Các tỉnh, thành phố miền Trung lên phương án di dời hàng trăm nghìn dân, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi để ứng phó bão Rai đang diễn biến phức tạp.
Tại Đà Nẵng, ngày 18/12, trước diễn biến phức tạp của bão Rai, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân, nhất là các khu dân cư ở vùng trũng thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Cùng đó, các địa phương, đơn vị tổ chức neo đậu và quản lý người, phương tiện hoạt động trên sông, biển an toàn, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố tiếp tục nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã liên lạc được với 1.242 phương tiện/7.432 lao động. Trong đó tàu thuyền đang neo đậu tại các bến là 1.217 phương tiện/7.228 lao động, tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 25 tàu/204 lao động.
Đà Nẵng hiện có 1.217 phương tiện/7.228 lao động vào neo đậu tại các bến. |
Tại Quảng Nam, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, đến nay có 27 tàu cá/223 ngư dân của tỉnh đang hoạt động trên biển, những tàu này đã được thông báo về đường đi của bão Rai. Các Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã tổ chức bắn pháo hiệu để thông báo cho tàu thuyền hoạt động vào bờ.
Cùng đó, chính quyền các địa phương thông báo cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.
UBND tỉnh yêu cầu đơn vị liên quan chủ động hỗ trợ nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn kiểm tra, chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc.
Quảng Ngãi: Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành việc kêu gọi tất cả các tàu, thuyền trong vùng nguy hiểm của bão di chuyển tránh trú hoặc vào nơi neo đậu an toàn trước 10h ngày 18/12.
Đồng thời, trước 17h ngày 18/12, các địa phương phải hoàn tất hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà ở, tổ chức di dời, sơ tán người dân trong khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi gió mạnh của bão đến nơi an toàn. Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời, sơ tán hơn 7.800 người tại 22 xã ven biển và huyện Lý Sơn để tránh trú bão.
Theo báo cáo mới nhất, hiện có hơn 5.300 tàu/33.000 lao động của tỉnh Quảng Ngãi đã vào nơi neo trú an toàn. Còn khoảng 400 tàu/2.962 lao động đang hoạt động trên biển và tất cả đã nhận được tin về diễn biến bão Rai.
Phú Yên: Ngày 18/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện có khoảng 200 tàu cá/1.000 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ 120 tàu và 84 tàu hoạt động gần bờ đi về trong ngày.
Để ứng phó với bão Rai, UBND tỉnh Phú Yên kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiểm tra hướng dẫn các khu neo đậu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá các tỉnh vào tránh trú an toàn. Các địa phương lên kịch bản triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Trong trường hợp bão số 9 đổ bộ vào đất liền, cường bộ bão cấp 12 và 13 thì Phú Yên dự kiến sẽ di dời, sơ tán khoảng 25.000 hộ đến nơi an toàn.
Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. |
Thừa Thiên-Huế: Để chủ động ứng phó với siêu bão, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức kêu gọi các phương tiện còn lại vào nơi tránh trú an toàn, đồng thời cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 9h ngày 18/12 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương có phương án sơ tán dân vùng ven biển, đầm phá, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở cũng như gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao.
Cạnh đó, các chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển phải tạm dừng thi công từ ngày 19/12, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.
Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, phương án sơ tán, di dời ứng phó với bão mạnh, siêu bão gồm: xen ghép với 19.623 hộ/55.788 khẩu; tập trung với 8.374 hộ/30.725 khẩu. Dự kiến chiều 19/12 tổ chức sơ tán di dời dân.
Quảng Trị: Nhằm ứng phó với bão số 9, tỉnh Quảng Trị lên phương án di dời dân, trong đó ưu tiên di dời dân ở các địa phương vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ theo phương án cấp độ 3.
Theo đó, số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh bão ở 4 huyện ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ là 8.980 hộ với gần 28.000 người. Trong đó tỉnh ưu tiên phương án sơ tán khẩn cấp hơn 1.730 hộ với trên 6.200 nhân khẩu bị ảnh hưởng ở các xã vùng ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ.
Quảng Trị cũng lên phương án di dời trên 14.340 hộ dân với hơn 53.000 nhân khẩu để tránh ngập lũ trên báo động 3. Ngoài ra, Quảng Trị cũng chuẩn bị kịch bản di dời hàng nghìn hộ dân để tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng miền núi.
Quảng Trị hiện có gần 2.500 tàu thuyền với trên 7.000 thuyền viên. Đến sáng 18/12, tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn.
Ngày đăng: 16:40 | 18/12/2021
/ vtc.vn