Với tốc độ bùng phát dịch Covid-19 hiện tại ở Brazil, nước này rất có thể trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi đại dịch Covid-19.
Theo số liệu của Bộ Y tế Brazil, chỉ riêng trong ngày 19/6, Brazil ghi nhận thêm hơn 55.000 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên hơn 1 triệu ca. Đây là ngày có số ca mắc mới kỷ lục ở Brazil kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia này hồi cuối tháng 2.
Trong ngày hôm qua, Brazil cũng ghi nhận thêm 1.200 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết tại đây lên hơn 49.000 người.
Brazil là tâm dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ - nơi có gần 2,3 triệu ca mắc bệnh, trong đó hơn 120.000 người đã tử vong. Dịch Covid-19 có xu hướng bùng phát mạnh tại Brazil và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Mặc dù vậy, các thành phố lớn tại đây đã bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế, mở cửa kinh tế trở lại.
Nhiều chuyên gia tin rằng, số người mắc Covid-19 ở Brazil có thể vượt Mỹ và Brazil sẽ sớm trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi Covid-19. Bất chấp điều này, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp tục coi nhẹ mối đe dọa từ đại dịch, phớt lờ những cảnh báo từ giới y tế, cáo buộc phe đối lập đang vin vào Covid-19 để hạ bệ ông. Ông Bolsonaro cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội và cách ly ở các thành phố lớn sẽ khiến Brazil tổn thất nhiều hơn, có thể đẩy nước này vào một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Những bất đồng trong chính sách ứng phó đại dịch khiến Brazil liên tục phải thay bộ trưởng y tế. Điều này dẫn đến việc, cuối cùng Tổng thống Bolsonaro bổ nhiệm ông Eduardo Pazuello, một tướng quân đội không hề có chuyên ngành y tế, làm quyền Bộ trưởng Y tế. Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, ông Eduardo tiến hành thay hàng loạt những vị trí nhân sự chủ chốt của bộ này bằng các sĩ quan quân đội. Ít nhất 9 người được bổ nhiệm trong vài tuần đầu tiên khi ông Eduardo nhận nhiệm sở.
Nhiều chuyên gia y tế tin Brazil có thể vượt qua Mỹ, thành quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất toàn cầu do dịch Covid-19. Lý do là bởi số ca nhiễm gần đây của Brazil tăng chóng mặt, trong khi nhiều vùng của nước này đã dỡ bỏ ‘giãn cách xã hội’ và tái mở cửa kinh tế.
Trong khi đó, nước Mỹ trong 24 giờ qua có thêm 31.500 ca nhiễm và gần 550 trường hợp tử vong, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng do dịch bệnh lên lần lượt 2,32 triệu và gần 122.000.
Tạp chí Scientificamerican dẫn nhận định của nhiều chuyên gia y tế nói rằng, dù mùa hè có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại Mỹ, nhưng vẫn chưa đủ. Nhiều bang hiện đã dỡ bỏ các biện pháp ‘giãn cách xã hội’, dù ở một số nơi tỷ lệ người bệnh vẫn tăng cao. Người dân cũng đã quay lại những thói quen trước đây, nên sẽ khiến Covid-19 hoành hành mạnh hơn.
Tại Trung Quốc, Reuters dẫn lời quan chức Bắc Kinh Zhang Qiang cho biết, tính tới sáng 20/6 chính quyền thành phố đã tiến hành 2,3 triệu lượt xét nghiệm. Người dân tại hơn 40 khu dân cư đã được yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Các cơ quan chức năng Bắc Kinh yêu cầu các tập đoàn vận chuyển thực phẩm trong thành phố xét nghiệm toàn bộ nhân viên để ngăn chặn nguy cơ virus Sars-CoV-2 lây lan.
Ấn Độ trong ngày 20/6 đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay, với gần 16.000 trường hợp, nâng tổng số người mắc bệnh lên hơn 411.700.
Một số chuyên gia y tế lo ngại, số ca Covid-19 tại Ấn Độ thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi nước này dỡ bỏ ‘giãn cách xã hội’. Tác động của dịch bệnh sẽ khiến nhiều ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất thuốc sẽ tiếp tục bị đình trệ.
PV (th)
Trùng hợp giữa ổ dịch Bắc Kinh và Vũ Hán tiết lộ bí ẩn về Covid-19? |
5 tỉnh thành ở Trung Quốc có ca Covid-19 liên quan đến ổ dịch Bắc Kinh |
Hướng mới giải mã bí ẩn dịch COVID-19 bùng ở Bắc Kinh |
Ngày đăng: 10:08 | 21/06/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống