Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn trong khi làn sóng xe giá siêu rẻ từ Trung Quốc gia tăng áp lực cạnh tranh, các tập đoàn ô tô hàng đầu châu Âu đều rất vất vả tìm cách duy trì doanh thu và thị phần.
Những ông lớn của ngành công nghiệp ô tô Lục địa già như Mercedes-Benz, Volkswagen, BMW hay Stellantis vừa công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm, trong đó ghi nhận doanh số và doanh thu đều sụt giảm do chi phí vận hành cao, nhu cầu mua xe mới suy yếu và lãi suất cao. Thực trạng này khiến cổ phiếu của họ suy giảm mạnh, như cổ phiếu Mercedes-Benz đã giảm 4,4%, cổ phiếu Stellantis giảm 4%... trong phiên giao dịch gần nhất.
Stellantis - tập đoàn Pháp - Italia sở hữu các thương hiệu Peugeot, Fiat, Jeep và Alfa-Romeo - ghi nhận doanh thu quý đầu năm 2024 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 44,6 tỷ euro, mức này thấp hơn cả kỳ vọng của các nhà phân tích (42,6 tỷ euro).
Trong khi đó, Volkswagen còn phải đau đầu giải bài toán Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng. Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất bản địa đang đe dọa nghiêm trọng thị phần của tập đoàn ô tô hàng đầu châu Âu này. Theo Giám đốc tài chính Arno Antlitz, Volkswagen đang phải đối mặt với một “môi trường rất cạnh tranh”.
Thu nhập trước lãi và thuế của Mercedes-Benz trong quý đầu tiên năm 2024 giảm 30% xuống còn 3,86 tỷ euro (tương đương 4,13 tỷ USD), so với ước tính 3,87 tỷ trước đó. Trong đó, bộ phận Mercedes-Benz Cars phụ trách xe du lịch ghi nhận tỉ lệ lợi nhuận trên doanh số quý đầu tiên của năm 2024 đã giảm xuống 9,6%, thấp hơn đáng kể mức 14,9% một năm trước đó. Lượng xe bán ra của “sao ba cánh” cũng giảm 8% xuống còn 462.978 chiếc trên toàn cầu. Theo hãng xe Đức, các dòng xe hạng sang đã không thể “thoát khỏi sự suy yếu chung của thị trường”.
Dù đối mặt khó khăn, Mercedes-Benz tuyên bố không tham gia vào cuộc đua giảm giá, thay vào đó duy trì mức giá cao cho những chiếc xe sang trọng của mình. Giám đốc tài chính Mercedes-Benz AG Harald Wilhelm cho biết, tập đoàn đang cảnh giác cao độ trước những diễn biến khó lường của kinh tế vĩ mô và địa chính trị toàn cầu, đồng thời thừa nhận dù việc bán hàng năm 2024 có thể ổn định, doanh thu trước thuế khó lòng bằng được năm ngoái.
Để ứng phó tình trạng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, các hãng xe châu Âu đang cố gắng tung ra sản phẩm mới, coi đây là động lực tăng trưởng chủ đạo trước mắt.
Stellantis đã tung ra bốn mẫu xe mới trong quý I-2024, trong tổng cộng 25 mẫu toàn năm, với 18 mẫu là xe điện chạy pin. Tương tự, Volkswagen có kế hoạch tung ra thêm 30 mẫu xe mới trong năm nay, nhằm thúc đẩy doanh số trong suốt thời gian còn lại của năm.
Việc ồ tạt tung ra xe mới cũng là “mũi tên trúng hai đích” trong bối cảnh các nhà sản xuất châu Âu đang phải đầu tư lớn cho những thế hệ xe điện mới để ứng phó với Tesla và các hãng xe Trung Quốc, vốn cũng đang đưa các dòng xe giá rẻ “phủ sóng” ngay trên sân nhà, dù đây là dòng sản phẩm có lợi nhuận không cao.
Thực tế, xe điện cũng đang là động lực giúp BMW duy trì doanh số, với mốc 1 triệu xe tới tay khách hàng vừa đạt được trong tuần này. Hãng xe xứ Bavaria sở hữu Mini và Rolls-Royce ghi nhận 594.671 xe bán ra trong quý đầu năm, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có 82.700 chiếc là xe thuần điện, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, các nhà sản xuất ô tô châu Âu vẫn tỏ ra lạc quan về thời gian tới. Volkswagen cho biết, đã ghi nhận lượng đơn đặt hàng gia tăng vào cuối quý đầu tiên, kỳ vọng điều này sẽ nâng kết quả kinh doanh quý II-2024.
Ngày đăng: 20:23 | 01/05/2024
Hoàng Linh / HNM