Lời hứa trở về sửa nhà cho mẹ sau khi ăn bữa khoai vằm cuối cùng trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma vĩnh viễn không trở thành hiện thực.
Bữa khoai vằm cuối cùng với mẹ
Câu chuyện về Trần Văn Phương, Thiếu uý trẻ tuổi của Quân chủng Hải quân Việt Nam trên người chi chít vết đạn của quân Trung Quốc, nhưng vẫn chắc tay giữ cán cờ Tổ quốc ở đảo Gạc Ma và hô vang: “Gạc Ma – Trường Sa là của Việt Nam” vẫn được nhiều người kể lại.
30 năm sau, 14/3/2018, trong căn nhà nhỏ tại ở phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), người mẹ già Hồ Thị Đức, nay đã 81 tuổi, đang thắp nén nhang lên bàn thờ để tưởng nhớ đứa con anh hùng.
Với người mẹ này, những hình ảnh quen thuộc về người con trai yêu quý vẫn luôn nằm trong khối óc, con tim.
30 năm sau trận chiến Gạc Ma, nỗi đau mất con đã được mẹ Hồ Thị Đức biến thành niềm tự hào.
Tốt nghiệp lớp 10, Trần Văn Phương nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, “gác bút nghiên theo việc đao cung”. Nhập ngũ, Phương được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Tháng 1/1984, chàng trai này được bổ sung về làm Khẩu đội trưởng pháo thuộc Tiểu đoàn 562, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân.
Cuối năm 1985, Trần Văn Phương được cử đi học trường Quân chính Quân khu 7. Tháng 1/1986, anh được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng và đề bạt quân hàm Thiếu úy.
Tháng 3/1988 Thiếu úy Trần Văn Phương trở thành Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa), chỉ huy tổ bảo vệ cờ gồm ông và 4 chiến sĩ khác là Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư, Lê Hữu Thảo và Hoàng Văn Chúc, chịu trách nhiệm đổ bộ từ tàu HQ 604 lên đảo chìm, cắm quốc kỳ và giữ cờ chủ quyền trên đảo Gạc Ma.
Trước khi lên đường, Phương được cho nghỉ phép về thăm nhà. Về nhà nhưng trong túi Phương không có một đồng đi đường. May mắn, anh xin đi nhờ xe về đến cầu Giang rồi cuốc bộ về nhà.
“Thời đó gia đình nghèo lắm, toàn phải nhịn đói nên lúc nó về chẳng có gì ăn. Nó nói với tôi: Má ơi có khoai vằm (khoai lang, thái nhỏ, phơi nắng - PV) thì nấu cho con ăn với. Tôi nghe mà cảm thấy tội, đi bộ đội được ăn cơm còn về nhà không có gì ăn đành xin mẹ ăn khoai”, mẹ Đức sụt sùi nhớ lại.
Mỗi lần nhớ con, mẹ Đức lại thắp hương và thầm thì nói chuyện với di ảnh của con trai.
“Về nhà được 10 ngày thấy cảnh dột nát nên trước khi đi nó còn dặn cha mẹ là ở nhà cắt tóc (thân cây lúa - PV) rồi mang đi phơi khô đợi ngày nó đi xây dựng đảo xong rồi xin nghỉ phép về sửa lại mái nhà cho bố mẹ” - Mẹ Đức hồi tưởng.
Có lẽ, bà chẳng thể ngờ bữa “khoai vằm” năm xưa lại là bữa ăn cuối cùng của Trần Văn Phương với gia đình.
Vài ngày sau, khi nghe đài phát thanh, mẹ Trần Thị Đức mới biết tin con trai mình đã hy sinh. Suốt mấy ngày liền, bà mất ăn mất ngủ và luôn cầu mong sẽ có phép nhiệm màu đến với đứa con trai yêu dấu của mình nhưng điều ấy không xảy ra.
Thế nhưng 30 năm sau, khi nhớ lại sự hy sinh của con trai năm nào, bà vẫn nói: “Phương nó hy sinh nhưng là hy sinh cho chủ quyền biển đảo của đất nước. Không có cái chết nào thiêng liêng bằng việc ngã xuống cho Tổ quốc”.
Sau khi hy sinh, thi hài Thiếu úy Trần Văn Phương được các đồng đội tìm cách đưa về tàu HQ. 505 nằm trên đảo đá Cô Lin cách đó 3,5 hải lý. Liệt sĩ Phương được chôn cất tại đây cho đến năm 1993, người em trai thứ của ông là Trần Văn Hồng mới đưa được hài cốt ông về chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc (tỉnh Quảng Bình).
Trước lúc hy sinh, liệt sĩ Trần Văn Phương không hề biết vợ mình là chị Mai Thị Hoa đã mang thai. Cuối năm 1988, chị Mai sinh hạ một bé gái xinh xắn và đặt tên là Trần Thị Thuỷ.
Nối tiếp truyền thống từ người cha anh Hùng, hiện Trần Thị Thuỷ cũng đang là một cán bộ văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân với quân hàm Trung uý. Thuỷ hiện đã kế hôn với Trung uý Nguyễn Hồ Hải – Cán bộ Chi đội Kiểm ngư 04 - Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân.
Người cha làm đám giỗ chung cho 64 liệt sĩ Gạc Ma
Từ nhiều năm nay, ngày 27/1 Âm lịch, cha Hoàng Văn Dỏ (90 tuổi) - thân sinh của liệt sĩ Hoàng Văn Tuý lại làm mâm cơm cúng chung cho 64 liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma. Ông sống ở thôn Tân Định (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Cha Hoàng Văn Dỏ từ nhiều năm nay đều làm mâm cỗ cúng giỗ chung cho 64 liệt sĩ Gạc Ma.
Ông Dỏ cho biết Hoàng Văn Tuý nhập ngũ từ năm 1985. Trước khi cùng động đội lên đường bảo vệ đảo Trường Sa (Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin), anh được về ăn tết với gia đình 2 ngày.
“Hai ngày được nghỉ về nhà, nó chỉ tranh thủ đi chơi với bạn bè chốc lát rồi lại về ăn cơm với gia đình. Trước khi đi, nó nói chỉ khoảng 3 tháng nữa là sẽ được ra quân và về với ba mạ”, ông nhớ lại.
Thế nhưng, đó lại là lần cuối cùng cha Dỏ gặp đứa con trai thứ tư của mình.
Nghe tin con hy sinh trên đài phát thanh, ông như chết lặng. Từ ngày biết tin con hy sinh, hàng năm cứ vào ngày 27/1 Âm lịch hằng năm, ông lại làm mâm cơm mang ra sát biển cúng vọng cho con trai.
Năm 2013, ông cùng con trai Hoàng Văn Vũ sửa soạn làm mâm cúng lớn cho các liệt sĩ cùng hy sinh với con trai mình tại trận chiến Gạc Ma. Mâm cỗ cúng được đặt quay về hướng biển Đông để tưởng con trai và nhiều đồng đội còn nằm lại.
Tướng Lê Mã Lương: ‘Không đưa sự kiện Gạc Ma vào sách giáo khoa là có lỗi với đồng bào’
Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định, nếu không nói rõ về sự kiện Trung Quốc tấn công, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma ... |
Lá thư cuối cùng của Đảo phó Gạc Ma
Ngày 8/3/1998, sau khi bão tan, tại Cam Ranh, thiếu úy Trần Văn Phương tiếp tục viết lá thư gửi về cho gia đình, không ... |
30 năm hải chiến Gạc Ma: Tim vẫn còn đau nhói!
Đã 30 năm trôi qua nhưng hình ảnh 64 đồng đội hy sinh trong trận hải chiến năm ấy vẫn khắc sâu trong tâm khảm, ... |
Ngày đăng: 09:23 | 15/03/2018
/ https://vtc.vn