Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các chuyên gia hạt nhân cảnh báo rằng các cơ sở hạt nhân của Ukraine đang gặp nguy hiểm. Vậy liệu một sự cố hạt nhân lớn có thể xảy ra?

Các cơ sở hạt nhân của Ukraine đang gặp nguy hiểm ảnh 1
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya của Ukraine là một trong những cơ sở lớn nhất ở châu Âu

Vào ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, quân đội Nga đã tiếp quản cơ sở hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Hơn một tuần sau, Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, cũng bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột. Các cuộc pháo kích đã khiến một đám cháy bùng phát, nhưng chưa ghi nhận sự gia tăng bức xạ nào. Trong khi đó, tại Chernobyl, gần biên giới với Belarus, đã có dấu hiệu cho thấy sự gia tăng bức xạ mà nguyên nhân là thiết bị quân sự hạng nặng khuấy động khu vực.

Các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân ở Ukraine đã gây ra cảnh báo trên diện rộng. IAEA bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về an ninh tại các địa điểm hạt nhân của Ukraine. Và khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo về một thảm họa hạt nhân đang cận kề, người dân khắp châu Âu với ký ức về thảm họa Chernobyl năm 1986 đã đổ xô đi mua các viên i-ốt để phòng trường hợp bị nhiễm phóng xạ.

“Năng lượng hạt nhân được phát triển cho thời bình. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy giao tranh lớn ở một đất nước có nhiều cơ sở hạt nhân như vậy, một tình huống mà không ai chuẩn bị trước cả”, ông Nikolai Sokov, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Vienna nhận định.

Ngày 10-3, Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã bay tới thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine, Dmytro Kuleba. Ông Grossi đã đưa ra một “khuôn khổ để đảm bảo an toàn và an ninh cho các cơ sở hạt nhân ở Ukraine”, nhưng vẫn chưa rõ liệu hai bên có đồng ý hay không.

Với cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân phát triển tốt, Ukraine là nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ bảy trên thế giới. Họ có 4 nhà máy, đáp ứng khoảng 55% sản lượng điện trong nước. Nhà máy thứ 5 - Chernobyl, đã đóng cửa lò phản ứng hoạt động lần cuối vào năm 2000. Tuy nhiên, nhà máy đã ngừng hoạt động cần được bảo trì hàng ngày vì một số hệ thống an toàn vẫn được sử dụng và nhiên liệu đã qua sử dụng vẫn được lưu trữ tại địa điểm này. Khoảng 211 nhân viên và bảo vệ của nhà máy đã không thể rời khỏi nhà máy kể từ hôm 24-2. Việc nhân công không được nghỉ ngơi, thay thế, có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành của họ. Tương tự, nhân viên vận hành nhà máy Zaporizhzhia ở phía Nam Ukraine cũng không thể luân chuyển theo quy định của các quy trình an toàn.

Trong khi các nhà máy hạt nhân được xây dựng với tiêu chuẩn an toàn cao để ngăn ngừa các thảm họa có thể xảy ra, thì vẫn còn một số lỗ hổng. Theo bà Allison M Macfarlane, giáo sư tại trường Chính sách công và các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học British Columbia, nếu cơ sở lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng bị hư hỏng hoặc vận hành không đúng cách, do nhân viên mệt mỏi, thiếu điện hoặc hệ thống làm mát rối loạn, mọi thứ đều có thể dẫn đến việc giải phóng chất phóng xạ. Bà Macfarlane chỉ ra rằng một sự cố như vậy sẽ có tác động cục bộ hơn và sẽ không làm lan truyền bức xạ tới các khu vực rộng lớn gần Ukraine như thảm họa năm 1986.

Tuy nhiên, giao tranh ác liệt trong chiến tranh có thể gây ra sự cố nghiêm trọng hơn nhiều tại 4 nhà máy hạt nhân đang hoạt động. “Mối đe dọa chính là các cuộc bắn phá bằng tên lửa có thể làm hỏng các hệ thống quan trọng của các địa điểm hạt nhân. Đó có thể là nguồn cung cấp điện cho nhà máy hoặc các thiết bị giúp vận hành các lò phản ứng”, ông Georgi Kaschiev, một nhà vật lý hạt nhân và từng là người đứng đầu Ủy ban sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Bulgaria phân tích. Ông Kaschiev cảnh báo, nếu hệ thống làm mát của một nhà máy bị hỏng, hậu quả sẽ nghiêm trọng. Mặc dù vậy, cả hai chuyên gia Kaschiev và Sokov đều cho rằng, với các nhà máy hạt nhân đang hoạt động ở Ukraine, khó xảy ra thảm họa có quy mô tương tự như Chernobyl.

(Theo Al Jazeera)

Hiểm họa rình rập các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine trong cuộc chiến Hiểm họa rình rập các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine trong cuộc chiến

Các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine đều sở hữu công nghệ an toàn hiện đại, song chúng không được thiết kế để chống ...

Ngày đăng: 11:00 | 18/03/2022

/ www.anninhthudo.vn