Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 25/7, thực trạng chống dịch không thống nhất ở các địa phương liên tục được các đại biểu Quốc hội nêu ra.
Ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương đề cập về biện pháp chống dịch kiểu "ngăn sông cấm chợ" ở một số nơi khiến vận chuyển hàng hoá tắc nghẽn. Theo ông, các doanh nghiệp đang cố gắng đáp ứng các phương thức, mô hình chống dịch của các địa phương nhưng thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thực trạng mỗi địa phương cát cứ khi đưa ra biện pháp chống dịch cũng được bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhắc tới. Bà Thuỷ chỉ ra, một số tỉnh, thành áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp, như không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn.
Có doanh nghiệp phản ánh xe hàng được đi qua chốt kiểm soát nhiều tỉnh, song đến địa phương cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu ra vì mỗi nơi một quy định khác nhau.
"Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là cách ly mà không tách rời, gây đứt gãy nền kinh tế", bà Thủy nói.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đại biểu Thái Bình nêu thực tế đang có sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch ở các địa phương. Hoàn cảnh nào đó là cần thiết, nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp dịch dẫn tới ách tắc lưu thông vận chuyển hàng hoá, con người.
Ông Phan Đức Hiếu |
"Tôi biết, ngay bây giờ trên nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ vẫn đang xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hoá do các quy định khác nhau trong phòng, chống dịch của các địa phương", ông Hiếu nói.
Ông đề nghị, các địa phương cần phối hợp, giảm tối đa điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết trong phòng, chống Covid-19 để doanh nghiệp bớt gánh chịu chi phí, giảm ách tắc lưu thông hàng hoá. "Các địa phương cần áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau, công khai áp dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh",ông Hiếu nhấn mạnh.
Yêu cầu cách ly 14 ngày người đi qua hoạc về từ Hà Nội của Hải Phòng đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn |
Một trong những ví dụ cho việc thiếu đồng bộ trong công tác phòng chống dịch ở các tỉnh là yêu cầu cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về, đi qua Hà Nội bất kể đối tượng nào của Hải Phòng, khiến các doanh nghiệp lo lắng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Hải Phòng hiện là cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc, cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp với nhà máy sản xuất lớn. Vì thế, tuyến Hà Nội – Hải Phòng được xem là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, lưu chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất, xuất khẩu lẫn tiêu dùng.
Nhưng để tăng cường chống Covid-19, từ 12h ngày 24/7, Hải Phòng áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung trong 14 ngày đối với tất cả những người đi – về qua Hà Nội.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) nhận xét, quy định này khiến toàn bộ hoạt động vận tải, hàng hoá giữa Hà Nội – Hải Phòng bị đặt vào tình trạng hết sức căng thẳng vì các lái xe tải hàng nằm trong nhóm đối tượng bị áp dụng.
Trước đó, hồi đầu năm, để chống dịch, Hải Phòng đã quyết định dừng tiếp nhận không chỉ công dân mà cả hàng hoá từ Hải Dương trong thời gian tỉnh này giãn cách xã hội (từ ngày 16/2 đến ngày 3/3) khiến hàng hoá Hải Dương bị tắc nghẽn suốt một thời gian.
Phóng viên (t/h)
https://nghenghiepcuocsong.vn/cac-dai-bieu-quoc-hoi-nhan-manh-thuc-trang-chong-dich-khong-dong-bo-giua-cac-dia-phuong/?fbclid=IwAR2gSSbSGtKuWKONupp6zp5t1VjfDm5HI8nkO6HeNNDkNWOZi68fpTKAadE
Người từ Hà Nội về Thái Bình phải cách ly tập trung 14 ngày, tự trả phí |
16 trường đại học ở Hà Nội được trưng dụng làm khu cách ly tập trung |
Ngày đăng: 16:20 | 25/07/2021
/ Nghề nghiệp & Cuộc sống