Sau khi tạp chí Charlie Hebdo đăng lại tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, nhiều vụ đâm dao xuất hiện, cùng biểu tình ở các nước Hồi giáo.

Việc tạp chí trào phúng Charlie Hebdo của Pháp đăng tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, được tín đồ Hồi giáo coi là "sứ giả của Thượng đế", từng dẫn đến vụ xả súng thảm khốc tại tòa soạn báo này hồi năm 2015. Vụ tấn công khiến 12 người thiệt mạng, trở thành sự kiện có thương vong lớn nhất tại Pháp kể từ vụ đánh bom chuyến tàu Strasbourg-Paris năm 1961.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 9, Charlie Hebdo quyết định tái xuất bản những bức tranh biếm họa này, và chúng sau đó được thầy giáo Samuel Paty tại trường trung học Conflans-Sainte-Honorine, ngoại ô Paris, đưa vào bài giảng về tự do ngôn luận của mình. Từ đây, chuỗi thảm kịch bắt đầu.

Việc thầy Paty cho học sinh xem những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed đã vấp phải phản ứng của một số phụ huynh theo đạo Hồi. Bố của một nữ sinh trong lớp đã đưa tên tuổi thầy Paty và địa chỉ trường lên mạng, chỉ trích gay gắt giáo viên này.

Sau khi nhận được thông tin trên mạng, một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan tại thánh đường ở ngoại ô Paris được cho là đã ban "fatwa" với Paty, sắc lệnh Hồi giáo cho phép "tử hình" người bị coi là báng bổ nhà tiên tri Mohammed.

Ngày 16/10, giáo viên lịch sử 47 tuổi này bị chặt đầu khi đang trên đường từ trường về nhà. Nghi phạm 18 tuổi Abdullakh Anzorov, người gốc Chechnya, đã bị cảnh sát tiêu diệt. Anzorov trước đó được cho là đã liên hệ với bố của nữ sinh trên.

Một vụ đâm dao tiếp tục xảy ra sáng 29/10 bên ngoài nhà thờ ở thành phố Nice của Pháp, khiến ba người thiệt mạng, trong đó hai nạn nhân bị cắt cổ. Nghi phạm 21 tuổi gốc Tunisia Brahim Aouissaoui, cùng người đàn ông 47 tuổi được cho là có liên quan, đã bị cảnh sát bắt.

1743 000 8u6723 8695 1604126226

Người dân thắp nến tưởng niệm ba nạn nhân trong vụ đâm dao bên ngoài nhà thờ ở Nice, Pháp, hôm 29/10. Ảnh: AFP.

Khoảng 50 người hôm 30/10 tập trung bên ngoài nhà thờ để tưởng niệm các nạn nhân. Tuy nhiên, giây phút dường như cần thể hiện sự đoàn kết lại bị gián đoạn khi vài cư dân địa phương bắt đầu lên tiếng đổ lỗi cho Hồi giáo vì vụ tấn công, rồi bị những người qua đường phản đối. Một phụ nữ che mặt kêu gọi không "vơ đũa cả nắm" người Hồi giáo với phần tử khủng bố.

Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Nice cho rằng hiến pháp nên được sửa đổi để hợp thức hóa "cuộc chiến" chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cũng tuyên bố họ "đang trong cuộc chiến chống lại kẻ thù cả bên trong và bên ngoài".

Theo bình luận viên Norimitsu Onishi và Constant Meheut của NY Times, những phát ngôn cứng rắn từ giới chức Pháp phản ánh quan điểm gay gắt của nước này đối với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Sự bảo vệ quyết liệt quyền xuất bản những bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed dường như đặt Pháp vào thế tiến thoái lưỡng nan, khi bất kỳ động thái thỏa hiệp nào cũng có thể bị coi là gây suy yếu chủ nghĩa thế tục, nghĩa là tách rời tôn giáo với nhà nước, một trong những giá trị cốt lõi của Pháp.

Nhà triết học Pierre-Henri Tavoillot, chuyên gia về chủ nghĩa thế tục tại Đại học Sorbonne ở Paris, đánh giá những mâu thuẫn xoay quanh tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed đã khiến Pháp rơi vào "một cái bẫy".

"Chúng thực sự trở thành biểu tượng và gây ra xung đột. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là viễn cảnh không thể tránh khỏi. Nếu nhượng bộ trong vấn đề này, Pháp cũng phải từ bỏ những quan điểm khác trong chủ nghĩa thế tục", Tavoillot nói, giải thích thêm rằng việc cấm tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed đồng nghĩa với "xóa bỏ quyền tự do ngôn luận và khả năng chỉ trích các tôn giáo".

Sau vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo hồi năm 2015, dẫn đến cuộc tuần hành quy mô lớn ở Paris với biểu ngữ "Tôi là Charlie", đại diện các nước Hồi giáo như Lebanon, Algeria, Tunisia, Jordan và Qatar, đều hưởng ứng phong trào chống lại chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ tự do ngôn luận. Tuy nhiên, tất cả quốc gia này gần đây đều chỉ trích việc tạp chí Pháp xuất bản những bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed, bởi cho rằng chúng xúc phạm người Hồi giáo.

Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thậm chí viết lên mạng xã hội rằng "người Hồi giáo có quyền tức giận và giết hàng triệu người Pháp vì những vụ thảm sát trong quá khứ", nhưng không đề cập đến các cuộc tấn công gần đây. Làn sóng biểu tình và tẩy chay hàng hóa Pháp cũng diễn ra ở nhiều nước Hồi giáo.

Anne Giudicelli, chuyên gia về các nước Arab từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Pháp, cho rằng không thể đánh đồng việc xuất bản lần đầu các bức tranh biếm họa với tái bản chúng.

"Hành động tái bản của Charlie Hebdo bị coi là sự cố chấp, nhằm tiếp tục chế giễu Hồi giáo. Đó là điểm khác biệt so với năm 2015. Giờ đây, cảm giác như Pháp có vấn đề với Hồi giáo, trong khi hồi năm 2015 họ được cho là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố", Giudicelli nêu ý kiến.

1742 000 8u84cf 8377 1604126226
Các tín đồ Hồi giáo biểu tình tại Peshawar, Pakistan, hôm 30/10, sau phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về tranh biếm họa của nhà tiên tri Mohammed. Ảnh: AFP.

Quyền tự do ngôn luận được coi là "linh hồn" của nền dân chủ Pháp, đồng thời dần trở thành trụ cột của chủ nghĩa thế tục tại nước này. Nhà triết học Tavoillot giải thích chủ nghĩa thế tục bắt nguồn từ một đạo luật năm 1905, khi cộng đồng Hồi giáo của Pháp khá nhỏ bé, dựa trên quan điểm rằng đức tin là vấn đề riêng tư, nên phải bị giới hạn trong phạm vi cá nhân.

Jean Bauberot, nhà sử học hàng đầu về chủ nghĩa thế tục của Pháp, cho biết quan điểm này nhằm giúp nhà nước được ưu tiên so với tôn giáo, nhưng "nước Pháp hiện đại lại coi đây là thứ nhằm chống lại tôn giáo", với sự thế tục hóa ngày càng gia tăng trong xã hội. Theo báo cáo năm 2016 của Viện Montaigne ở Paris, chỉ 8% người Pháp thường xuyên thực hiện nghi thức tôn giáo mỗi ngày.

Mâu thuẫn về sự tồn tại của chủ nghĩa thế tục nảy sinh khi số lượng người Hồi giáo tại Pháp ngày càng tăng. Hiện nay, khoảng 10% dân số Pháp là người Hồi giáo, và họ sùng đạo hơn nhiều so với các tín đồ Cơ đốc hoặc Do Thái. Vì vậy, nhiều người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm khi nhìn thấy tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammad.

Cái chết của thầy giáo Paty được cho là xuất phát từ nguyên nhân này. Chính phủ Pháp coi đây là một vụ tấn công vào nhà nước, bởi các giáo viên trường công lập đóng vai trò chủ chốt trong việc giảng dạy về chủ nghĩa thế tục.

Vài ngày sau vụ án, lãnh đạo tại 13 vùng của Pháp tuyên bố sẽ xuất bản một cuốn sách nhỏ cho học sinh trung học, in các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammad, như một lời cam kết "bảo vệ những giá trị của nền cộng hòa".

"Nghệ thuật biếm họa là truyền thống lâu đời và là một phần nền dân chủ của chúng ta", Iannis Roder, giáo viên lịch sử tại một trường trung học, cho hay, đồng thời kể về những khó khăn ngày càng tăng khi giảng dạy về tự do biểu đạt, do "sự thâm nhập ngày càng lớn của tín ngưỡng trong số nhiều học sinh nhận là người Hồi giáo".

Tuy nhiên, Mohammed Moussaoui, chủ tịch Hội đồng Đức tin Hồi giáo Pháp, cho rằng nên có giới hạn đối với các hành vi châm biếm khi đề cập đến tín ngưỡng, như hạn chế xuất bản tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammad, nhằm tránh thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan.

"Tôi không nghĩ đó là phương pháp đúng đắn để giải thích về quyền tự do ngôn luận cho trẻ em. Nghĩa vụ của tình bằng hữu buộc tất cả chúng ta phải từ bỏ một số quyền", Moussaoui nêu ý kiến.

Clementine Autain, một nghị sĩ cực tả thuộc đảng Nước Pháp Bất khuất, đánh giá cuộc tranh luận về chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa thế tục "đang bị chi phối bởi cảm xúc và không còn có lý lẽ", khi vài chính trị gia lợi dụng tình hình để "tẩy chay tất cả tín đồ Hồi giáo".

"Tôi lo ngại rằng hành động này sẽ khiến nhiều người Hồi giáo bị đẩy trở lại vòng tay của những kẻ cực đoan", Autain cho hay.

Ánh Ngọc (Theo NY Times)

Kẻ tấn công khủng bố nhà thờ chỉ vừa mới đến Pháp Kẻ tấn công khủng bố nhà thờ chỉ vừa mới đến Pháp
Cựu thủ tướng Malaysia: Cựu thủ tướng Malaysia: "Người Hồi giáo có quyền giết triệu người Pháp"
Nước Pháp và mối họa lâu dài của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Nước Pháp và mối họa lâu dài của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Ngày đăng: 22:20 | 31/10/2020

/ vnexpress.net