Chủ đầu tư dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình vừa đề nghị tăng thời gian thu phí.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Cty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình cho hay, trong quá trình thi công nhà đầu tư gặp phải một số khó khăn do phát sinh khối lượng do xử lý sát trượt, do thỏa thuận đấu nối, chi phí tạm ngừng cấp nước với Công ty Viwasupco - đơn vị quản lý đường ống nước Sông Đà chưa hoàn thành. Ngân hàng SHB (ngân hành tài trợ vốn) tạm dừng giải ngân cho dự án với các lý do số liệu báo cáo doanh thu thực tế thấp so với phương án tài chính.
Dự án BOT Xuân Mai - Hòa Bình: Muốn tăng phí ngay khi chưa hoàn thành. Ảnh: TPO |
Trong khi đó, doanh thu thu phí trên QL 6 chỉ đạt 8 tỷ đồng/tháng, thấp hơn 3 tỷ đồng/tháng so với hợp đồng. Theo ông này, thu không đạt do doanh nghiệp không được tăng phí theo hợp đồng đã ký. Không những thế, chủ đầu tư phải giảm phí đối với một số loại phương tiện tải trọng lớn, có mức thu cao.
Ngoài ra, phát sinh miễn giảm cho các tổ chức cá nhân xung quanh trạm thu phí cũng khiến dự án “hụt thu” so với hợp đồng. Theo ông Bát, ngay cả dự báo lưu lượng xe trên tuyến lên vùng khó khăn của phía Bắc này cũng không đạt như kỳ vọng (xe con dưới 12 chỗ tăng 6%/năm như hợp đồng nhưng xe tải và xe khách cỡ lớn hầu như không biến động).
“Chúng tôi giảm các hạng mục với khoảng 300 tỷ đồng nhưng vẫn không “lại” được việc giảm thu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tăng thời gian thu phí từ 24 năm 11 tháng, lên khoảng 26 năm và một số đề nghị khác về thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng” - ông Bát nói.
Phản hồi trước kiến nghị của Cty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu nghiên cứu lại phương án tài chính này và để ngỏ thời gian thu phí.
Trả lời trên Tiền phong, ông Lưu Việt Khoa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Ban QLDA 2, Thay mặt Bộ GTVT giám sát dự án) khẳng định, sẽ hạn chế thấp nhất việc phải thay đổi phương án tài chính, để không kéo dài thời gian thu phí của dự án.
Còn ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng Ban Đầu tư các dự án công tư (Bộ GTVT) cho hay, đang chỉ đạo thực hiện theo hướng cắt giám các hạng mục và chạy lại phương án tài chính. Mục tiêu là cố gắng không thay đổi phương án tài chính, không kéo dài thời gian thu phí.
Tự mở cao tốc ngoài quy hoạch
Thời gian quan, vấn đề đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT có rất nhiều sai phạm đã được các cơ quan chức năng chỉ ra.
Ngoài những vấn đề nổi cộm như chậm tiến độ, đội vốn thì các dự án BOT còn vướng nhiều vấn đề về tính sai suất đầu tư, thu phí sai...
Trong công điện hoả tốc gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ KHĐT kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT giải trình, làm rõ quy mô dự án đầu tư hoàn chỉnh quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên theo hình thức BOT.
Đây là lần thứ 3, Bộ KHĐT yêu cầu Bộ GTVT giải trình liên quan tới các vấn đề đầu tư BOT.
Cụ thể tại dự án Hà Nội - Thái Nguyên, năm 2016 Bộ GTVT đề xuất chiều dài đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn là 30km, nhưng năm 2017 trong văn bản mới lại đề xuất chiều dài cao tốc trên là 40km.
"Riêng đoạn từ Khu công nghiệp Thanh Bình (thuộc huyện Chợ Mới) - đến TP Bắc Kạn dài khoảng 40km chưa có trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam", văn bản Bộ KH-ĐT nói rõ.
Vì thế, Bộ KHĐT yêu cầu Bộ GTVT làm rõ chiều dài đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn để tính toán đầu tư. Ngoài ra, hiện Bộ GTVT chưa có phương án tài chính cụ thể đối với dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên như mức phí, lộ trình tăng phí, dự kiến thời gian hoàn vốn...
Trước đó, hàng loạt các dự án khác cũng bị tố khai khống tổng mức đầu tư, đẩy thời gian thu phí. Đó là dự án BOT Quốc lộ 1 qua Khánh Hoà lập dự toán “vống” gần 1.300 tỷ đồng. Hay với 2 dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và Hà Nội - Bắc Giang, Bộ KH-ĐT cũng cho rằng tổng mức đầu tư đã được khai tăng thêm để kéo dài thời gian thu phí.
Vào hồi tháng 5/2017, Kiểm toán nhà nước cũng công bố kết quả kiểm toán đối với 27 dự án BOT và yêu cầu Bộ GTVT phải rút ngắn thời gian thu phí...
Trước yêu cầu trên, Bộ GTVT cũng phải đàm phán ký hợp đồng điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí như: Dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 21,33 năm xuống còn 10 năm 3 tháng; Dự án cầu Rạch Miễu, Quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng.
Ngày đăng: 13:46 | 04/08/2017
/ An An/baodatviet.vn