"Phải chấm dứt ngay tình trạng tiêu tiền chùa, bòn rút tiền dự án gây thiệt hại cho nhà nước, cho người dân" - GS.TS Đặng Đình Đào.
Vay được là tiêu
Liên quan tới những sai phạm tại dự án BRT Hà Nội, Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ sai sót trong đấu thầu, mua bán xe buýt nhanh đã giúp nhà đầu tư hưởng lợi hơn 42 tỷ đồng.
Hình ảnh trái ngược trong vận hành buýt nhanh BRT.
Những sai phạm cụ thể như: không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu). Vì vậy, không có cơ sở quản lý giá và căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu. Động thái trên đã giúp liên danh nhà thầu là Công ty CP Thiên Thành An hưởng hơn 42 tỷ đồng số tiền chênh lệch giữa giá xuất bán xe của Ô tô Trường Hải cho Thiên Thành An để Thiên Thành An xuất bán cho Chủ đầu tư theo hợp đồng.
Việc này được phía doanh nghiệp giải thích là chi phí bảo hành 3 năm và đảm bảo dự trữ và cung cấp dịch vụ phụ tung, bảo trì 10 năm cho 35 xe BRT (theo điều kiện hợp đồng sản xuất theo đơn đặt hàng riêng không phải xe sản xuất hàng loạt nên không có phụ tùng trên thị trường). Các công việc này do liên danh Thiên Thành An chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, giải thích trên không thuyết phục được giới chuyên môn.
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng cần phải điều tra, làm rõ động cơ trục lợi từ dự án của các bên liên quan.
Vị GS nhấn mạnh: "Không chấp nhận những giải thích giống như vụ bảo kê chợ Long Biên. Giải thích thế nào cũng không thuyết phục được đâu.
Dự án có tổng giá trị nghiệm thu cho Hợp phần BRT hơn 706 tỷ đồng, nguồn vốn trên được vay từ nguồn ODA của Ngân hàng thế giới (WB). Việc này cần được làm rõ có hay không cách thức đầu tư theo kiểu vay được vốn ODA là tìm cách giải ngân, giải ngân bằng mọi cách, giải ngân theo kiểu tự đẻ ra dự án này, dự án khác, kê khống, kê sai các hợp phần... dù biết dự án không hề hiệu quả và rất lãng phí nhưng vẫn cứ làm?
Đây là tâm lý vay được tiền là tìm cách tiêu, tiêu một cách vô ý thức bất chấp những cảnh báo của giới chuyên môn trước đó. Vì thế, đề nghị lãnh đạo Hà Nội cùng với các cơ quan điều tra điều tra làm cho rõ", GS Đặng Đình Đào bức xúc.
Theo vị GS, với nguồn vốn đầu tư bỏ ra Hà Nội nên khôi phục lại hệ thống tàu điện sẽ khả thi hơn đầu tư làm BRT.
Khó chấp nhận
Vẫn theo GS Đặng Đình Đào, tư duy "vay được tiền là tiêu" nên mới có những việc làm trái mắt như "cào mặt đường nhựa đổ mặt đường bê tông, tiêu tốn hơn 15 tỷ đồng. Hay, vẽ ra những nhà chờ riêng, một mình nằm một chỗ dù bất hợp lý cũng vấn cố làm...
Đáng nói, biểu hiện của tư duy tiêu tiền vay như tiền "chùa" không chỉ có riêng BRT Hà Nội mà tồn tại ở hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA từ nước ngoài dẫn tới tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, gây thất thoát, lãng phí. Điển hình tại Hà Nội còn có dự án đường sát trên cao Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng; dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thanh Long - Trần Hưng Đạo tăng từ gần 20.000 tỉ đồng lên khoảng 52.000 tỉ đồng và sau thẩm định được hạ xuống gần 33.569 tỉ đồng; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên từ hơn 17.000 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng; dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay của Pháp, ADB tăng từ 783 triệu euro lên hơn 1,17 tỉ euro…
"Đã đến lúc phải làm cho rõ ràng, xử lý cho tới nơi, tới chốn. Phải chấm dứt ngay tình trạng tiêu tiền chùa, bòn rút tiền dự án gây thiệt hại cho nhà nước, cho người dân", vị GS nhấn mạnh.
Cùng với yêu cầu làm cho rõ ràng mọi việc, vị GS cũng cho rằng phải xem xét trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước tham gia quản lý tại dự án này. Theo vị GS, các cơ quan quản lý không thể đứng ngoài những sai phạm trên. Trước hết, phải xem xét trách nhiệm quản lý, giám sát và xa hơn nữa là việc có hay không việc móc nối, thông đồng, thỏa thuận giúp nhà đầu tư hưởng lợi...
"Không thể để tồn tại tâm lý Cứ sai sót, thua lỗ, thất thoát nhà nước chịu. Đó là tư duy thời bao cấp, là tư duy tắc trách, thiếu trách nhiệm. Tư duy này khiến các chủ nợ cho vay được càng nhiều càng lợi, còn chúng ta vay nhiều, tiêu không hiệu quả sẽ làm tăng nợ công, tạo gánh nặng cho ngân sách, gánh nặng cho nền kinh tế, cho người dân.
Tôi được biết, Chính phủ vừa có chỉ đạo rà soát, đánh giá, xem xét lại toàn bộ các dự án sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài. Đây là động thái cần thiết và sớm đưa ra kết luận cụ thể về tính hiệu quả của các dự án.
Cùng với việc rà soát, đánh giá lại các dự án thì cơ chế xử lý trách nhiệm cũng phải thực hiện nghiêm khắc", vị GS nhấn mạnh.
Lam Nguyễn
Bất ngờ lý do thất bại của hệ thống BRT trên thế giới
Khác với Việt Nam - nơi trạm dừng BRT vắng vẻ người sử dụng, các nước có hệ thống BRT trên thế giới lại thất ... |
Đề xuất các phương tiện đi vào làn BRT từ nửa đêm đến rạng sáng
Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) đề xuất cho các phương tiện có thể được di ... |
Ngày đăng: 14:11 | 28/09/2018
/ http://baodatviet.vn