Trên con đường đến với thành công, một cá nhân, tổ chức cần biết mình nên làm những gì và không nên làm những gì. Với CLB Hà Nội, việc họ chủ động buông Đình Trọng không phải vì thiếu tiền. Đội bóng Thủ đô có tiềm lực tài chính mạnh nhất nhì V.League, nhưng không vì thế mà họ gỡ bỏ những tôn chỉ hướng đến giá trị bền vững lâu dài.
Chi 1 tỷ, tiết kiệm trăm tỷ
Năm 2006, Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển chính thức lấn sân sang bóng đá bằng việc thành lập CLB T&T Hà Nội, tiền thân của CLB Hà Nội ngày nay. Trải qua gần 2 thập niên, khi hàng loạt doanh nhân làm bóng đá như "bầu" Thắng, "bầu" Thọ, "bầu" Thụy... đến rồi đi, chỉ còn bầu Hiển sánh ngang cùng HAGL của bầu Đức. Không chỉ duy trì thành công trong một thời gian dài, CLB Hà Nội còn bước xa hơn bất kỳ đội bóng nào trên con đường tạo dựng một đội bóng chuyên nghiệp.
Bên cạnh việc thu hút khán giả đến sân bằng lối đá đẹp mắt và những chiến thắng ấn tượng, ít ai biết CLB Hà Nội còn xây dựng được một bộ khung quản lý về mặt tài chính theo hình mẫu của những đội bóng hàng đầu châu Âu. 2 năm trước, họ từng mời một người Colombia có tên Francisco Lopez đến làm việc. Thù lao của người này trong 3 ngày lưu lại Việt Nam là... 35.000 bảng Anh, tương đương 1,1 tỷ đồng!
Vậy Francisco Lopez là ai, và ông làm gì trong 72 giờ ở Việt Nam mà được trả lương cao như thế? Lật hồ sơ về Francisco trên chuyên trang tuyển dụng LinkedIn, chúng ta biết người đàn ông này từng làm Giám đốc Kinh doanh tại City Football Group (công ty mẹ của Man City), cũng như đảm nhiệm ghế Giám đốc Tài chính của Barcelona. Ông có 24 năm kinh nghiệm trong ngành quản lý tài chính thể thao, là bạn thân của Giám đốc Man City Txiki Begiristain.
Trong 3 ngày lưu lại Việt Nam, Francisco Lopez giúp CLB Hà Nội xây dựng một công thức xây dựng quỹ lương đội bóng. Công thức này giúp đội bóng Thủ đô trở thành điểm đến trong mơ với nhiều cầu thủ nhờ đãi ngộ vượt trội mặt bằng chung của V.League. Ở chiều ngược lại, trong trường hợp có một vài cầu thủ ngôi sao muốn nhận lương thưởng vượt khung, đội bóng sẽ không sẵn sàng chi trả như trước.
Bầu Hiển không thiếu tiền làm bóng đá, nhưng ông biết nếu không đặt ra một nguyên tắc để quản lý tài chính và quỹ lương, mọi thứ sẽ sụp đổ. Bản thân bầu Hiển hiểu rõ hơn ai hết cái giá của việc chạy đua tiền bạc theo danh tiếng cầu thủ. Hơn 10 năm trước, ông từng bị tiền đạo Công Vinh "lật kèo" phút cuối để đầu quân cho đội bóng của bầu Kiên. Ngoài ra, trong một cuộc chơi thiêu đốt tiền như bóng đá, việc tính toán chi li là điều vô cùng cần thiết.
Tiêu nhiều nhưng hợp lý
Trong vòng 2 ngày sau khi thông báo chia tay trung vệ Đình Trọng, lãnh đạo CLB Hà Nội đã thẳng thắn nói chuyện, giải thích nguyên nhân vì sao họ không gia hạn hợp đồng với cầu thủ này. Giám đốc điều hành CLB Hà Nội, Nguyễn Quốc Tuấn cho biết Đình Trọng muốn nhận tiền lót tay cao hơn mức trần CLB, và đó là nguyên nhân khiến đôi bên đường ai nấy đi. Nhưng CLB Hà Nội không thiếu 3,5 tỷ đồng/năm để trả tiền lót tay cho Đình Trọng như Topenland Bình Định đã làm.
5 mùa giải V.League gần nhất, CLB Hà Nội luôn là một trong những đội bóng mạnh tay chi tiêu nhất. Trung bình mỗi năm họ chi 85-100 tỷ đồng, với phần lớn trong số đó được sử dụng để chi trả lương cho cầu thủ, thành viên ban huấn luyện. Mỗi cầu thủ đội một CLB Hà Nội nhận lương khoảng 30 triệu đồng/tháng, cao gấp rưỡi mặt bằng chung ở V.League. Lương tháng 30 triệu đồng cũng tương đương thu nhập của nội binh V.League thời hoàng kim 2008-2010, khi các ông bầu thi nhau rải tiền làm bóng đá.
Bên cạnh mức đãi ngộ hấp dẫn cho các nội binh, đội bóng Thủ đô cũng chi tiền vượt khung mặt bằng chung cho cầu thủ ngoại đến CLB. Ngoại binh CLB Hà Nội có thủ nhập tối thiểu 15.000 USD/tháng. Để tiện so sánh, lương trung bình của cầu thủ nội Hải Phòng thời ông Trần Mạnh Hùng làm Chủ tịch là 15,5 triệu đồng/tháng. "Ông Tây" của những CLB phía Bắc khác chỉ nhận thu nhập khoảng 6.000 USD/tháng.
Không chỉ thoáng trong chuyện tiền lương, CLB Hà Nội còn xông xênh chi tiền lót tay cho cầu thủ nội để đảm bảo cho họ có cuộc sống an yên sau ngày giải nghệ. Không tính đến những cầu thủ còn hợp đồng đào tạo trẻ (thường đến năm 24 tuổi), nội binh đội bóng Thủ đô nhận mức lót tay thấp nhất là 1,3 tỷ đồng/mùa. Mức lót tay cao như vậy tương đương trình độ cầu thủ được CLB săn đón về, đồng thời trần lót tay sẽ không để xảy ra tình trạng chia rẽ nội bộ, nhất bên trọng nhất bên khinh.
Nhìn sang những CLB còn lại ở V.League, chúng ta mới thấy được sự chênh lệch về tiềm lực tài chính của đội bóng Thủ đô với phần còn lại. CLB Hải Phòng được ngân sách thành phố bao tiêu 50 tỷ đồng/năm, họ sẵn sàng chi lương thưởng 10-15.000 USD/tháng cho ngoại binh, nhưng đời sống cầu thủ nội lại không được đảm bảo. Bên cạnh mức lương thấp, nhiều cầu thủ Hải Phòng chỉ được lót tay theo dạng "hàng dạt" 400 triệu đồng/năm. Cầu thủ Nam Định, Nghệ An hay nhiều CLB khác cũng rơi vào tình trạng tương tự với mức lót tay 500-700 triệu đồng.
Của cho không bằng cách cho. Trong câu chuyện của CLB Hà Nội, họ cho thấy mình không thiếu tiền, nhưng điều đó không đồng nghĩa với chuyện tiêu tiền bừa bãi. Đội bóng Thủ đô đủ ngân sách chi 3-5 tỷ đồng tiền lót tay cho một ngôi sao, nhưng mọi chuyện sẽ như thế nào nếu những cầu thủ sau đó cũng ra yêu sách như vậy khi gia hạn hợp đồng? CLB Hà Nội rõ ràng đang tính toán rất kỹ lưỡng cho một cuộc chiến dài hơi, vậy nên họ sẽ luôn là đội bóng trụ lại cuối cùng khi mọi đại gia rời cuộc chơi.
Những lần tiêu hoang của đại gia V.League
Trước khi thu hẹp quy mô tài chính, CLB Hải Phòng từng nổi tiếng một thời về chuyện chi tiền vượt khung cho các ngoại binh. Năm 2009, họ đạt được thỏa thuận chiêu mộ tiền đạo Denilson, cầu thủ từng có giá trị chuyển nhượng cao nhất thế giới về CLB. Giá trị hợp đồng đến giờ vẫn được giữ kín, nhưng theo thông tin thời đó có thể lên tới vài triệu USD. Đáng tiếc là Denilson chỉ chơi được đúng 45 phút rồi vĩnh viễn không trở lại sân cỏ V.League vì gặp chấn thương dai dẳng.
CLB Hải Phòng nhiều tiền là thế, nhưng đến khi mùa giải V.League 2010 khép lại, họ cũng để mất nhạc trưởng Leandro vào tay Becamex Bình Dương. Đội bóng đất Thủ trả cho Leandro mức lương 20.000 USD/tháng và lót tay 300.000 USD/năm, cao gấp đôi con số Hải Phòng đưa ra. Nhưng cũng giống như Denilson, Leandro chỉ còn là cái bóng của chính anh ở đội bóng mới. Những gì "King Lean" thể hiện hoàn toàn mờ nhạt trước những ngoại binh như Philani.
Sau câu chuyện của Denilson hay Leandro, V.League lại chứng kiến một "bom tấn" khác trở thành "bom xịt": Lee Nguyễn. Sau nhiều năm rời Việt Nam để trở về Mỹ thi đấu ở MLS, Lee Nguyễn đầu quân cho CLB TP.HCM theo bản hợp đồng có mức đãi ngộ hàng năm lên tới 1 triệu USD. Nhưng đến trước thềm V.League 2022, TP.HCM thông báo chấm dứt hợp đồng với Lee Nguyễn. Ở tuổi 37, anh không còn sung sức như trước nữa, và "Chiến hạm đỏ" cũng không muốn tiêu tốn quá nhiều tiền cho một ngôi sao đã luống tuổi.
An Khánh
“Những cô gái kim cương” của bóng đá Việt Nam |
Chủ tịch UBND TP.HCM: "Bóng đá nữ Việt Nam cần được quan tâm, đầu tư bình đẳng" |
Ngày đăng: 15:33 | 14/02/2022
/ cand.com.vn