Thông tin về chương trình thi đấu dự kiến của Olympic 2028 tại Mỹ không có môn boxing khiến boxing Việt Nam đứng trước nỗi lo có thể mất nhịp phát triển của mình.

Hạn từ… trên trời

Từ nhiều tháng qua, đã xuất hiện thông tin boxing có thể bị loại khỏi Olympic Los Angeles 2028 lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ. Việc này xuất phát từ những tranh chấp liên tục giữa Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Hiệp hội Quyền Anh quốc tế (IBA). Gần đây, IOC đã rút lại sự công nhận đối với IBA, không công nhận kết quả tuyển chọn VĐV tham dự Olympic 2024 do IBA tổ chức và tự tổ chức các sự kiện boxing tại Olympic 2024…

boxing n%3f.jpg -0
HLV Nguyễn Như Cường (giữa) và 2 võ sĩ boxing nữ Việt Nam tham dự Olympic 2024.

Ngay trong việc không công nhận kết quả tuyển chọn VĐV tham dự Olympic 2024 do IBA tổ chức cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến boxing Việt Nam. Hồi đầu năm 2023, võ sĩ Nguyễn Thị Tâm từng giành HCB tại hạng 50kg ở Giải vô địch thế giới do IBA tổ chức. Nếu không xảy ra mâu thuẫn giữa IOC và IBA thì Nguyễn Thị Tâm đã giành vé tham dự Olympic 2024. Nhưng sau quyết định của IOC đối với IBA, Nguyễn Thị Tâm phải bắt đầu lại hành trình tranh vé tham dự  Olympic 2024 của mình. Và cuối cùng, Nguyễn Thị Tâm không thể hoàn thành giấc mơ lần thứ hai liên tiếp góp mặt ở Olympic. Cũng có nhiều lý do liên quan đến kết quả này trong đó chủ yếu là lý do chuyên môn khi cô gái này không thể hồi phục 100% phong độ sau chấn thương ở SEA Games 32. Và một phần khác cũng là chuyện hên – xui liên quan đến những mâu thuẫn giữa IOC và IBA.

Đương nhiên, hành trình săn vé dự Olympic 2024 của boxing Việt Nam vẫn được đánh giá là có kết cục có hậu. Với việc Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh cùng giành vé, boxing Việt Nam cũng có lần thứ hai liên tiếp có 2 VĐV giành vé trực tiếp tham dự Olympic.

Boxing đã xuất hiện lần đầu tiên tại Olympic 1904 và từ đó đến nay, chỉ vắng mặt một lần trong chương trình thi đấu ở Olympic (năm 2012). Thậm chí, sự phát triển của boxing ở sân chơi Olympic còn được đánh dấu tại Olympic 2012 ở Anh khi lần đầu tiên boxing nữ có tên trong chương trình thi đấu.

Với việc boxing nữ có tên trong chương trình thi đấu ở Olympic, boxing Việt Nam đã sớm nhìn thấy cơ hội góp mặt ở sân chơi này bằng vé trực tiếp. Điều đó đã khiến nhiều đơn vị ở Việt Nam đầu tư mạnh tay cho boxing nữ và cũng nhờ đó ở 2 kỳ Olympic gần đây, boxing Việt Nam đều có VĐV nữ tham dự. Tuy vậy, nếu đúng là Olympic 2028 không có boxing trong chương trình thi đấu thì thực sự, boxing Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh trớ trêu, như nhiều người gọi là “hạn từ trên trời rơi xuống”.

Thích nghi với nhiều phương án

Hiện tại, lãnh đạo Cục TDTT cũng như bộ môn boxing của Cục TDTT cũng đã nắm bắt được thông tin về việc boxing không có tên trong chương trình thi đấu dự kiến của Olympic 2028. Phía Liên đoàn boxing châu Á cũng đã gửi văn bản tới Liên đoàn boxing các quốc gia thành viên để khẳng định sẽ cùng các thành viên khác vận động, thuyết phục Ban tổ chức Olympic 2028 xem xét đưa boxing vào danh sách chính thức.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi các tay đấm châu Á đã giành tới hơn một nửa tổng số HCV tại Olympic 2024 vừa qua. Dù vậy, những người làm chuyên môn cũng nhìn nhận rằng sẽ khó thay đổi được chương trình dự kiến dù các Liên đoàn boxing ở các châu lục sẽ nỗ lực để duy trì sự hiện diện của boxing ở sân chơi Olympic trước khi có quyết định cuối từ IOC vào năm 2025. Tất nhiên, khi quyết định cuối cùng chưa được đưa ra thì những người có trách nhiệm với boxing trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn làm hết mình để đạt mục tiêu.

Dù vậy, ngay lúc này, với riêng những nhà quản lý của môn boxing ở Việt Nam, đây cũng là bài toán khó. Bởi rõ ràng, boxing luôn ở nhóm đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam cũng vì trong chương trình thi đấu của Olympic và nhiều khả năng góp mặt ở sân chơi này. Nếu thực sự xảy ra chuyện boxing không còn trong chương trình thi đấu của Olympic thì sự đầu tư cho môn này cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều đó có thể là việc các đơn vị ít đầu tư hơn cho boxing hoặc sẽ ưu tiên phát triển môn khác có trong chương trình thi đấu của Olympic.

Dù vậy, có một số lý do khác khiến người trong cuộc hy vọng boxing sẽ không mất đi vị thế hiện tại của mình tại Việt Nam khi đây là môn thể thao khá đại chúng từ cấp độ thế giới đến các quốc gia. Ngay tại Việt Nam, nhiều địa phương vẫn đầu tư cho boxing gần như ở mức cao nhất. Phụ trách bộ môn boxing nữ Hà Nội Nguyễn Như Cường kể, từ trước đến nay Hà Nội đã phát triển mạnh boxing, trong đó có boxing nữ và thực tế đã đóng góp VĐV giành vé dự 2 kỳ Olympic vừa qua. Cho nên, khả năng cao vẫn là ngành Thể thao Hà Nội tập trung đầu tư cho boxing kể cả khi môn này không có trong chương trình thi đấu của Olympic 2024. Tất nhiên cũng có những thiệt thòi nhất định cho VĐV Hà Nội bởi theo quy định, nếu VĐV Hà Nội vượt qua vòng loại Olympic sẽ nhận hỗ trợ tài năng tới 17 triệu đồng/tháng theo chu kỳ của Olympic là 4 năm. Nếu boxing không còn trong chương trình thi đấu của Olympic cũng đồng nghĩa VĐV mất cơ hội nhận những khoản thu nhập thực sự lớn với một VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam.

Dù vậy, sân chơi ASIAD, trước mắt là ASIAD 2026 tại Nhật Bản, vẫn có tên boxing trong chương trình thi đấu và đó là lý do để tin rằng môn thể thao này vẫn nhận được sự quan tâm đầu tư của các đơn vị.

Sân chơi ASIAD vẫn có sức hấp dẫn

Gần đây nhất, boxing Việt Nam từng giành 1 HCĐ tại ASIAD 19 tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc). Theo các nhà chuyên môn, nếu tập trung đầu tư vào con người ở hạng cân phù hợp, có sự chuẩn bị tốt, các võ sĩ boxing nữ Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại thành tích trên, thậm chí có cơ hội đổi màu huy chương tại ASIAD 20 năm 2026 tại Nhật Bản. (Minh Khuê)

https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/boxing-viet-nam-voi-noi-lo-khong-gop-mat-o-olympic-i742636/

Ngày đăng: 10:26 | 05/09/2024

Minh Hà / VTC News