Vài ba năm trở lại đây, dòng nhạc bolero thống soái ở cả trên truyền hình và sân khấu ca nhạc. Và cho đến tận bây giờ, khi “cơn sốt” từ từ hạ nhiệt, có một dòng nhạc len lỏi sống bên cạnh lâu nay, chấp nhận “đi chậm mà chắc” để có ngày thay thế bolero - đó là dòng nhạc ngôn tình, ăn theo dòng phim ngôn tình tuổi thanh xuân.
Noo Phước Thịnh với bản hit "Chạm khẽ tim anh một chút thôi".
Ăn theo trào lưu
Ca sĩ Thủy Tiên, tác giả của các bản ballad ngọt ngào, gần đây cũng chuyển hướng sang nhạc ngôn tình cho dù lứa tuổi của cô không còn phù hợp với dòng nhạc này. "Nói cho em mãi mãi là bao xa" là ca khúc mới của cô do Hamlet Trương sáng tác, ra kèm MV. Đây cũng là cách những ca sĩ như Thủy Tiên tiếp cận khán giả trẻ.
Trước đó, Thủy Tiên cũng chọn một sáng tác của Hamlet Trương, “Dành cả thanh xuân để yêu ai đó” để thể hiện nỗi xót xa trước những mối tình đơn phương trong thanh xuân của mỗi người. Như mọi câu chuyện thời thượng ngôn tình khác, ca khúc kể về một mối tình học trò đẹp nhưng không trọn vẹn của một cô gái đem lòng yêu một chàng trai nhưng sau cùng, đau đớn nhận ra người anh ta thích là cô bạn thân của mình.
Cứ như thế, không chỉ Thủy Tiên, mà có cả những ca sĩ khá chất từ xưa tới nay là Hà Anh Tuấn, Trung Quân Idol, Hương Tràm, Erik, Soobin Hoàng Sơn… lần lượt kể những chuyện tình bi thiết. Mới đây Erik, ca sĩ trẻ đang nổi, ra mắt “Chạm đáy nỗi đau”. Đàm Vĩnh Hưng sau “Vì anh là soái ca” cũng tung "Yêu tận cùng, đau tận cùng" của nhạc sỹ Văn Thiên Hạnh, với chuyện tình tay ba và hình ảnh đẹp như trong phim Hàn.
Ăn theo trào lưu, "Thanh xuân" của Đào Bá Lộc nhắc nhớ về kí ức của một thời tuổi trẻ, thời ngây thơ vụng dại với mối tình học trò ngây thơ, trong sáng, tình đầu không thể nào quên. Tương tự, "Em gái mưa" của Siro do Hương Tràm thể hiện gây sốt vì ca từ đơn giản, tình yêu lãng mạn tuổi học trò, đi kèm MV phim ngắn nói lên mối tình của cô học trò nhỏ với thầy giáo của mình.
Nhóm Monstar cũng cho ra “Tình yêu chậm trễ”, với thông điệp khi yêu thương ai thì đừng chần chừ mà hãy thổ lộ, bày tỏ bởi không ai biết trước ngày mai, người mà mình dành cả thanh xuân ở bên cạnh, yêu thương lại nắm tay người khác.
Lâu nay, dòng ngôn tình vẫn đi song song với dòng bolero, song một khi dòng nhạc xưa chiếm ưu thế thì các thể loại ballad lãng mạn tạm lánh sang một bên. Đến khi trào lưu phim ảnh làm sống lại thanh xuân và tình yêu, thì đây là thời điểm vàng cho nhạc ngôn tình tung hứng. Một khi khán giả bắt đầu bội thực vì bolero cách tân đủ kiểu, các ca sĩ nhanh chóng bắt nhịp thị trường, đặt hàng những ca khúc đậm chất ngôn tình, đi liền với phim ngắn theo series để tạo một vệt dài câu chuyện tình yêu lãng mạn và đau buồn.
Tuy nhiên, có một điều không ai ngờ đến, là càng bắt chước, rập khuôn nhau, ca sĩ càng mau đưa nhạc ngôn tình vào chỗ…chết. Ngày càng nhiều ca khúc rên rỉ, câu cú dài thượt kiểu văn nói, mối tình sầu thảm, sự tiếc nuối, nước mắt và cả chết chóc, chia ly đầy rẫy ở các MV. Những tưởng loại âm nhạc não tình đã bị đẩy vào quá khứ, không ngờ có dịp tái xuất theo một dạng thức mới hơn chút, theo phong cách phim Hàn.
Tự chôn mình vì rên rỉ
Không có giá trị nghệ thuật, ca khúc ngôn tình chỉ cần sến sẩm, phiền não, rên rỉ là có ngay một lượng khá đông công chúng trẻ yêu thích. "Em gái mưa" của Hương Tràm lập nên kỉ lục về lượt nghe trên các bảng xếp hạng, các trang nghe nhạc trực tuyến, trở thành "hit quốc dân" của năm 2017. Tác giả Mr. Siro vốn là người mát tay, hầu như năm nào anh cũng có hit ballad kiểu ngôn tình cỡ đó. Năm 2017, ngoài "Em gái mưa", anh còn sở hữu một hit rất thành công khác là "Sống xa anh chẳng dễ dàng" qua giọng hát của Bảo Anh. Con số 20 triệu view cho một clip cover là bằng chứng hút khách của các ca khúc ngôn tình.
Trong năm 2017, nhiều chủ sở hữu các bản hit đều là tác giả ca khúc ngôn tình. Có thể kể: “Chiều hôm ấy” (JayKii), “Lạc nhau có phải muôn đời” (Erik), “Yêu em rất nhiều” (Hoàng Tôn), “Yêu đi đừng sợ” (Only C), “Ta còn yêu nhau “(Đức Phúc), ”Xin đừng lặng im” (Soobin Hoàng Sơn), "Em không là duy nhất" (Tóc Tiên), "Ngày mai sẽ khác" (Lê Hiếu)… Mỗi bài đều có đơn vị lượt nghe xem tính bằng hàng chục triệu. Trường hợp của JayKii ứng với hiện tượng bỗng dưng một ngày “một hit thành sao” nhờ nhạc ngôn tình.
Không chỉ các ca sĩ trẻ, các ca sĩ hạng sao như Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh, Hồ Ngọc Hà… cũng đặt mua những ca khúc não tình, như “Đừng hỏi em”, “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” hay “Cả một trời thương nhớ”. Để tăng kịch tính, các đạo diễn cho các ca sĩ như Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh… chết thảm trong MV và những màn khóc lóc nhạt nhòe. Chỉ thế thôi cũng đủ làm cho các ca khúc này trụ lại lâu hơn trên các bảng xếp hạng.
Kinh ngạc hơn, khi các ca sĩ trẻ đứng đầu bảng xếp hạng nhờ nhạc ngôn tình, các ca sĩ có tên tuổi khác cũng... bắt chước hát theo. Chỉ ca khúc "Anh muốn em sống sao" của Bảo Anh mà đã có Minh Tuyết, Thanh Hà, Thanh Thảo, Chi Dân... hát lại, thậm chí đưa vào album như Minh Tuyết.
Điều gì cũng thế, quá lạm dụng thì sẽ trở nên nhàm chán. Nhạc ngôn tình thanh xuân cũng vậy. Nhiều người tiên đoán, năm nay là năm bùng nổ rồi lụi tàn của dòng nhạc này, cũng giống như bolero một thời. Điều đáng nói là chính sự dễ dãi chạy theo thị hiếu công chúng của ca sĩ, sự rập khuôn của các nhạc sĩ và đạo diễn, mà dòng nhạc ngôn tình sớm đi vào ngõ cụt.
Thử tưởng tượng đến một nơi nào đó, nếu không nghe bolero kiểu "Đắp mộ cuộc tình" thì người ta sẽ phải nghe nhạc ngôn tình kiểu "Anh muốn em sống sao", "Em gái mưa"... Nhiều người lo ngại, ca từ trong các ca khúc ảnh hưởng không nhỏ đến lớp trẻ, vì không chỉ sến súa, ủy mị mà còn dễ dãi, hời hợt.
Điều đáng lo, là các tác giả sử dụng ngôn ngữ thường ngày, nhiều khi lặp lại và vô nghĩa mà không cần biết vì sao, kiểu “từ trên trời rơi xuống, anh yêu em dài lâu” hay “anh biết yêu em một lần, anh biết yêu em hai lần, rồi thể nào cũng yêu em nhiều lần”, không ý thức rằng họ đang giết chết ca từ, giết chết thẩm mỹ âm nhạc. Nếu cứ tiếp tục cho ra những bản ngôn tình kiểu đó, không hiểu nhạc Việt sẽ đi về đâu sau cơn sóng bolero.
Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, cho đến ngày hôm nay, trào lưu tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, với những ngôn ngữ đơn giản, chủ yếu là tạo ra một thông điệp mang tính gần gũi của lứa thiếu niên, pha trộn sự hài hước, bất chấp những quy tắc về ngữ pháp, do đó dẫn đến chuyện âm nhạc cũng xuất hiện ngôn ngữ gọi là “ngôn tình trong âm nhạc.”
Những ca khúc về tuổi thanh xuân, yêu và hồi ức dường như hơi cũ, ngôn từ sáo mòn, cố tạo cảm xúc mà không thật, mở MV nào cũng thấy nước mắt sướt mướt, giọng hát rền rĩ não sầu.
Đàm Vĩnh Hưng: \'Không hiểu sao nhạc trẻ nhạt mà lại hot\'
Giọng ca "Say tình" cho biết quyết định thay đổi hình ảnh và gu âm nhạc của mình để phù hợp hơn với giới trẻ ... |
Lệ Quyên: ‘Tôi hát Bolero còn được chấp nhận huống hồ là nhạc Trịnh’
Lệ Quyên cho biết cô từng làm điều không tưởng đó là chuyển từ nhạc trẻ sang Bolero. Bây giờ, nữ ca sĩ hát thêm ... |
Nhạc trẻ Việt 2017: Mỏi mắt tìm những thanh âm tử tế
Trong cái chợ nhạc Việt đầy rẫy những sản phẩm khiến người nghe hoảng hốt, mỏi mắt tìm mãi cũng có những nghệ sĩ đáng ... |
Ngày đăng: 11:33 | 28/04/2018
/ https://laodong.vn