0h ngày 9/7, TP.HCM chính thức giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp ngày 8/7 với TP.HCM đã nói "việc chống dịch ở thành phố là chưa từng có tiền lệ". Lãnh đạo thành phố khi đưa ra quyết định thì chia sẻ sự khó khăn và "phải trăn trở, cân nhắc rất nhiều".
Chính sách có hiệu quả hay không, lại phụ thuộc không nhỏ vào ý thức chấp hành của mỗi người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia), nhắc lại theo tinh thần của Chỉ thị 16, người dân nên ở nhà và chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động).
Khi làm việc với một số quận, huyện của TP.HCM trước khi chuẩn bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc lại hiện tượng tập trung đông người ở điểm tiêm vaccine và lấy mẫu xét nghiệm. Theo ông, nếu không tuân thủ đầy đủ quy định giãn cách, vẫn để tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Người dân TP.HCM thì cần chuẩn bị, mua đủ nhu yếu phẩm dùng trong 15 ngày để giảm mật độ đi lại.
Về phía chính quyền, thành phố cần có kế hoạch cụ thể hỗ trợ kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly xã hội. Có thể hỗ trợ cụ thể bằng cách phát đồ ăn cho người dân 2 lần/tuần để đảm bảo tối thiểu rằng không ai bị đói.
Trước khi thực hiện Chỉ thị 16, theo yêu cầu của Chính phủ, chính quyền TP HCM cho biết đã chuẩn bị các phương án về điều trị, nơi cách ly cũng như nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho 10 triệu dân.
Cùng với chuẩn bị năng lực điều trị cho 10.000-20.000 ca nhiễm, TP HCM cũng bổ sung các khu cách ly, 120.000 tấn thực phẩm khi tiến hành giãn cách xã hội.
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng được xem chiến lược quan trọng để tìm kiếm F0, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm cộng đồng. Hiện TP HCM có 2.000 đội lấy mẫu, trong đó 1.200 đội chính và 800 đội dự phòng. Thành phố thông tin, công suất xét nghiệm hiện đạt 400.000 mẫu gộp một ngày. Từ ngày 26/5 đến nay, xét nghiệm được hơn 1,7 triệu mẫu.
Công tác xét nghiệm, vận chuyển mẫu và trả kết quả tầm soát Covid-19 thời gian qua được đánh giá cho còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Do đó Sở Y tế đề xuất tổ chức lại quy trình tổ chức xét nghiệm Covid-19 và mạng lưới giám sát điều tra dịch tễ truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm. Một Phó Chủ tịch UBND TP HCM được giao chỉ đạo chung về tổ chức xét nghiệm.
Các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu cộng đồng; lấy mẫu truy vết, tầm soát cộng đồng, lấy mẫu khu cách ly; vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm, trong đó mẫu F1 trả kết quả trong vòng 2 giờ từ khi lấy mẫu, mẫu khác trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu.
Các cơ sở xét nghiệm khẳng định Covid-19 nhiệm vụ xét nghiệm cho quận huyện và chịu sự điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Trong đó, mẫu tầm soát cộng đồng trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu; mẫu F1 và nghi F1 trả kết quả trong 6-10 giờ từ khi lấy mẫu; mẫu F2, người cách ly trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu.
Về năng lực điều trị, giữa tháng 5 khi mới ghi nhận 3 ca nhiễm, TP HCM xây dựng 3 kịch bản (dưới 100 ca; 1.000 ca; 5.000 ca) ứng phó, nhưng sau 45 ngày sau số ca nhiễm đã vượt 5.000 - tình huống nghiêm trọng nhất. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho thành phố cần tăng cường năng lực điều trị.
Hiện, ngoài 5.000 giường từ các bệnh viện được chuyển đổi công năng, TP HCM lập thêm 4 bệnh viện dã chiến với tổng công suất 12.000 giường. Trong đó, ba bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức, quận 12 và huyện Bình Chánh với 8.000 giường bệnh hoạt động từ đầu tháng 7; hai cơ sở thu dung điều trị tại hai ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP HCM với công suất 4.000 giường. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị 20.000 ca nhiễm.
Về khả năng cách ly, hiện TP HCM có 11 khu cách ly tập trung cấp thành phố với gần 10.400 giường (đang cách ly gần 7.000 người); 59 cơ sở cách ly cấp quận huyện với công suất hơn 6.800 giường (đang cách ly gần 4.300 người); 58 khách sạn cách ly thu phí công suất gần 4.870 giường (đang cách ly hơn 3.200 người). Tính đến sáng 8/7, 15.007 người đang cách ly tập trung. Như vậy, thành phố còn trống khoảng 7.000 giường cách ly.
Thành phố đã lên kế hoạch dùng gần 1.300 căn hộ tái định cư ở huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức làm nơi cách ly tập trung các ca F1.
Thành phố khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ người dân khi dự trữ 120.000 tấn thực phẩm, gấp ba lần thông thường, riêng Saigon Co.op dự trữ 26.000 tấn thực phẩm/tháng. Đồng thời, 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương sẽ hoạt động đảm bảo nhu yếu phẩm.
PV (t/h)
Infographic: Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thực hiện thế nào? |
TP.HCM tổ chức họp báo trước giờ triển khai Chỉ thị 16 |
Ngày đăng: 10:12 | 09/07/2021
/ Nghề nghiệp & Cuộc sống