Trong bối cảnh triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới bị che mờ bởi những diễn biến ngày càng ảm đạm trong năm 2022, các nền kinh tế mới nổi đang phải chịu ảnh hưởng mạnh hơn do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt.
Giá dầu thô thế giới tăng cao đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi
Mối đe dọa từ “cơn gió chướng” tỷ giá USD
Theo báo cáo mới nhất về Triển vọng thị trường hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB), tình hình sắp tới sẽ trở nên tồi tệ hơn, các nền kinh tế mới nổi cần sẵn sàng cho giai đoạn mà các thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu thậm chí còn biến động mạnh hơn. Thông điệp này của WB làm gia tăng mối lo ngại rằng áp lực tài chính đang lan rộng đối với các thị trường mới nổi, chứ không chỉ nằm ở những mắt xích vốn bị coi là yếu như Sri Lanka và Pakistan - những nước đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Mới đây, Serbia đã trở thành quốc gia tiếp theo bước vào đàm phán với IMF.
Nền kinh tế thị trường mới nổi được hiểu cơ bản là nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển đang ngày càng hội nhập với các thị trường toàn cầu. Đây là các nền kinh tế có một số đặc điểm của một thị trường phát triển và hòa nhập hơn với nền kinh tế toàn cầu, thể hiện qua việc tăng tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường nợ trong nước, tăng khối lượng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự phát triển của các tổ chức tài chính và pháp lý hiện đại trong nước. Hiện tại, một số nền kinh tế thị trường mới nổi đáng chú ý bao gồm Ấn Độ, Mexico, Nga, Brazil, Pakistan và Saudi Arabia.
Do sự gắn kết chặt với bên ngoài, nhất là về năng lượng, nên trong bối cảnh giá nhiên liệu vào lương thực trên thế giới tăng cao, các nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí là còn nặng hơn so với các nước phát triển. WB cho biết, tại gần 60% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi nhập khẩu dầu, do đồng nội tệ mất giá nên giá dầu tính bằng đồng nội tệ đã tăng từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Hơn nữa, gần 90% trong số các nền kinh tế này có giá lúa mỳ tính theo đồng nội tệ tăng mạnh hơn so với mức tăng giá của USD.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi đang có xu hướng mất giá so với đồng USD, từ đó đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng mà các nước này đang phải đối mặt. Sự tăng giá của đồng USD trong năm nay là hệ quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu rút tiền khỏi các thị trường khác để đầu tư vào các tài sản Mỹ vì các tài sản này đang mang lại lợi suất cao hơn. Hệ quả là đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi “lao đao”. Đồng Bảng Ai Cập giảm 18%; Forint của Hungary mất 20% giá trị; đồng Rand Nam Phi đã trượt 9,4% so với USD từ đầu năm tới nay. Các nhà kinh tế nhận định rằng ở ngoài nước Mỹ, đồng USD mạnh đang trở thành “cơn gió chướng” có sức đe dọa rất lớn đối với các ngân hàng trung ương.
Vì phụ thuộc vào lương thực - thực phẩm và xăng dầu nhập khẩu nên khi đồng USD đắt lên, nhiều mặt hàng nhập khẩu ở các nước đang phát triển, trong đó có các nền kinh tế mới nổi, cũng đắt lên theo do được định giá bằng USD. Nhiều nước đã phải rút dự trữ ngoại hối để có tiền trang trải nhập khẩu và ổn định tỷ giá. Và dù giá các hàng hóa cơ bản này gần đây đã rời khỏi đỉnh nhưng sự “giảm nhiệt” này chưa đủ sức giải tỏa áp lực của những khó khăn mà các nước này phải đối mặt.
Sự tăng giá của đồng USD còn khiến cho khối nợ vay bằng USD của chính phủ và doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi trở nên lớn hơn. Theo dữ liệu từ Viện Tài chính quốc tế (IIF), từ nay đến cuối năm sau, chính phủ tại các nền kinh tế mới nổi sẽ phải thanh toán số nợ bằng USD là 83 tỷ USD.
Động thái quyết liệt để ngăn chặn bất ổn
Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế mới nổi đang tìm các phương thức để đối phó. Ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi đã có những động thái quyết liệt để ngăn sự rớt giá của đồng nội tệ và trái phiếu của nước mình. Mới đây, Argentina tăng lãi suất lên 75% nhằm khống chế vòng xoáy lạm phát và bảo vệ tỷ giá Peso - đồng tiền đã mất giá gần 30% so với USD từ đầu năm đến nay. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) củng cố tỷ giá đồng Nhân dân tệ bằng cách bơm thêm USD vào thị trường. PBOC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với các ngân hàng thương mại và liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày ở mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Khu vực Mỹ Latinh đã lường trước được sự bùng phát của lạm phát nên đã bắt đầu tăng lãi suất từ gần 1 năm trước, giúp đưa khu vực này vào vị thế khá vững chắc như hiện nay. Các thành viên thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh ở Trung Đông cũng ứng phó tốt, một phần nhờ vào giá năng lượng cao. Trong khi đó, khu vực châu Á cũng cho thấy đã học được nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Các nền kinh tế của châu lục hiện có dự trữ ngoại hối lớn, nợ ngoại tệ ít hơn và khả năng tiếp cận thị trường vốn cởi mở hơn. Họ cũng rất cố gắng để dỡ bỏ các rào cản thương mại nội vùng và đang gặt hái thành quả dưới dạng lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn.
Bên cạnh đó, phải kể tới sự thay đổi lớn về hình dạng kinh tế toàn cầu. 10 năm trước đây, vai trò kinh tế của các thị trường mới nổi phần lớn chỉ giới hạn ở khâu cung cấp lao động và hàng hóa giá rẻ cho các nền kinh tế phát triển, song nhiều năm tăng trưởng liên tục đã biến các thị trường này trở thành một lực lượng tiêu dùng toàn cầu theo đúng nghĩa. Mức tiêu thụ của các thị trường mới nổi đã tăng gần gấp ba lần trong 12 năm qua, hiện lên tới khoảng 34.000 tỷ USD - tương đương 47% mức tiêu thụ toàn cầu. Điều đó có nghĩa là những quốc gia này chịu ít áp lực từ các điều kiện bất ổn kinh tế hơn so với các nền kinh tế phát triển.
Ngày đăng: 08:27 | 02/11/2022
Hoàng Sơn / ANTD