Thế giới ghi nhận gần 92 triệu ca nCoV, gần 2 triệu người chết, trong khi số ca tử vong trung bình mỗi ngày vì Covid-19 tại Mỹ vượt 3.000.
Thế giới đã ghi nhận 91.953.966 ca nhiễm và 1.967.928 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 701.693 và 16.420 ca so với 24 giờ trước. 65.779.158 người đã bình phục sau khi nhiễm virus, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 195.446 ca nhiễm và 3.509 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 23.305.183 trong đó 388.456 người chết. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins trong tuần qua, mỗi ngày Mỹ ghi nhận thêm trung bình 248.650 ca nhiễm và hơn 3.223 người chết vì Covid-19, nhiều hơn cả tổng số người thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Sau vụ bạo loạn trên Đồi Capitol do đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump gây ra hôm 6/1, nhiều nghị sĩ đã nhiễm nCoV, viễn cảnh mà giới chuyên gia đã cảnh báo. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden bày tỏ mong muốn huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia và quân đội để phân phối vaccine, thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng.
Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, tính đến ngày 11/1, Mỹ mới tiêm chủng cho gần 9 triệu người, chưa được nửa mục tiêu 20 triệu người vào năm 2020.
Y tá chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong phòng điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế Dự phòng St. Mary, Apple Valley, bang California, Mỹ, hôm 11/1. Ảnh: AFP. |
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 14.898 ca nhiễm và 178 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.494.811 và 151.542.
Các hãng hàng không Ấn Độ hôm qua bắt đầu phân phối vaccine Covid-19 trên toàn quốc, chuẩn bị khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới cho 1,3 tỷ dân. Việc tiêm chủng dự kiến bắt đầu được tiến hành vào ngày 16/1, vaccine được cung cấp miễn phí.
Giới chức kỳ vọng khoảng 300 triệu người nguy cơ cao được tiêm phòng Covid-19 trong 6-8 tháng tới. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông chất lượng thấp và hệ thống y tế xuống cấp có thể khiến nỗ lực tiêm chủng toàn quốc gặp nhiều trở ngại.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.073 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 204.690. Số người nhiễm nCoV tăng 61.804 ca trong 24 giờ qua, lên 8.195.637.
Chính phủ Brazil cho biết nước này sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trong ít nhất ba tuần nữa, sau khi hứng nhiều chỉ trích vì hành động chậm, với làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện từ tháng 11/2020.
Viện Butantan, nhà sản xuất dược phẩm nổi tiếng của Brazil đang hợp tác với công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, cho biết vaccine Coronavac của công ty này đã đạt mức hiệu quả 50% trong các thử nghiệm ở Brazil. Butantan tuần trước nộp yêu cầu cấp phép vaccine lên cơ quan quản lý y tế ANVISA. Ngay sau đó, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca/Oxford cũng nộp yêu cầu.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 22.934 ca nhiễm nCoV và 531 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.448.203 và 62.804. Nga triển khai tiêm vaccine Sputnik V trong chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12/2020, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Nước này thông báo đã tiêm chủng cho một triệu người và không ghi nhận phản ứng phụ có hại nào.
Truyền thông Nga hôm qua đưa tin hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết họ đang xem xét khả năng nộp đơn xin cấp phép vaccine Covid-19 tại nước này. Tuy nhiên, Pfizer, công ty phát triển vaccine với hãng công nghệ sinh học BioNTech của Đức, chưa bình luận về vấn đề.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.164.051 ca nhiễm và 83.203 ca tử vong, tăng lần lượt 45.533 và 1.243 ca.
Hơn 1,5 triệu người tại Anh đã được tiêm vaccine Covid-19 trong chương trình tiêm chủng lớn nhất lịch sử đất nước, với ưu tiên dành cho người cao tuổi, những người chăm sóc họ và nhân viên y tế. Chính quyền đang chạy đua nhằm bảo vệ càng nhiều dân càng tốt, do biến thể nCoV mới tại Anh được cho là dễ lây lan hơn nhiều.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 19.752 ca nhiễm và 452 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.806.590 và 68.802. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 190.000 người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vaccine của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác.
Chính phủ Pháp đang cân nhắc khả năng áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, hoặc mở rộng lệnh giới nghiêm đang được áp dụng tại một số khu vực ra quy mô toàn quốc. Các cố vấn khoa học của chính phủ cho biết thêm rằng Pháp có thể còn phải xem xét việc siết hạn chế người dân di chuyển, nhằm kiềm chế những biến thể nCoV mới của Anh và Nam Phi.
Đức đang là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới với 1.957.095 ca nhiễm và 43.177 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 16.018 và 1.080 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Angela Merkel hôm qua cảnh báo Đức có nguy cơ cần kéo dài lệnh phong tỏa đến đầu tháng 4. "Nếu không ngăn chặn được chủng virus mới ở Anh, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng gấp 10 lần cho tới lễ Phục sinh", bà phát biểu trong một cuộc họp.
Đức tuần trước tăng cường lệnh phong tỏa toàn quốc và gia hạn tới cuối tháng 1, do lo ngại biến chủng nCoV được phát hiện ở Anh có thể lây lan mạnh và gây quá tải cho các bệnh viện ở nước này.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 846.765 ca nhiễm, tăng 10.047, trong đó 24.645 người chết, tăng 302, mức cao kỷ lục được ghi nhận trong một ngày.
Nước này hôm nay bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Văn phòng của Tổng thống Joko Widodo cho biết ông sẽ được tiêm vaccine CoronaVac của Trung Quốc vào sáng nay.
CoronaVac, vaccine Covid-19 do hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển, đã được Indonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 11/1, với mức độ hiệu quả đạt 65,3%. Mục tiêu được đặt ra là 181,5 triệu người được tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm qua cho biết gần 1,5 triệu nhân viên y tế sẽ được tiêm chủng tính đến tháng 2.
Philippines báo cáo 491.258 ca nhiễm và 9.554 ca tử vong, tăng lần lượt 1.524 và 139 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.
Malaysia, một vùng dịch đang diễn biến phức tạp khác ở Đông Nam Á, ghi nhận thêm 3.309 ca nhiễm và 4 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 141.533 và 559.
Theo thông báo từ cung điện hoàng gia Malaysia hôm qua, Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad Shah "đánh giá đợt bùng phát Covid-19 đang ở giai đoạn rất nghiêm trọng và cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp". Lệnh này sẽ có hiệu lực trên toàn quốc đến ngày 1/8, nhưng có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu tỷ lệ gia tăng ca nhiễm mới chậm lại.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin trước đó công bố những quy định mới nghiêm ngặt trên hơn nửa đất nước, gồm lệnh cho người dân ở nhà và đóng cửa hầu hết doanh nghiệp. Ông cũng cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế của đất nước đang trên bờ vực nguy hiểm.
Malaysia năm ngoái kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi biện pháp hạn chế được nới lỏng, ca nhiễm tăng nhanh và liên tục ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây.
Ánh Ngọc (Theo Worldometers, AFP, Reuters)
Ca nCoV toàn cầu gần 85 triệu, Mỹ trải qua tháng chết chóc nhất |
Ca nhiễm nCoV toàn cầu gần 84 triệu, nhiều quốc gia phát hiện chủng siêu lây nhiễm |
Ngày đăng: 08:05 | 13/01/2021
/ vnexpress.net