Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và nhiều tổ chức, chuyên gia thế giới đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19.
Các ca bệnh đã được kiểm soát
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra đánh giá, tỉ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 khoảng 2%, tỉ lệ nguy kịch hiện chiếm khoảng 3%. Thống kê các trường hợp tử vong cho thấy, những người lớn tuổi mắc các bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc bệnh mạn tính khác như ung thư dễ bị suy yếu hệ thống miễn dịch, có tỉ lệ tử vong cao hơn đáng kể.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này chưa có ca bệnh nào tử vong do mắc COVID-19. Theo Bộ Y tế, đến 20 giờ ngày 16.3, Việt Nam đã ghi nhận 60 ca mắc COVID-19, trong đó 16 ca đã chữa khỏi, ra viện.
Giai đoạn từ ngày 17.1 đến ngày 5.3 đã điều trị khỏi 100% trường hợp mắc COVID-19. Giai đoạn từ ngày 5.3 đến nay ghi nhận 41 trường hợp mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, hầu hết các bệnh nhân đang được kiểm soát tốt diễn tiến lâm sàng. Nhiều bệnh nhân COVID-19 đã nhận kết quả âm tính lần 1.
Chỉ có 2 trường hợp bệnh nhân đang có diễn tiến nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Một bệnh nhân người Anh, 69 tuổi, mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, từ ngày 15.3 đã được đặt thở máy, lọc máu.
Người thứ 2 có diễn biến nặng là nữ bệnh nhân người Việt, 64 tuổi, có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình. Từ cuối giờ chiều 15.3, bệnh nhân có triệu chứng khó thở tăng lên và có biểu hiện suy hô hấp tăng. Các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch.
Các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, hô hấp, tim mạch... đã cùng hội chẩn trực tuyến điều trị cho bệnh nhân này với các bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Hiện 2 bệnh nhân vẫn giữ được mạch, huyết áp, ôxy máu ổn định và đang điều trị tích cực.
Ca bệnh nặng mắc COVID-19 thường kèm các bệnh lý nền
Cũng theo đánh giá của WHO, đến nay 95% số người mắc COVID-19 trên thế giới đã và đang hồi phục. Những người có nguy cơ cao trong diễn biến bệnh nặng và tử vong chủ yếu là những người trên 60 tuổi và những người có bệnh sẵn như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính và ung thư.
TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - phân tích, đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.
Phân tích cụ thể hơn, TS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương - thống kê mới về dịch bệnh COVID-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỉ lệ cao nhất và tỉ lệ tử vong cũng cao nhất. Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính. Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, khi nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong.
Tại Việt Nam, mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang kiểm soát tốt, nhưng trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp để phát hiện các đối tượng nhiễm, nghi nhiễm càng sớm càng tốt.
Lệ Hà
TPHCM chuẩn bị 50.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng
TPHCM sẽ chuẩn bị 50.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19, đảm bảo xét nghiệm trên diện rộng trong điều kiện dịch bùng phát. |
Vị giám đốc nhường khách sạn làm nơi cách ly người từ nước ngoài về
Khi chính quyền địa phương đang đau đầu tìm địa điểm để cách ly những người trở về từ nước ngoài, anh Phúc đã tình ... |
"Bệnh nhân 61" từng dự lễ Hồi giáo ở Malaysia
Người đàn ông 42 tuổi nhiễm nCoV sau chuyến đi Malaysia dự buổi lễ tại thánh đường Hồi giáo, tiếp xúc với nhiều người. |
Ngày đăng: 08:05 | 17/03/2020
/ laodong.vn