Hơn 70 triệu người nhiễm nCoV trên thế giới, trong đó gần 1,6 triệu người chết, CDC châu Phi kêu gọi các nước chia sẻ vaccine thừa cho châu lục.

Thế giới ghi nhận 70.654.368 ca nhiễm và 1.587.044 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 1.493.703 và 13.452 ca trong một ngày, trong khi 49.109.921 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

"Nhiều nước đã đặt hàng vaccine nhiều gấp 4-5 lần số lượng họ cần. Các quốc gia này nên xem xét phân phối số vaccine thừa đến châu Phi", giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh dịch (CDC) châu Phi John Nkengasong nói trong cuộc họp báo hôm 10/12, nhưng không nêu tên các quốc gia kể trên.

Ông cho biết châu Phi khó lòng bảo đảm số lượng vaccine Covid-19 cần thiết trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu hứng chịu ảnh hưởng của đợt dịch thứ hai, thêm rằng phần lớn quốc gia tại châu lục này đang trông đợi vào kế hoạch phân phối vaccine toàn cầu mang tên COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thúc đẩy.

2640 23
Vaccine của Pfizer được triển khai tại Anh hôm 8/12. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 223.238 ca nhiễm và 3.469 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 16.004.408, trong đó 299.316 người đã chết. Những ngày qua, số ca nhiễm và ca tử vong trong 24 giờ liên tục cao kỷ lục. Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.

Chính quyền địa phương và các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, với hy vọng giảm bớt sự bùng phát trở lại của Covid-19 sau thời gian tạm lắng vào mùa hè. California ra lệnh cấm tụ tập và hoạt động thiết yếu trên toàn bang, vì các bệnh viện ở bang đông dân nhất nước Mỹ đang đối mặt với tình trạng quá tải.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 733 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 179.765. Số người nhiễm nCoV tăng 51.681 trong 24 giờ qua, lên 6.781.799.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết chính phủ sẽ cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho tất cả người dân sau khi cơ quan quản lý y tế Anvisa phê duyệt. Bolsonaro cũng cho biết Bộ Kinh tế cam kết sẽ không thiếu nguồn lực cho những ai muốn tiêm vaccine.

Giám đốc chuyên trách châu Mỹ của WHO Carissa Etienne bày tỏ lo ngại về ca nhiễm tăng mạnh ở các nước khu vực, khi mùa đông được cho là thời điểm virus dễ lây lan. Etienne nói ca nhiễm và ca tử vong tăng cao ở Brazil đang gây áp lực lên hệ thống y tế nước này và bệnh viện một số nơi đã phải hoạt động hết công suất.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 34.666 ca nhiễm và 487 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.796.992 và 142.222 .

Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD). Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 10 ông cho biết chính phủ sẵn sàng tiêm chủng cho từng người dân ngay khi vaccine sẵn sàng. Tuy nhiên, Rajesh Bhushan, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, giải thích thêm rằng họ chỉ cần tiêm cho một số lượng người nhất định để phá vỡ chuỗi lây truyền, thay vì tiêm chủng toàn quốc.

Anh báo cáo thêm 20.964 ca nhiễm và 516 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.787.783 và 63082. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.

Quốc hội Anh đã thông qua kế hoạch kiểm soát Covid-19 cấp khu vực, buộc hơn 40% dân số phải chịu lệnh hạn chế khắt khe, bất chấp sự phản đối của hàng chục nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson.

Anh bắt đầu tiêm những liều vaccine đầu tiên của Pfizer - BioNTech từ ngày 8/12. Giới chức y tế ưu tiên hàng đầu cho những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên chăm sóc tại viện dưỡng lão và người ở viện dưỡng lão. Khoảng 800.000 liều dự kiến được cung cấp trong tuần đầu tiên.

Đức ghi nhận 28.179 ca nhiễm và 529 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.270.432 và 21.233. Các cuộc tụ tập riêng tư bị giới hạn xuống còn 5 người từ ngày 1/12, số lượng khách được vào các cửa hàng cũng giảm xuống. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng nước này có thể bắt đầu tiêm chủng muộn nhất vào tháng 1/2021.

Trong bài phát biểu trước quốc hội ngày 9/12, Thủ tướng Angela Merkel yêu cầu Đức áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn khi ca tử vong trong một ngày ở mức cao kỷ lục. Bà cho rằng các chỉ dẫn đã được lãnh đạo 16 bang ở Đức đồng ý cách đây hai tuần về cho phép cửa hàng mở cửa nhưng cấm ăn uống trong nhà hàng là không đủ.

Merkel nhắc đến việc các nhà khoa học của Học viện Leopoldina hôm 8/12 khuyến cáo người Đức giảm tiếp xúc xã hội từ tuần tới và áp đặt hạn chế nghiêm ngặt từ đêm Giáng sinh đến ngày 10/1. Merkel kêu gọi chính quyền các bang xem xét đóng cửa trường học sớm trước Giáng sinh.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 27.927 ca nhiễm nCoV và 562 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.569.126 và 45.280.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cảnh báo đại dịch đang rất nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước, đáng lo ngại nhất là Kaliningrad và Saint Peterburg. Thay vì áp dụng các lệnh phong tỏa trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, Nga chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Saint Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.

Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 51.469 người chết, tăng 284, trong tổng số 1.083.023 ca nhiễm, tăng 10.403. Bộ Y tế nước này tuần trước cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.

Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho hay mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, hầu hết văn phòng không thiết yếu của chính phủ vẫn bị đóng cửa nhằm ngăn virus lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương nước này cấp ngân sách cần thiết để nhập khẩu vaccine Covid-19.

Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 682 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 40.098, trong đó 564 trường hợp tử vong, tăng 8 ca so với một ngày trước.

Thủ đô Seoul áp đặt hạn chế chưa từng có tiền lệ từ tuần trước, đóng cửa hầu hết các cơ sở và cửa hàng lúc 21h. Thủ tướng Chung Sye-kyun cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.

Chính phủ Hàn Quốc hôm 6/12 quyết định áp đặt các quy tắc cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Seoul và những khu vực lân cận. Theo đó, mọi hoạt động tụ tập trên 50 người đều bị cấm. Giới hạn về số người tham dự được thắt chặt hơn đối với các lớp học và sự kiện tôn giáo. Các cơ sở kinh doanh như phòng gym hay quán karaoke cũng đối mặt những hạn chế mới. Những quy định bổ sung này sẽ có hiệu lực trong ít nhất ba tuần, tới cuối tháng 12.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 598.933 ca nhiễm, tăng 6.033, trong đó 18.336 người chết, tăng 165.

Dữ liệu chính phủ cho thấy Indonesia đã đặt hàng được 155,5 triệu liều vaccine và đang tìm mua thêm 116 triệu liều từ Pfizer, AstraZeneca và chương trình COVAX. Nếu các thỏa thuận được thông qua, Indonesia, quốc gia 270 triệu dân, sẽ sở hữu 271,5 triệu liều vaccine, vượt mức đặt ra là 246,6 triệu.

Philippines báo cáo 445.540 ca nhiễm và 8.701 ca tử vong, tăng lần lượt 1.383 và 24 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.

Chính phủ Philippines đã ban lệnh cấm tổ chức tiệc Giáng sinh, các buổi tụ họp gia đình và hát mừng ngoài trời. Philippines cũng hủy kế hoạch cho phép trẻ em tới các trung tâm mua sắm.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Ca Covid-19 toàn cầu vượt 69 triệu, WHO lo ngại về tình hình châu Mỹ Ca Covid-19 toàn cầu vượt 69 triệu, WHO lo ngại về tình hình châu Mỹ

Hơn 69,1 triệu người nhiễm nCoV trên thế giới, trong đó hơn 1,5 triệu người chết, WHO bày tỏ lo ngại khi ca nhiễm tăng ...

Ngày đăng: 08:28 | 11/12/2020

/ vnexpress.net