Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các cuộc xung đột quốc tế, từ chiến tranh thương mại đến xung đột quân sự, đều có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các tập đoàn này.
Vai trò các tập đoàn lớn với kinh tế thế giới
Từ lâu, những cái tên như Walmart, Amazon, Apple, Shell, Volkswagen hay Microsoft,... đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới. Họ là những tập đoàn đa quốc gia (MNC) với địa bàn kinh doanh khắp thế giới và tầm ảnh hưởng rộng lớn. Các MNC này đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) thì các MNC và các chi nhánh nước ngoài của họ đóng góp tới 1/3 tổng sản phẩm toàn cầu và 2/3 thương mại quốc tế. Về mặt xuất khẩu, chỉ riêng các chi nhánh nước ngoài của các MNC đã chiếm khoảng 30% toàn thế giới. Báo cáo Đầu tư Toàn cầu của UNCTAD công bố ngày 20/6/2024 cho thấy, năm 2023 MNC chi khoảng 80% trong số 1.300 tỷ USD tổng đầu tư ra nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới.
Không chỉ đóng góp trong đầu tư và thương mại, các MNC còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng suất lao động ở các nước nhận đầu tư, giúp các nền kinh tế đang phát triển tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong năm 2023, phần lớn các “dự án xanh” đi đầu trong chuyển đổi công nghệ chiếm khoảng 60% toàn cầu được thực hiện bởi các MNC, đặc biệt tại các khu vực đang phát triển như châu Á và châu Phi.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng từ các MNC cho sự ổn định và phát triển kinh tế bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu hiện tại. Báo cáo của IMF cho thấy kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm với mức tăng trưởng dự báo là 3,2% trong năm 2024 - 2025. Nhưng những biến động địa chính trị trên thế giới với những cuộc xung đột khu vực đang trở thành lực cản đối với các hoạt động kinh doanh khiến cho không ít MNC phải cắt giảm hoạt động của mình.
Những khó khăn cơ bản
Một trong những khó khăn lớn nhất mà các MNC phải đối mặt trong thời kỳ xung đột là gián đoạn chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và dễ bị tổn thương khi có xung đột xảy ra, chẳng hạn như sự ngừng trệ trong vận chuyển hàng hóa, thiếu nguyên liệu đầu vào, tăng chi phí vận chuyển. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu chuỗi cung ứng toàn cầu (Global Supply Chain Institute), hơn 75% các công ty đã trải qua gián đoạn chuỗi cung ứng trong những năm gần đây do các cuộc xung đột quốc tế. Đặc biệt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác quan trọng làm ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Xung đột quốc tế cũng dẫn đến sự biến động mạnh mẽ của tỷ giá hối đoái, làm cho việc dự báo và quản lý tài chính trở nên khó khăn hơn. Sự biến động này có thể làm giảm lợi nhuận hoặc thậm chí gây thua lỗ cho các MNC khi chuyển đổi doanh thu từ ngoại tệ về đồng nội tệ. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, tỷ giá hối đoái của đồng rúp Nga đã giảm hơn 30% so với USD trong giai đoạn 2022-2023 do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kinh tế. Điều này đã gây khó khăn cho các công ty đang hoạt động tại Nga hoặc có giao dịch thương mại với Nga.
Các biện pháp cấm vận và hạn chế thương mại được áp đặt bởi các quốc gia hoặc liên minh quốc gia nhằm phản ứng lại xung đột quốc tế cũng gây khó khăn cho việc kinh doanh. Các biện pháp này không chỉ làm giảm khả năng tiếp cận thị trường mà còn làm tăng chi phí, phức tạp hóa quá trình tuân thủ pháp luật. Một ví dụ điển hình là các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Iran. Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các biện pháp trừng phạt này đã khiến GDP của Iran giảm khoảng 5% từ năm 2019 tới nay, đồng thời là sự suy giảm hoạt động của nhiều MNC có nguồn gốc phương Tây tại Iran.
Theo báo cáo của IMF, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây thiệt hại kinh tế toàn cầu khoảng 1,5% GDP trong năm 2022. Còn cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến tổng thương mại toàn cầu giảm khoảng 500 tỷ USD chỉ riêng giai đoạn 2018-2019 theo ước tính của Phòng Thương mại Quốc tế Mỹ (ICC).
Cụ thể hơn, Tập đoàn dầu khí Anh (BP) đã chịu tổn thất lớn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. BP đã phải rút khỏi thị trường Nga và bán cổ phần tại Rosneft (Công ty Dầu khí quốc gia Nga) dẫn đến một khoản lỗ lên tới 25,5 tỷ USD trong quý đầu năm 2023. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Apple, làm họ mất ưu thế tại thị trường. Trong báo cáo tài chính gần đây nhất, Apple cho biết doanh số bán hàng toàn cầu đã giảm 5% trong quý 2 năm 2024, chủ yếu do các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ và các vấn đề logistics từ những nhà máy chính đặt tại Trung Quốc. Còn Nestlé, tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột tại châu Phi. Do tình hình bất ổn tại Nigeria và Ethiopia, Nestlé báo cáo rằng doanh thu tại các thị trường này giảm 7% trong nửa đầu năm 2024 và làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của họ gây tổn thất hàng trăm triệu USD.
Những con số này cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của các cuộc xung đột đối với hoạt động kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Các công ty này phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh biến động. Gần đây, xung đột tại Trung Đông dẫn đến việc lực lượng Houthi phong tỏa Biển Đỏ gây ra những tổn thất nghiêm trọng chưa thể thống kê hết. Michael Porter, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về marketing và chiến lược kinh doanh nhận định rằng chính việc đầu tư rộng khắp đã khiến các MNC “nhạy cảm với các biến động địa chính trị toàn cầu hơn trước”.
Đi tìm giải pháp
Khi dòng chảy thương mại và đầu tư của MNC bị ngưng trệ, nó sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng toàn cầu. Số liệu từ UNCTAD cho thấy tổng FDI toàn cầu đã giảm 2% trong năm 2023 và đặc biệt giảm tới 7% ở các nước đang phát triển, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động địa chính trị hơn so với các khu vực khác. Để đối phó với các biến động địa chính trị, các MNC cũng có nhiều giải pháp nhờ tính linh hoạt của mình.
Đa dạng hóa thị trường là một chiến lược quan trọng giúp các tập đoàn đa quốc gia giảm thiểu rủi ro khi một thị trường cụ thể bị ảnh hưởng bởi xung đột. Bằng cách đầu tư vào nhiều quốc gia khác nhau, các công ty có thể giữ được doanh thu và lợi nhuận của mình. Giáo sư Nouriel Roubini, một nhà kinh tế học nổi tiếng thì nhấn mạnh rằng “các công ty đa quốc gia cần chú trọng đến việc quản lý rủi ro tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh biến động tỷ giá hối đoái”. Ông khuyến cáo rằng các công ty nên sử dụng các công cụ tài chính như hợp đồng tương lai và hợp đồng hoán đổi để bảo vệ lợi nhuận khỏi sự biến động của tỷ giá.
Phát biểu trong hội nghị kinh tế của EU mới đây, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, cho rằng các biện pháp cấm vận và hạn chế thương mại là một trong những thách thức lớn nhất đối với các công ty đa quốc gia. Bà khuyến nghị các công ty cần có chiến lược dài hạn và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi trong chính sách quốc tế để duy trì hoạt động kinh doanh bền vững. Bởi việc “phát triển chiến lược tuân thủ pháp luật là rất quan trọng để các công ty đa quốc gia có thể hoạt động hiệu quả trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại”. Bà Lagarde cũng khuyến cáo các công ty cần có đội ngũ chuyên gia pháp lý am hiểu về các quy định sở tại và quốc tế để đảm bảo tuân thủ các quy định này.
Những biến động địa chính trị sẽ ảnh hưởng tới tất cả các bên kinh doanh. Trong khi các công ty nhỏ lẻ có thể dễ dàng bị “bay” khỏi thị trường thì các MNC với nguồn lực khổng lồ còn cơ hội để thay đổi và thích nghi. Tất nhiên, đó không phải là sự dịch chuyển dễ dàng. Nhưng việc duy trì được hoạt động của các MNC là vô cùng cần thiết, bởi họ chính là “cứu cánh” của nền kinh tế trong khủng hoảng và là động lực phục hồi của tương lai khi khủng hoảng đi qua.
https://antgct.cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/cac-tap-doan-da-quoc-gia-vat-lon-trong-xung-dot-i742037/
Ngày đăng: 15:51 | 31/08/2024
Tiểu Phong / antgct.cand.com.vn