Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, ông Viên mặc quần áo con gái nhảy và hát, còn những người khác thì mang đồ dùng ra đánh mua vui.
Ông Nguyễn Xuân Viên là cựu tù Côn Đảo. Hòa bình lập lại, ông đưa vợ con rời quê Quế Sơn, Quảng Nam ra nơi mình từng bị giam cầm để sống và giữ đảo. Hiện, ông 76 tuổi, sức khỏe yếu, nghe không được rõ, cộng thêm những vết thương do bị tra tấn năm xưa làm ông đau âm ỉ.
Quyết không khuất phục
Căn nhà tình thương của vợ chồng ông Viên ở gần nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Những năm qua, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, thân hình gầy ốm, nhưng vài hôm, ông Viên lại ra nghĩa trang thăm đồng đội. Đứng giữa hàng ngàn ngôi mộ của các đồng đội, ông bùi ngùi nhớ về những năm tháng mình bị giam cầm, tra tấn, bị đối xử tàn độc.
|
|
Ông Viên bên căn nhà tình thương do một cơ quan báo chí xây tặng. |
Năm 1965, ông Viên 21 tuổi. ‘Quê tôi năm đó điêu tàn lắm. Các thanh niên trong làng ai cũng muốn đi bộ đội để được cầm súng đánh giặc. Tôi cũng xung phong đi làm du kích xã’, cựu tù Côn Đảo nhớ lại.
Năm 1968, ông bị giặc bắt. ‘Khi biết giặc phục kích, tôi và hai đồng chí trốn ở dưới hầm, vậy mà không thoát được. Hôm đó, cả tiểu đội chúng tôi ai cũng bị sốt rét’, ông Viên kể.
Sau đó, ông bị giam ở nhà lao Tân Hiệp, rồi bị chuyển đến khám Chí Hòa. Dù nhiều lần bị giặc dụ đi lính, với những lời hứa được trả tự do, được hưởng phú quý, được sống trong nhung lụa nhưng ông Viên cương quyết từ chối. Giọng ông dứt khoát: ‘Mình đã nguyện đi theo Bác Hồ, đi theo Đảng thì sẽ mãi trung thành’.
Đầu năm 1970, ông bị đày ra Côn Đảo. Ở đây, ông bị nhốt vào chuồng cọp, bị đem ra tra tấnt. ‘Tôi không khai, chúng dùng dùi đánh, chích điện vào đầu gối, các ngón tay, dí điện vào tai…. rồi bị bỏ đói, bỏ khát’.
Trong tù cũng là chiến trường
Ông Viên cho biết, ở nhà tù Côn Đảo lúc bấy giờ có ba loại tù là: tù chính trị phạm, tù quân phạm và tù thường phạm. Để khai thác thông tin từ tù chính trị, các cai tù dùng tù quân phạm và tù thường phạm đánh tù chính trị. Ai đánh nhiều, đưa ra nhiều sáng kiến tàn ác thì nhanh được trả tự do.
|
|
Ông Viên cho biết, hiện ông vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những đợt tra tấn năm xưa, vì thế, sức khỏe ông rất yếu. |
‘Họ muốn đánh ai thì đánh. Có hôm, anh em chúng tôi thấy cửa mở thì nghĩ, chắc được cho đi tắm mát, nhưng không phải. Chúng vào để hỏi, hôm nay là ngày nào, tháng nào. Chúng tôi nói đúng cũng bị đánh, nói sai cũng bị đánh.
Rồi chúng tra tấn chúng tôi bằng cách trời lạnh tạt nước lạnh, trời nắng, cho vào chuồng cọp, rắc vôi liên tục. Đến bữa ăn thì miếng cơm chan nước mắt. Cứ 10 giờ là chúng mang cơm đến, đến 12 giờ mới cho lấy cơm ăn. Ai cầm được đồ ăn cũng bị đánh.
Có mấy người già xung phong đi lấy cơm vì nghĩ, mình lớn tuổi sẽ không bị đánh. Nhưng các chú vừa cầm được đồ ăn là bị đánh ngã xuống đất, cơm văng tung tóe.
Bị hành hạ đủ thứ, nhưng anh em ai cũng biết, chúng làm vậy cho mình khai, hoặc chấp nhận đi lính cho chúng. Anh em chúng tôi cương quyết không khai, không đầu hàng, không khuất phục. Ai cũng xác định: trong tù cũng là chiến trường, nếu có hi sinh cũng là hoàn thành nhiệm vụ.
Rồi các anh em động viên nhau chịu đựng. Người khỏe dìu người yếu. Người nào còn sống thì tiếp tục đấu tranh’, ông Viên kể.
Giọng ông vui hơn khi kể về lần ông cùng đồng đội tổ chức sinh nhật Bác Hồ trong tù. ‘Đêm sinh nhật Bác, anh em chúng tôi bí mật mang đồ dùng ra làm trống, đàn, cùng hát các bài về Bác, về quê hương đất nước. Tôi đóng giả con gái, đứng hát, nhảy múa. Các đồng chí khác thì mang đồ dùng ra gõ hòa theo.
|
|
Ông Viên chụp ảnh lưu niệm cùng với các cựu tù sống ở Côn Đảo. |
Khi phát hiện, chúng bắt mở cửa. Chúng tôi đóng chốt trong, rồi tiếp tục hát. Đến khi chúng phá được cửa, đồng chí nào cũng bị đánh. Có rất nhiều đồng chí bị vứt lên xe mang đi đổ nơi khác, nhưng anh em chúng tôi không vì thế mà khuất phục’.
Xung phong ở lại giữ đảo
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Viên và nhiều tù chính trị khác vẫn ở trong phòng biệt giam. ‘Hôm đó, nhà tù rất tĩnh lặng. Những tên cai tù không còn mang súng, cầm dùi cui đi lại trước cửa. Đến chiều, chúng tôi nghe tiếng máy bay, tiếng reo hò của nhiều người. Anh em chúng tôi hỏi nhau, hôm nay là ngày gì?
Khi quân giải phóng đến báo: ‘Miền Nam đã giải phóng’, rồi mở cửa bảo chúng tôi đi ra. Chúng tôi vừa vui, vừa đề phòng: ‘Thật hay giả? Cho đến khi nghe đài phát thanh nói về chiến thắng miền Nam, chúng tôi mới tin là thật’, ông Viên nhớ lại.
Ông Viên cho biết, sau đó, ông cùng 150 người khác xung phong ở lại giữ đảo. Năm 1977, ông mới về quê Quế Phong gặp người thân. Ba năm sau, ông lấy cô gái cùng quê. Năm 1980, ông trở lại đảo làm cán bộ văn hóa bảo tàng huyện, sau đó, ông chuyển lên làm Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Đảo.
|
|
Ông Viên cùng con trai lớn trong một lần được đi thăm lăng Bác Hồ. |
Đến hôm nay, bà Hai, vợ ông Viên vẫn còn nhớ những ngày chuẩn bị cùng chồng ra Côn Đảo sống. ‘Chúng tôi cưới xong 1 thời gian thì ông ấy ra Côn Đảo, tôi ở lại nuôi con. Khoảng năm sau, ông ấy về đưa mẹ con tôi đi. Nghe đến ra đảo sống, tôi hoang mang lắm. Tôi hỏi: ‘Có phải cái chỗ xung quanh là nước, ở giữa là đất không? Vậy nước lên mình chết thì sao. Ông ấy cười xòa, lém lỉnh: ‘Nước lên thì chạy lên núi Chúa, không chết được’.
Bà Hai cho biết, những ngày mới ra, Côn Đảo rất hoang vắng, ít người. Hằng ngày ông đi làm Cán bộ văn hóa Bảo tàng huyện, còn bà buôn bán ở chợ, chăm con nhỏ. ‘Trước, Côn Đảo ít người, điều kiện sống thiếu thốn, nhưng giờ thì đầy đủ rồi’, bà Hai nói.
Khi được hỏi có hối hận khi theo chồng ra đảo sống, bà Hai lắc đầu: ‘Côn Đảo trông nhỏ, bốn bề là biển vậy mà dễ sống hơn. Ở quê tôi cuộc sống khắc nghiệt lắm’.
Tú Anh
Cuộc hội ngộ bất ngờ của 5 anh em ruột ngày Giải phóng Thủ đô
Những ngày Hà Nội vào thu, trong căn nhà nhỏ trên phố Hồ Đắc Di yên ả. Đại tá Hoàng Thúc Cẩn - năm nay ... |
“Ký ức mùa Thu” tái hiện cảm xúc ngày giải phóng Thủ đô
Sáng 6/10, tại Hoàng Thành Thăng Long, thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Ký ức mùa thu” nhân kỷ niệm 65 năm Ngày ... |
Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm được Mỹ bố trí di tản ra nước ngoài như thế nào?
Ngày 21/4/1975, lúc 1 giờ chiều, Thiệu đã tuyên bố từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, điều mà Mỹ cần hơn một năm ... |
Sự thật về cuộc di tản trước Giải phóng miền Nam năm 1975
Gần nửa thập kỷ đã trôi qua sau khi Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, vẫn tồn tại những dư luận tố cáo Nhà ... |
Ảnh độc: 48 giờ trước thời khắc giải phóng miền Nam 30.4.1975
Những hình ảnh do phóng viên quốc tế chụp đã ghi lại khoảnh khắc thành phố Sài Gòn 2 ngày cuối cùng trước khi được ... |
Ngày đăng: 08:30 | 30/04/2020
/ vietnamnet.vn