Một trong những mục tiêu giăng bẫy của Liên Kết Việt là "đánh vào người giàu" và bà Trang đã bị dẫn dụ tham gia.
Ngày 21/12, TAND Hà Nội khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty kinh doanh đa cấp Liên Kết Việt. Hơn 6.000 nạn nhân được triệu tập song chỉ trên 500 người có mặt.
Trong những người đến tòa, bà Trang, 63 tuổi, ở Vĩnh Phúc, là một trong số ít gương mặt rạng rỡ cười nói ở khu vực ngoài phòng xét xử. Lau mồ hôi giữa tiết trời giá lạnh, bà hồ hởi nói với những người đứng bên cạnh: "Giờ không đòi được tiền cũng không quan trọng. Tôi đi cho vui, cốt để biết mặt những đứa lừa đảo, rồi chỉ vào mặt, nói một câu cho hả lòng hả dạ".
Hơn 500 bị hại ngồi kín khu vực ngoài phòng xử án, theo dõi phiên toà qua màn hình điện tử trong ngày khai mạc phiên toà. Ảnh: Thanh Vân |
Bà Trang kinh doanh bất động sản, lần đầu nghe cái tên Liên Kết Việt khoảng giữa năm 2014, từ lời giới thiệu người bạn. "Công ty của Bộ Quốc phòng đấy, đóng có mấy triệu mà lãi gần nửa tỷ, em làm rồi, chị có vào không? Người khác vào trước, họ lấy hết lãi lại tiếc", người bạn nói với bà.
Là người từng trải, bà Trang nói mình không dễ bị đường mật rót tai nên vặn lại "mang tiền biếu không kẻ khác như thế thì chỉ có thể là lừa đảo" và từ chối tham gia. Hai hôm sau, bà được mời tới văn phòng đại diện của Liên Kết Việt tại Hà Nội.
Hơn 5 năm trôi qua, bà Trang vẫn nhớ lần đầu bước chân vào tầng 4 của toà nhà bề thế tại quận Cầu Giấy khi ấy, những bức tường treo kín bằng khen và nhiều bức ảnh khổ lớn. Hình ảnh Chủ tịch Liên Kết Việt Lê Xuân Giang trong bộ quân phục, cầu vai bậc đại tá, ngực đeo kín huy chương đang tươi cười bắt tay nhiều người mặc quân phục khác đã lập tức xoá tan nghi ngờ của bà Trang.
"Công ty chúng tôi thuộc Bộ Quốc phòng, được Bộ Công Thương cấp phép để chuyên sản xuất máy khử trùng ozone và thực phẩm chức năng chất lượng cao. Tiền quý vị nộp vào đây sẽ tự động sinh lời nhanh không ngờ, cụ thể ...", bà Trang nhớ như in lời người phụ nữ mặc vest nói tại tòa nhà hôm đó. Lập tức, bà trả ngay 25,8 triệu đồng để mua 3 mã sản phẩm.
Đăng nhập vào tài khoản trên website công ty, bà lấy tên "Thùy Trang tỷ phú". Cầm theo chiếc "máy ozone", vài hộp thuốc chưa bao giờ để ý tên gọi, cùng lời hẹn ngày mùng 2 hằng tháng tới văn phòng nhận lãi, bà gia nhập mạng lưới của Liên Kết Việt.
Sau vài tháng đều đặn nhận lãi và được tư vấn, bà nhận ra muốn nhanh thành tỷ phú, mua nhiều mã hàng hơn, phải rủ được nhiều người tham gia, phải trở thành "đỉnh của kim tự tháp".
Công việc kinh doanh bất động sản gác lại một bên, bà dành thời gian nói với nhiều người về cơ hội làm giàu ở Liên Kết Việt. Những ai còn chần chừ, hay không có tiền tham gia, bà Trang bỏ tiền túi cho vay.
Tới phiên toà sáng 21/12, ngoài chồng giấy tờ, hồ sơ liên quan vụ án nặng hơn 2 kg, bà mang theo tấm bạt lớn có "cây sơ đồ nhóm" do tự tay vẽ để quản lý và tính hoa hồng. Phía trên cùng của sơ đồ, từ "Thuỳ Trang tỷ phú" toả ra 217 cái tên khác ở nhiều nhánh, chính là số người được bà giới thiệu vào mạng lưới đa cấp Liên Kết Việt trong chưa đầy 4 tháng.
"Cây sơ đồ" bà Trang vẽ để theo dõi tình hình nhóm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Phần lớn những người này gia nhập công ty giữa năm 2015, khi Liên Kết Việt chính thức có chi nhánh tại tỉnh Vĩnh Phúc, đặt văn phòng ở thành phố Vĩnh Yên.
Bà Trang kể hôm đó bị cáo Lê Văn Tú, phó tổng giám đốc Liên Kết Việt, có mặt cùng một số thành viên trong ngày khai trương đã thuyết trình về cơ hội làm giàu "có một không hai" đến từ một trong những chương trình khuyến mãi thành công nhất lịch sử công ty này - "Mùa xuân đại thắng". Ai mua một mã hàng 8,6 triệu đồng được hứa hẹn tặng hoa hồng 3 triệu đồng ngay khi nộp tiền, được thưởng vàng và hưởng "tri ân" dài hạn, tổng hơn 409 triệu đồng.
Hình ảnh về "Đại tá - Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Giang" cùng những bằng khen, huy chương lại xuất hiện trong slide giới thiệu Liên Kết Việt và được Tú quảng bá là "doanh nghiệp lính" vô cùng thế lực.
Ngay sau màn giới thiệu là một cô gái bước lên sân khấu, giới thiệu vừa nhận danh hiệu nhà phân phối xuất sắc, khởi nghiệp bằng 10 mã với 8,6 triệu đồng. Hai năm kinh doanh đa cấp, giờ ở tuổi 25, cô có trong tay hơn 4 tỷ đồng.
"Hôm đấy tôi không mang tiền mà ma xui quỷ khiến, cứ hùng hục lái xe về giữa trưa nắng để mang tiền lên nộp", bà Trang nói và cho hay mua ngay 10 mã hàng, tổng 86 triệu đồng và lập tức được hoàn trả 30 triệu đồng hoa hồng.
Phiếu thu bà Trang nhận lại sau khi nộp 86 triệu đồng cho văn phòng đại diện của Liên Kết Việt tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Hai tuần sau khi nộp tiền, bà Trang lên văn phòng tại thành phố Vĩnh Yên để lĩnh hoa hồng như lịch hẹn, song cánh cửa đã khoá ngoài. Hơn 20 cuộc điện thoại suốt ngày hôm đó cho phó tổng giám đốc Tú, cho trưởng chi nhánh và "cô kế toán" đều trả lại những tiếng "tút tút" ngân dài.
"Dân chơi đa cấp" khắp Vĩnh Phúc bắt đầu đồn nhau việc "Liên Kết Việt vỡ trận, lãnh đạo bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo". Bà Trang lòng như lửa đốt. Tính đến ngày Chủ tịch Giang bị bắt, 17/12/2015, bà mua hơn 40 mã hàng, nộp 400 triệu đồng.
5 năm qua, mỗi khi nhắc đến Liên Kết Việt, bà đều thấy buồn song không phải vì mất tiền mà đã vô tình giới thiệu nhiều người tham gia mạng lưới này. "Đáng sợ, chóng mặt vì tiền", bà kẽ rùng mình rồi chẹp miệng.
Tình hình kinh doanh hiện tại tốt, bà trở thành "Trang tỷ phú" như kế hoạch cuộc đời, song tất nhiên không phải nhờ Liên Kết Việt.
Trong hai ngày qua, bị cáo Giang, Tú và 5 đồng phạm ban đầu đều phủ nhận sử dụng các thủ đoạn gian dối để lừa đảo, lôi kéo bị hại và chiếm đoạt tài sản. Qua quá trình xét hỏi của HĐXX, bị cáo Giang đã dần nhận tội, thừa nhận toàn bộ bằng khen của lãnh đạo nhà nước treo tại các văn phòng và chi nhánh đều là giả mạo nhằm tăng uy tín, tạo dựng tin tưởng với bị hại. Công ty không thuộc Bộ Quốc phòng song Giang và thuộc cấp lợi dụng tên viết tắt để giả mạo, bán những sản phẩm kém chất lượng, nâng hoa hồng cao hơn 25% so với quy định để lôi kéo thêm nhiều người gia nhập mạng lưới đa cấp.
Theo cáo buộc, Giang xuất ngũ năm 2001, lập Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP, chuyên sản xuất máy khử độc ozone, thực phẩm chức năng. Năm 2010, bị cáo tiếp tục thành lập Công ty Liên Kết Việt và xin cấp giấy phép kinh doanh đa cấp các sản phẩm của BQP.
Tháng 3/2013, Chủ tịch Liên Kết Việt chỉ xin ký xác nhận ý tưởng sản xuất máy khử độc ozone với Công ty Thanh Hà mà không hợp tác sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ông Giang chỉ đạo in trên tất cả máy khử độc ozone của BQP dòng chữ "Sản phẩm này của Công ty BQP hợp tác sản xuất với Công ty Thanh Hà, Bộ Quốc phòng".
Chiêu này cũng được áp dụng để lừa đảo, quảng bá cho hàng loạt thực phẩm chức năng là sản phẩm "liên kết hợp tác nghiên cứu khoa học" với các bệnh viện quân đội tuyến trung ương. Thực tế, cơ quan điều tra xác định, các giấy xác nhận đều do ông Giang tự soạn thảo nhằm gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ cho người mua.
VKSND Tối cao kết luận, các chương trình khuyến mại này đều không được đăng ký, nội dung trái pháp luật, bản chất là kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người sau trả cho người trước, không phải từ kinh doanh bán hàng thu lợi nhuận. Các bị hại đều được hứa hẹn, dù không mua sản phẩm vẫn có thể trở thành nhà phân phối, "đối tác" của công ty.
Khi mới đóng tiền, hằng tháng các bị hại đều được trả tiền lãi đầy đủ nên dẫn dụ, lôi kéo thêm bạn bè, người nhà tham gia. Từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015, Liên Kết Việt có mạng lưới 34 chi nhánh, lôi kéo được hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh tham gia, lừa đảo gần 2.100 tỷ đồng. Giang và đồng phạm chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng, số còn lại chi trả hoa hồng, tiền thưởng, nuôi bộ máy.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục bước sang ngày làm việc thứ 3.
Thanh Lam
Cán bộ Liên kết Việt được nhận hàng chục tỷ mà "không hiểu vì sao" |
Phó tổng giám đốc Liên Kết Việt nhận mỗi tháng 2,2 tỷ đồng |
6.000 bị hại sẽ đến phiên tòa xử Công ty Liên Kết Việt lừa đảo |
Ngày đăng: 10:43 | 23/12/2020
/ vnexpress.net