Các trạm gốc 5G được cho là có chi phí lắp đặt và bảo trì cao, cũng như mức tiêu thụ điện năng lớn có thể tác động xấu đến môi trường.

Trung Quốc ra mắt mạng 5G vào cuối năm 2019 với nhiều gói hỗ trợ phát triển. Công nghệ này nhằm báo hiệu sự ra đời của internet băng thông rộng không dây siêu nhanh.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết, tính đến tháng 10/2024, tổng số trạm gốc 5G ở Trung Quốc lên tới 4,089 triệu, so với 3,377 triệu trạm trong năm 2023, đứng đầu trên thế giới về quy mô mạng lưới.

Công nhân kiểm tra trạm gốc 5G ở Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Công nhân kiểm tra trạm gốc 5G ở Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Trung Quốc tắt trạm gốc 5G?

Công nghệ 5G đang được triển khai rất nhanh ở Trung Quốc. Về cơ bản, điện thoại di động của nhiều người hiện đã có 5G, liên lạc và gọi điện nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trên mạng xã hội nước này thời gian qua lan truyền thông tin các nhà mạng trong nước lần lượt đóng cửa các trạm gốc.

Thông tin chưa được các bên xác nhận chính thức. Hãng tin Net Ease chỉ ra hai vấn đề có thể liên quan. Thứ nhất là chi phí đầu tư trạm gốc 5G cao gấp nhiều lần so với trạm gốc 4G và cần nhiều trạm hơn để phủ sóng.

Một trạm gốc 5G có băng thông và tốc độ truyền tải dữ liệu vượt trội so với 4G. Tuy nhiên, tín hiệu 5G có khoảng cách truyền dẫn rất ngắn, chỉ từ khoảng 100 - 300 m. Do đó, để phủ sóng toàn bộ thành phố và đường phố, cần xây dựng các trạm cách nhau trung bình 200 m, hoặc ít nhất gấp 3 lần số lượng trạm 4G hiện tại. Điều này làm tăng chi phí lắp đặt cũng như bảo trì.

Thứ hai là 5G có mức tiêu thụ điện năng cao. Kể từ khi mạng 5G đi vào hoạt động ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, mức tiêu thụ điện tổng thể của nước này tăng 14,1% và mức tiêu thụ năng lượng toàn diện tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này tăng đều qua các năm tiếp theo.

Theo báo cáo của tổ chức từ thiện về môi trường Greenpeace, ngành kỹ thuật số của Trung Quốc đang trên đà tăng gấp ba lần mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2035.

Nhu cầu điện từ cơ sở hạ tầng internet của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 289% vào giữa thập kỷ tới, gây áp lực lên cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2060 của quốc gia này.

Báo cáo chỉ ra rằng 5G là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng phát thải CO2 tại quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới. Lượng điện tiêu thụ hàng năm của công nghệ thế hệ mới tại Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng 488% vào năm 2035, đạt khoảng 296,5 tỷ kW/giờ, tương đương với tổng mức tiêu thụ điện của Tây Ban Nha trong một năm.

Các trạm gốc 5G tiêu thụ điện năng cao, có thể tác động xấu đến môi trường. (Ảnh: Baidu)
Các trạm gốc 5G tiêu thụ điện năng cao, có thể tác động xấu đến môi trường. (Ảnh: Baidu)
 
Matt Walker - nhà phân tích của MTN Consulting cho biết, một trạm gốc 5G có thể tiêu thụ mức năng lượng gấp 2 - 3 lần trạm gốc 4G. Và chi phí năng lượng có thể tăng hơn nữa ở tần số cao hơn, do nhu cầu cần nhiều ăng-ten hơn và cần một hệ thống tế bào nhỏ (small cell) dày đặc hơn.

Siêu nhanh nhưng không sạch

Khi kết nối 5G ngày càng phổ biến, một số nhà nghiên cứu cho rằng tác động của công nghệ này đến môi trường, bao gồm các vấn đề về năng lượng và chất thải, đang bị bỏ qua.

Theo Environmental Health Trust, một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng tiêu thụ năng lượng dự kiến sẽ tăng gấp 61 lần từ năm 2020 đến 2030 khi 5G thay thế 4G, do nhu cầu năng lượng của các thành phần mạng mạnh mẽ như MIMO lớn, máy chủ biên, sự gia tăng của các trạm phát sóng 5G, cũng như tính linh hoạt của mạng 5G trong cả các với cá nhân và doanh nghiệp.

Tiêu thụ năng lượng của mạng 5G được dự báo sẽ tăng vọt do các thành phần mạng hoạt động như các đơn vị xử lý tín hiệu cơ sở tiêu thụ nhiều năng lượng, đầu thu phát sóng từ xa, các tế bào nhỏ, và mạng lõi.

Nghiên cứu cũng chỉ ra việc không sử dụng năng lượng tái tạo có thể khiến các trung tâm dữ liệu trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong nửa thập kỷ tới. Với dự đoán có tới hơn 100 tỷ thiết bị được kết nối vào năm 2025, nghiên cứu cho rằng trung tâm dữ liệu sẽ trở thành một trong những nguồn tiêu thụ năng lượng lớn nhất hành tinh, vượt mức tiêu thụ năng lượng của nhiều quốc gia.

“Mục tiêu chính của mạng 5G là giúp người tiêu dùng sử dụng nhiều thiết bị hơn với tốc độ nhanh hơn, và điều này chắc chắn sẽ làm tăng lượng năng lượng tiêu thụ trên toàn cầu, gây tác động xấu đến môi trường”, chuyên gia Claire Curran cho biết trong báo cáo “5G ảnh hưởng thế nào đến môi trường?”.

Cánh đồng điện gió tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Cánh đồng điện gió tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Nhà vận động về khí hậu và năng lượng Đông Á của Greenpeace Ye Ruiqi cho rằng, các công ty công nghệ có thể thúc đẩy việc giảm phát thải bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.

Tại Trung Quốc, năng lượng mặt trời và gió đã đạt đến "mức ngang bằng lưới điện", nghĩa là có thể tạo ra điện với chi phí tương đương hoặc thấp hơn nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Chi phí cho năng lượng tái tạo tại Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục giảm, nghĩa là ngành công nghệ kỹ thuật số nước này cũng có thể giảm bớt gánh nặng khi chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, đồng thời đảm bảo mục tiêu trung hòa carbon.

Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối năm 2027, tỷ lệ người dùng cá nhân 5G đạt hơn 85%, lưu lượng truy cập mạng 5G chiếm hơn 75%, trải nghiệm mới về tiêu dùng 5G không ngừng cải thiện.

Bên cạnh đó, Trung Quốc hướng tới triển khai ứng dụng 5G trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm như nhà máy, bệnh viện, khu thắng cảnh du lịch, thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp kỹ thuật số của ngành.

https://vtcnews.vn/cac-nha-mang-trung-quoc-tat-song-tram-goc-5g-vi-qua-ton-dien-ar911021.html

Ngày đăng: 10:39 | 25/12/2024

Hoa Vũ / VTC News