lớn bất thường trái quy luật; trong khi hệ thống thoát nước của thành phố chưa hoàn chỉnh, việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ. Để giải quyết vấn đề này, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài: “Cách nào chống úng ngập cho Hà Nội?”, phản ánh quyết tâm của thành phố trong việc giải bài toán chống úng ngập trên địa bàn Thủ đô.
Bài 1: Đô thị cũ, đô thị mới đều ngập
Những trận mưa lớn xối xả, dồn dập trong thời gian ngắn, với lượng mưa phổ biến trên 100mm, thậm chí có nơi lên tới 180mm/giờ đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội ngập sâu 20-40cm, có vị trí đến 50cm. Đáng chú ý, không chỉ khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước bị ngập, mà cả khu vực đô thị cũ - nơi đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước hay các khu đô thị mới được đầu tư hiện đại cũng chịu cảnh này...
Công nhân vận hành Trạm bơm Yên Sở (quận Hoàng Mai). Ảnh: Quang Thái
Quan tâm cải thiện hệ thống thoát nước
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước đô thị. Trong đó, đáng chú ý là Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 1, giai đoạn 2 (từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản), với việc đầu tư cải tạo các cống, sông, hồ điều hòa, hệ thống kênh dẫn, kênh xả, trạm bơm, bảo đảm hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch (phạm vi 77,5km2, gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai), cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát nước với cường độ mưa 310mm/2 ngày. Ngoài dự án này, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng bể điều tiết nước ngầm và cải tạo hệ thống thoát nước phố Thanh Đàm, Đội Cấn, cống hóa mương Thụy Khuê, cải tạo hồ Linh Quang...
Nhờ những dự án trên, trong các năm 2017, 2020, 2021, Hà Nội xóa được 7 điểm úng ngập tại đường Yên Nghĩa, Cổ Linh, Thanh Đàm, Trường Chinh, Giải Phóng, Đội Cấn, Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương, 5 điểm úng ngập tại phố Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp đã giảm thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% so với các năm trước. Riêng điểm ngập tại phố Nguyễn Khuyến, qua theo dõi các trận mưa năm 2021 cho thấy, sau khi công trình bể điều tiết ngầm được đưa vào vận hành, mức độ ngập và thời gian ngập giảm khoảng 70% so với năm 2020.
Tuy vậy, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mưa lớn bất thường xảy ra ngày càng nhiều. Từ đầu mùa mưa 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có gần 10 trận mưa cường độ lớn, lượng mưa trên 100mm, thậm chí có nơi lên tới 180mm/giờ, vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, dẫn đến úng ngập, nhất là tại các khu vực trũng thấp, xa nguồn xả. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, lưu vực sông Tô Lịch còn 16 điểm thường xuyên xảy ra úng ngập, chưa kể các điểm trong ngõ, ngách, khu đông dân cư.
Đường Phạm Hùng ngập nặng sau trận mưa ngày 12-8-2022.
Ngập nặng ở nhiều khu đô thị
Không chỉ khu vực đô thị cũ, tại khu vực đô thị mở rộng, mới đô thị hóa, tình trạng úng ngập cũng xảy ra, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ghi nhận sau trận mưa lớn trên diện rộng ngày 11 và 12-8 vừa qua cho thấy, phố Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) biến thành “sông”, nước ngập sâu tới hơn nửa bánh xe, ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện. Không ít xe máy bị đổ, ngã do “sóng nước” khi cố vượt qua điểm ngập sâu. Thậm chí, 2-3 xe buýt và nhiều ô tô con, xe máy còn bị chết máy do đi vào vùng nước ngập.
Sống tại một trong những “điểm đen” thường xuyên xảy ra úng ngập khi mưa lớn, bà Phạm Thị Thắm (ngách 5, ngõ 54 phố Hoa Bằng, Cầu Giấy) chia sẻ: “Nhiều năm nay, mỗi khi trời mưa lớn, gia đình tôi lại sống chung với úng ngập. Có ngày ngập đến 2 lần, nước tràn vào nhà, sâu đến 20cm. Khổ nhất là sau khi nước rút lại phải bơm hút, thau rửa bể nước ngầm...”.
Tại Đại lộ Thăng Long và đường gom hướng đi Hòa Lạc và ngược lại, ùn tắc giao thông kéo dài nhiều cây số do điểm ngập sâu ở đoạn Km7 Đại lộ Thăng Long và các hầm chui dân sinh đối diện các khu đô thị Bắc An Khánh, Geleximco, ngã ba Thiên đường Bảo Sơn... Chị Đỗ Huệ Chi (chung cư Gemek Tower, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) kể, tình trạng úng ngập tại Đại lộ Thăng Long và các khu đô thị: Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Lê Trọng Tấn - Geleximco thường xuyên xảy ra khi có mưa lớn kéo dài. Tại các khu biệt thự liền kề, nước ngập sâu, cư dân phải đi thuyền để vào nhà. Sau mưa, nước rút cũng rất chậm; có đợt kéo dài 2-3 ngày nước mới rút hết. Tương tự, tại Khu đô thị RESCO, EcoHome3 (quận Bắc Từ Liêm), các trận mưa lớn trong thời gian vừa qua cũng khiến cả khu vực trở thành “biển nước”. Một cư dân sống tại tòa nhà OCT5B, Khu đô thị RESCO cho biết, khi mưa lớn, người dân không thể đi xe về nhà vì xung quanh đều ngập nước.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội qua những trận mưa các năm gần đây, khu vực đô thị mới có khoảng 15 điểm thường xuyên xảy ra úng ngập, gồm: Phố Phan Văn Trường, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Đỗ Đức Dục, Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng, Khu đô thị RESCO, Đại lộ Thăng Long... (lưu vực sông Nhuệ); Đàm Quang Trung, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp (lưu vực Long Biên); quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm, đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh).
(Còn nữa)
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1040101/cach-nao-chong-ung-ngap-cho-ha-noi
Ngày đăng: 08:09 | 23/08/2022
DẠ KHÁNH / HNM.com.vn