Các công nghệ mới như AI, IoT, Big Data... mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp ôtô truyền thống có thể bị "phá vỡ".
Khi Henry Ford giới thiệu dây chuyền lắp ráp xe hơi năm 1913, ông đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (đã manh nha từ năm 1870) nói chung và sự phát triển của ngành ôtô nói riêng. Giờ đây, sau một thế kỷ, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lĩnh vực ôtô lại một lần nữa tạo nên sự thay đổi đáng kể, tinh giản hoạt động và đem đến cơ hội kinh doanh mới.
Sự kết nối là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ở những cơ sở đã chuẩn bị sẵn sàng cho công nghiệp 4.0, các thiết bị kết nối với nhau và kết nối với con người, cung cấp dữ liệu thời gian thực từ vô số cảm biến. Con người có thể "kết nối" với dữ liệu ấy bất cứ lúc nào, cùng với phân tích nâng cao và công nghệ máy học (machine learning) mang đến một hệ sinh thái mạnh mẽ tạo ra từ cảm biến, thiết bị và con người.
Ôtô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ. Ảnh: Totally Integrated Automation |
Nếu trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu… thì ngày nay, ôtô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu. Điều đó khiến cho ôtô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.
Hiện nay, đa số các cơ sở ôtô chưa đạt đến trạng thái kết nối hoàn hảo, tức con người và máy móc có thể hoạt động liên tục với nhau. Tuy nhiên, hầu hết các hãng sản xuất và nhà cung cấp đã sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi đây cũng là con đường mang lại cho họ lợi nhuận lớn hơn.
Theo Automotive World, các cảm biến trong chuỗi cung ứng đã trở thành yếu tố quan trọng. Ví dụ, ở nhà máy Bosch (Stuttgart-Feuerbach, Đức), sản lượng hệ thống phanh tự động (ABS) và hệ thống cân bằng điện tử (EPS) đã tăng 25%, đơn giản chỉ bằng cách áp dụng những dây chuyền thông minh và được kết nối.
Theo dự báo của các hãng nghiên cứu, ngành công nghiệp ôtô sẽ phát triển theo bốn xu hướng chính gồm tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ. Các xu hướng này sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp ôtô truyền thống có thể bị "phá vỡ". Tổng doanh thu của ngành ôtô đến năm 2030 đạt 6.700 tỷ USD, trong đó có tới 1.500 tỷ USD đóng góp từ các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ mới. Đến năm 2030, 70% xe ôtô bán ra thị trường tích hợp công nghệ tự lái.
Trong trận Chung kết Cuộc đua số, diễn ra ngày 17/5 tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, trích dẫn nhận định rằng 90% sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. Các nhà sản xuất ôtô hiểu rằng xe hơi không còn là "lãnh địa bất khả xâm phạm" họ nữa mà là lãnh địa của các công ty công nghệ. Rất nhiều công ty chưa từng tham gia sản xuất xe như Google, Tesla, Uber, Apple... đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành.
Ông Trương Gia Bình cũng cho rằng, xe tự hành cũng chính là cơ hội để Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp ôtô trong tương lai. Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động nắm bắt các công nghệ mới để theo kịp "con tàu" mang tên công nghiệp 4.0. Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty Misa, nhận định doanh nghiệp nào nắm bắt xu hướng chuyển đổi sớm sẽ có khả năng tồn tại và phát triển trong tương lai. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể kéo theo "bị hủy diệt", nhưng nếu biết nắm bắt thì có thể chuyển từ trạng thái "bị hủy diệt" sang trạng thái "hủy diệt", làm chủ thời cơ.
Đội phát triển công nghệ xe tự hành của FPT. |
Để không bỏ lỡ thời cơ và quyết tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ôtô, từ năm 2016, FPT đã thành lập một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này với quy mô 700 người. Giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu (deep learning) đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ôtô mô hình. Tháng 10/2017, xe ôtô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã được đưa vào chạy thử nghiệm trong khuôn viên của công ty.
Tuy nhiên, xe hơi tích hợp các công nghệ 4.0 vẫn là điều mới mẻ tại Việt Nam và chưa có nhiều công ty tham gia, kể cả trong lĩnh vực sản xuất xe hơi lẫn phát triển phần mềm. Nhằm thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ ôtô tại Việt Nam theo xu hướng mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, FPT cũng đã tổ chức Cuộc thi Cuộc đua số với chủ đề Xe tự hành để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận công nghệ mới.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ của FPT, đánh giá: “Sinh viên Việt Nam có khả năng học hỏi và nắm bắt công nghệ rất nhanh. Tôi tin rằng từ Cuộc đua số, sẽ có nhiều bạn sinh viên trở thành lực lượng nòng cốt, tiên phong tham gia chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
8 công nghệ xe hơi đáng chờ đợi nhất trong tương lai Từng được giới thiệu với tiềm năng lớn, nhưng việc ứng dụng những công nghệ xe hơi này vào thực tế vẫn là một quá ... |
8 thiết bị công nghệ giúp bạn sinh tồn khi đi phượt Những thiết bị công nghệ này đều khá gọn nhẹ nhưng lại giúp ít rất nhiều cho một chuyến treking đường dài. |
Ngày đăng: 15:47 | 29/05/2018
/ vnexpress.net