Một số chuyên gia du lịch và giao thông cho rằng Hà Nội nên giữ nét độc đáo "cà phê đường tàu' và có thêm các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì ngăn cấm.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Hà Nội giải toả các tụ điểm cà phê trong hành lang đường sắt vì mất an toàn giao thông, một số chuyên gia du lịch, đại diện công ty lữ hành bày tỏ tiếc nuối nếu xóa mất tụ điểm này.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour, cho biết, điểm cà phê đường tàu không nằm trong chương trình của các hãng lữ hành song nhiều du khách nước ngoài vẫn tự tìm đến đây, cho thấy sức hấp dẫn của tụ điểm này. Du khách đến không phải chỉ uống cà phê mà họ tìm hiểu về cuộc sống của người Hà Nội, nét độc đáo của tuyến đường sắt đi xuyên qua thành phố. Để chờ tàu thì họ muốn ngồi trong các quán cà phê, thưởng thức món đồ uống đặc trưng của Hà Nội.
"Du khách quốc tế muốn trải nghiệm những cảm giác lạ ở đoạn đường tàu độc đáo của thế giới, họ thích chụp ảnh chụp ảnh cuộc sống Hà Nội đời thường, những đoàn tàu cũ kỹ chạy trên đoạn đường ray từ thời Pháp", bà Huyền nhận xét.
Theo bà, thành phố đang thiếu các điểm du lịch mới lạ, độc đáo để hấp dẫn du khách nên việc xóa tụ điểm cà phê đường tàu sẽ gây tiếc nuối. Hà Nội cần có đề án nghiên cứu điểm du lịch đường sắt để có cách quản lý thay vì xóa đi, ví dụ giới hạn số lượng quán, có phương án bảo vệ du khách, tăng thêm các dịch vụ kinh doanh tại đây...
Bà Huyền lấy ví dụ, Đài Loan có một làng cổ cũng có tuyến đường sắt đi qua, chính quyền đã phát triển dịch vụ du lịch quanh tuyến phố này và trở thành điểm ưa thích của du khách.
Các quán cà phê ven đường tàu khá đông khách. Ảnh: Giang Huy. |
Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt cho hay, khoảng 3 năm nay, nhiều du khách nước ngoài thích khám phá cuộc sống đời thường của người dân sống bên cạnh đường tàu đã đến khu vực đường tàu ở cạnh các tuyến đường Điện Biên Phủ, Phùng Hưng chụp ảnh, đăng lên các diễn đàn du lịch. Từ đó các đoạn đường tàu này ngày càng thu hút đông khách, cả giới trẻ Việt Nam.
"Đường tàu đi xuyên qua phố và những con tàu chầm chậm lăn bánh là điểm độc đáo của Hà Nội, hiếm nơi nào trên thế giới có được. Điểm du lịch này cần được phát triển hơn là ngăn cấm", ông Nguyễn Tiến Đạt bày tỏ.
Theo ông Đạt, các quán cà phê đường tàu ở Hà Nội cần bố trí khách ngồi trong nhà hoặc trên sân thượng để du khách thư giãn chờ đợi tàu đi qua. Để đảm bảo an toàn, ngành đường sắt nên lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán để tạo hiệu ứng hấp dẫn khi chờ tàu.
"Chính quyền nên quản lý các dịch vụ du lịch tại đây vì nơi này có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội. Cảnh người trên tàu và dưới đường vẫy chào nhau rất thú vị", ông Đạt nói.
Dưới góc nhìn giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng nhận xét, Hà Nội nên có giải pháp quản lý các quán cà phê đường tàu chứ không đơn giản là xóa hết. Chính quyền cần khảo sát thực tế vị trí nào có hành lang đủ an toàn thì có thể cho tồn tại các quán cà phê và lấy ý kiến người dân, chuyên gia để có hướng xử lý phù hợp.
"Nhiều năm qua, người dân Hà Nội sống ven đường tàu vẫn đi lại, sinh hoạt trong hành lang đường sắt, họ vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân. Nếu phải xóa theo đúng quy định thì các hộ dân này cũng phải giải tỏa", ông Quyền nêu ý kiến.
Du khách chen nhau chụp ảnh đoàn tàu lăn bánh. Ảnh: Giang Huy. |
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, do chính quyền quản lý kém nên đã để người dân tự phát sống trên hành lang giao thông đường sắt nhiều năm, cũng như để các quán cà phê hoạt động trong lòng đường sắt. Do đó, chính quyền cần có giải pháp hợp lý, vừa không để mất an toàn giao thông vừa khai thác du lịch. Ông Thanh lấy ví dụ, chính quyền tổ chức lực lượng cảnh giới bảo vệ du khách và thu phí của các hộ kinh doanh tại khu vực này. Các hộ kinh doanh cũng phải ký cam kết bảo vệ an toàn cho du khách, không lấn chiếm hành lang đường sắt. "
"Khó có thể xóa các quán cà phê ven đường tàu vì họ sẽ tiếp tục kinh doanh trong nhà bởi nhu cầu của du khách là có. Đây là xu thế phát triển, mình không thể ngăn nó được. Nếu cố tình cấm cũng sẽ chỉ như bắt cóc bỏ đĩa", ông Thanh nói.
Lý giải nguyên nhân cần xóa tụ điểm cà phê đường tàu, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND Hà Nội xóa tụ điểm cà phê đường tàu dựa trên đề xuất của Tổng công ty Đường sắt.
Ông Hoạch cho biết, các quán cà phê ven đường sắt từ đầu năm nay có chiều hướng gia tăng mạnh hơn các năm trước, trải dài khu vực đường tàu gần phố Điện Biên Phủ và Khâm Thiên. Việc du khách đi lại xung quanh đường tàu gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và gây cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt. Công nhân đường sắt khi bảo trì đường thường phải giải tỏa bàn ghế được đặt trên đường sắt và mất thời gian đưa máy móc vào khu vực này. Cùng với đó, môi trường dọc đường sắt bị ảnh hưởng bởi rác thải, một số hộ dân cải tạo lối đi làm ảnh hưởng thoát nước đường sắt.
Cũng theo ông Đoàn Duy Hoạch, các đoàn tàu chạy hàng ngày qua lại đi phía nam và phía bắc Hà Nội khá nhiều. Khi đi qua tụ điểm cà phê, tàu thường phải chạy chậm hơn 30km/h và lái tàu phải cảnh báo từ xa và đi chậm để chờ du khách nhường đường, gây chậm tàu. Ngoài ra, nhiều đoàn tàu thay đổi giờ chạy nên có thể đi qua bất ngờ và không đảm bảo an toàn cho du khách đi lại khu vực này.
"Đây là hành lang chạy tàu, chúng ta không nên suy nghĩ là nơi kinh doanh du lịch. Không có lý do gì để kinh doanh ở đó", ông Hoạch nhấn mạnh.
Lãnh đạo ngành đường sắt lấy dẫn chứng, nhiều năm trước đã có một số vụ trật bánh tàu trong trung tâm Hà Nội khiến một số người chết và bị thương, do đó để đảm bảo an toàn thì chính quyền cần nghiêm cấm không kinh doanh du lịch trong hành lang đường sắt đang hoạt động. Hà Nội đã quy hoạch khu vực tham quan tại vòng cầu đường sắt phố Phùng Hưng hay ga Long Biên để phục vụ du khách, không nên hoạt động tự phát.
Ngày 4/10, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị TP Hà Nội giải tán tụ điểm cà phê gần sát đường sắt, đe dọa mất an toàn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn. Nếu để tình trạng tái lấn chiếm sẽ xử lý cán bộ địa phương quản lý.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự giao thông đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến phức tạp. Trong đó, có nguyên nhân do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Các hộ dân kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt. Các vi phạm này gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Dừng chụp ảnh, cà phê đường tàu: Nhiều người tiếc nuối |
Tụ điểm "cà phê đường tàu" vẫn hoạt động sau yêu cầu giải tán |
Phạt bán cà phê đường tàu ở Hà Nội như bắt cóc bỏ đĩa |
Ngày đăng: 21:12 | 06/10/2019
/ vnexpress.net