Theo New York Times, Moskva đã đảm bảo rằng các công ty này sẽ thiệt hại lớn khi bán tài sản ở Nga của họ.
Chỉ vài ngày sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine tháng 2/2022, một loạt tập đoàn phương Tây đã bắt đầu rút khỏi thị trường Nga. Các nhà hoạt động và quan chức Ukraine chỉ trích những công ty không chịu rời đi, đồng thời các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU cấm xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa từ Nga.
Theo New York Times, trích dẫn các báo cáo tài chính, các công ty bán bớt tài sản tại Nga đã mất tổng cộng 103 tỷ USD. Tờ báo cho biết thêm, các công ty này cũng đã nộp ít nhất 1,25 tỷ USD tiền thuế xuất cảnh cho nhà nước Nga.
Các công ty phương Tây mất 103 tỷ USD từ việc rút khỏi Nga.
Tính đến tháng 3/2022, nếu các công ty phương Tây muốn bán tài sản của họ ở Nga, việc bán hàng này phải được ủy ban chính phủ Nga phê duyệt, đảm bảo người mua địa phương sẽ mua được những tài sản này với giá hời.
Ví dụ, tờ Times cho rằng ủy ban đã từ chối việc bán các nhà máy thuộc sở hữu của Honeywell, một công ty điện tử của Mỹ, cho đến khi công ty này đồng ý bán với giá chiết khấu 50%. Kể từ đầu năm nay, các công ty bị ràng buộc về mặt pháp lý phải bán tài sản của mình với mức giảm 50% này.
“Nói chung, Tổng thống Nga Putin đã giám sát một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất ở Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Một lượng lớn các ngành công nghiệp - thang máy, lốp xe, sơn công nghiệp và nhiều ngành khác - hiện đang nằm trong tay các công ty Nga và ngày càng chiếm ưu thế”, tờ Times viết.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nói với tờ báo: “Những người ra đi đang mất đi vị trí của mình. Và tất nhiên, tài sản của họ đang được mua với giá chiết khấu cao và được các công ty của chúng tôi tiếp quản, họ đang làm điều đó một cách vui vẻ".
Hôm 14/12, tuyên bố chung của 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sau hội nghị thượng đỉnh ở Brussels cho biết các nước thành viên EU "hoan nghênh" việc phê chuẩn các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU đối với Moskva vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, mục tiêu sẽ nhắm đến cấm xuất khẩu kim cương của Nga, cũng như các biện pháp thắt chặt việc thực thi giới hạn giá dầu nhằm hạn chế doanh thu mà điện Kremlin thu được từ việc bán dầu thô cho các nước ngoài EU.
EU đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine vào tháng 2/2022. Các nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo EU sắp hết các mục tiêu trừng phạt đối với Moskva.
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các đòn trừng phạt "chớp nhoáng" của phương Tây nhằm vào nền kinh tế nước này đã thất bại hoàn toàn. Ông nói bất chấp các lệnh trừng phạt, tăng trưởng nền kinh tế của Nga sẽ hơn 3% trong khi các nền kinh tế khác như Đức sẽ bị suy thoái.
Ngày đăng: 09:35 | 18/12/2023
PHƯƠNG ANH (Nguồn: NYT, RT ) / VTC News