Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các quốc gia đã chi rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19.
Vừa qua, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) trả 1,2 tỷ USD cho công ty dược phẩm AstraZeneca để mua ít nhất 300 triệu liều vaccine.
Đây được coi là bản hợp đồng phát triển vaccine lớn thứ tư từ trước đến nay. Số tiền dành cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trên khoảng 30.000 tình nguyện viên trong mùa hè này. Đổi lại, công ty sẽ cung cấp 300 triệu liều dùng cho Mỹ. HHS và AstraZeneca cho biết liều đầu tiên dự kiến có mặt vào đầu tháng 10 năm nay - khoảng thời gian ngắn và đầy tham vọng.
Vaccine được phát triển bởi Viện Jenner, Đại học Oxford, Anh, là một trong những "ứng viên" tiềm năng đã thử nghiệm trên người. AstraZeneca cho biết công ty đủ năng lực để sản xuất một tỷ liều vaccine, ưu tiên hai thị trường lớn là Mỹ và Anh.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Mỹ đã mạnh tay chi tiền cho các công ty công nghệ sinh học để điều chế vaccine an toàn và hiệu quả. Trước đó, Mỹ chi cho Johnson & Johnson 456 triệu USD để sản xuất 300 triệu liều tiêm chủng, dự kiến ra mắt đầu năm 2021. Hãng dược Moderna cũng được cung cấp 483 triệu USD nhằm đẩy mạnh phát triển vaccine. Vừa qua, hãng này thông báo thử nghiệm lâm sàng cho kết quả sơ bộ khả quan. 8 tình nguyện viên đã sinh đủ kháng thể chống lại virus.
Hãng dược của Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học của Đức BioNTech thông báo, Chính phủ Mỹ cam kết trả 1,95 tỷ USD để bảo đảm được mua 100 triệu liều vaccine phòng virus SARS-CoV-2.
Khi các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang trong cuộc chạy đua quyết liệt để ra mắt vaccine đầu tiên có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2, Moderna dường như đang ở vị trí dẫn đầu vì hãng này là đơn vị đầu tiên bước vào vòng cuối cùng của cuộc thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn này mang tính quyết định vì nó sẽ cho biết vaccine có an toàn và hiệu quả hay không. Moderna cho biết, công ty này hy vọng có thể sản xuất 500 triệu liều vaccine mỗi năm và thậm chí là một tỷ liều, bắt đầu từ năm 2021.
Tuy nhiên, khoản đầu tư tỷ đô mới nhất không đồng nghĩa Mỹ sẽ sớm có được loại vaccine an toàn và hiệu quả. Nhiều "ứng viên" hứa hẹn cuối cùng trở thành nỗi thất vọng trong các thử nghiệm lâm sàng.
Trước đó, EU sẽ sử dụng quỹ khẩn cấp 2,4 tỷ euro để thúc đẩy việc mua trước các loại vaccine được hy vọng sẽ phòng ngừa bệnh COVID-19.
Quỹ trên mang tên Công cụ hỗ trợ khẩn cấp (ESI), cũng sẽ được sử dụng để tăng khả năng sản xuất vaccine tại châu Âu, đồng thời đưa ra một đảm bảo trách nhiệm pháp lý cho các công ty dược phẩm.
Nỗ lực của EU được đưa ra sau khi Mỹ có các động thái nhằm đảm bảo mua được các loại vaccine đang được bào chế, trong đó có gần 1/3 trong số 1 tỷ liều đầu tiên dự kiến được đưa ra thử nghiệm của hãng dược AstraZeneca.
Trong một hội nghị trực tuyến ngày 23/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo nước này sẽ dành 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latin và Caribbea vay để mua vắc-xin COVID-19, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mexico.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đang phát triển khoảng 165 loại vắc-xin chống virus corona, trong đó 27 loại đang được thử nghiệm trên người. Các loại vắc-xin thường mất nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm trước khi được tiêm đại trà, nhưng giới nghiên cứu đang chạy đua để có thể sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 hiệu quả và an toàn vào năm sau.
PV (th)
Trung Quốc bất ngờ chặn lô vaccine COVID-19 gửi đi Canada thử nghiệm |
Vaccine COVID-19 chỉ cần công hiệu 50% sẽ được Mỹ cấp phép ngay |
Quốc gia nào đang dẫn đầu trong cuộc chiến vaccine Covid-19? |
Ngày đăng: 09:51 | 01/08/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống