Giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA) đã trải qua gần 10 năm hình thành và phát triển. VBA từng có thời điểm tạo sự chú ý lớn, cùng cộng đồng người theo dõi nhất định. Nhưng theo thời gian, phong trào bóng rổ tại Việt Nam dần lắng xuống, cùng với đó là mức độ phổ biến của giải đấu.

Tảng băng nổi

Trong những ngày cuối tháng 8, bóng rổ Việt Nam liên tiếp nhận về những thông tin tiêu cực của VBA. Ban tổ chức giải liên tiếp phát đi thông báo về việc cấm thi đấu với một số ngoại binh tại giải. Có ít nhất 2 người bị "treo" vì đánh nhau ngay trên sân đấu, và 1 người khác nhận án cấm vì thực hiện hành vi phi thể thao.

anh2.jpg -1
Các đội bóng của VBA tiêu tốn khoảng 30-40 tỷ đồng mỗi năm.

Tại các giải bóng rổ quốc tế, việc các VĐV lao vào đánh nhau ngay trên sân đấu được xem là sự cố cực kỳ nghiêm trọng. Họ có thể phải nhận án cấm thi đấu dài hạn, vì đã khiến hình ảnh giải đấu tổn hại nghiêm trọng. Sẽ ra sao nếu có một vụ đánh nhau như vậy tại giải nhà nghề Mỹ NBA? Tuy nhiên, án phạt của Việt Nam lại rất nhẹ.

Những ngoại binh tham gia đánh nhau tại VBA chỉ phải nhận án cấm thi đấu 2 trận. Có 2 khả năng để ban tổ chức dẫn đến án phạt đó. Thứ nhất, những VĐV tham gia đánh nhau đều là ngoại binh, vốn nhận lương rất cao trong đội. Việc họ bị cấm có thể ảnh hưởng nặng hơn đến thành tích CLB. Thứ hai, sự việc đó không tạo hiệu ứng quá lớn.

Câu chuyện, nếu được lý giải theo nguyên nhân thứ nhất, là khá hợp lý. Theo thời gian, VBA ngày càng ngốn nhiều tiền. Quỹ lương trung bình 10 tỷ đồng một mùa cho mỗi đội là con số của nhiều năm trước. Thực tế, số tiền này đã tăng gấp nhiều lần. Nếu tính thêm kinh phí vận hành CLB, số tiền lên tới trên dưới 40 tỷ đồng mỗi năm.

Nguồn kinh phí vận hành lớn là một trong những nguyên nhân khiến VBA "kén" trong việc tuyển chọn các đội tham dự. Ở thời điểm huy hoàng nhất, giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 7 đội bóng. Đến đầu năm nay, một trong những CLB bạo chi nhất là Thăng Long Warriors tuyên bố tạm dừng hoạt động vì không đủ kinh phí.

Vào thời điểm Thăng Long Warriors rút lui khỏi VBA, công chúng mới nhận ra câu chuyện "kinh doanh có lãi" của bóng rổ Việt Nam vẫn còn rất xa thực tế. 2 năm giải đấu chịu ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19 đã khiến ông chủ các CLB không còn tiềm lực tài chính như trước. Tuy nhiên, kinh phí cho đội bóng lại ngày một tăng lên.

Trên thực tế, số đội bóng rút lui khỏi VBA ở đầu mùa giải năm nay có thể nhiều hơn con số 1. Bên cạnh Thăng Long Warriors, một CLB khác đã cân nhắc đến việc rút khỏi giải đấu. Họ chỉ tiếp tục tham gia cuộc chơi khi đã cân đối lại nguồn tiền, bởi ông bầu CLB này cũng tham gia vào hoạt động của nhiều môn thể thao khác.

Và tảng băng chìm

Mọi chuyện sẽ ra sao nếu "nguyên nhân thứ hai" là động lực dẫn đến chuyện "giơ cao đánh khẽ" được đề cập ở trên? Sự việc 2 ngoại binh bóng rổ đánh nhau ngay trên sân, ở giải vô địch quốc gia, đã không trở thành đề tài được bàn tán nhiều qua phương tiện truyền thông đại chúng. So với nguyên nhân thứ nhất, điều đó nghe hợp lý hơn khá nhiều.

Theo thời gian, bóng rổ và giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam không còn thu hút người xem như trước. Những khán đài chật kín khán giả, cùng giá vé lên đến hàng trăm ngàn đồng, đã là câu chuyện xưa cũ. Sóng truyền hình bóng rổ giờ được phát miễn phí trên các nền tảng mạng xã hội, cùng số lượng người xem trực tiếp hạn chế.

anh1.jpg -0
VBA ngày càng ngốn nhiều tiền của Câu lạc bộ dù lượng người xem không như trước.

Nếu quan sát một trận đấu thuộc VBA, ta sẽ thấy, không có quá nhiều khán giả đến sân. Các nhà thi đấu xuất hiện nhiều ghế trống. Bên cạnh việc nhiều trận đấu diễn ra trong ngày làm việc, giá vé cũng là nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng người hâm mộ quay lưng với bóng rổ.

Khán giả theo dõi bóng rổ là ai? Phần lớn trong số họ là học sinh, sinh viên, những người chưa kiếm được quá nhiều tiền. Với giá vé vào xem VBA cao như trước đây, họ rất khó mua vé, trong bối cảnh nguồn tiền tiêu vặt từ gia đình không còn như trước. Những chi phí như tiền nhà trọ, học phí tăng cao cũng khiến sức mua của nhóm này giảm đi.

VBA từng mất 5-6 năm để tạo thói quen cho người hâm mộ đến sân theo dõi các trận đấu. Tuy nhiên, 2 năm dịch bệnh đã khiến họ phải trở lại từ phía sau vạch xuất phát. Nhiệm vụ lúc này dành cho các nhà quản lý khó khăn hơn nhiều. Họ đã rất bận với công việc kinh doanh, và giờ phải kiêm nhiệm cả sứ mệnh với thể thao chuyên nghiệp.

Ở thời kỳ hoàng kim, các đội VBA rất chịu chi. Không ít CLB sử dụng HLV nước ngoài, cũng như liên tục chiêu mộ ngoại binh và VĐV Việt kiều về thi đấu. Điều đó giúp các đội tuyển bóng rổ Việt Nam được quan tâm đầu tư nhiều hơn, với dấu ấn là tấm HCV SEA Games. Nhưng sau mỗi thành công về mặt thành tích, chuyện "đầu tiên" lại tới.

Những gì VBA trải qua giống hệt câu chuyện của V.League 15 năm trước. Đó là thời điểm bóng đá Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup. Hàng loạt đại gia nhảy vào cuộc chơi làm bóng đá, sẵn sàng chi tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm nuôi CLB. Khi cơn bão kim tiền đi qua, điều họ để lại là một cuộc tái thiết từ con số không.

Xét về bản chất, bóng rổ chuyên nghiệp tại Việt Nam chưa làm tốt hơn bóng đá trong câu chuyện kinh tế. Các CLB vẫn chưa thể tự độc lập về mặt tài chính, và còn phải sống dựa khá nhiều vào nguồn tiền của ông bầu. Đó cũng là điều được doanh nhân Đoàn Nguyên Đức nói về một ông bầu bóng rổ, khi khẳng định người này mới chỉ "kinh doanh nhỏ".

Mất nhỏ và mất lớn

Tương tự bóng đá, bóng rổ Việt Nam chứng kiến nguồn tiền đổ vào đầu tư từ các doanh nhân. Họ đều là người sành sỏi trên thương trường trong và ngoài nước. Do đó, tất cả đều thấm nhuần tư tưởng về cái "mất" lớn nhất trong kinh doanh. Đó không phải doanh thu hay lợi nhuận, mà chính là thị phần. Với bóng rổ, thị phần chính là người theo dõi.

"Tiền và lợi nhuận mất đi có thể lấy lại được, nhưng thị phần mất đi thì rất khó giành lại". Đó là câu nói được một doanh nhân lão làng trên thị trường sản xuất hàng công nghiệp Việt Nam khẳng định. Nếu điều đó hoàn toàn đúng với bóng rổ, chúng ta hãy thử tính toán xem môn thể thao này đã mất thị phần như thế nào.

anh3.jpg -2
VBA đã có công trong việc đưa nhiều vận động viên Việt kiều hồi hương.

Trang cộng đồng của VBA hiện có khoảng 750.000 người thích và theo dõi. Tuy nhiên, số lượng độc giả thực sự quan tâm đến VBA không còn nhiều nữa. Một trận đấu của Saigon Heat, đội bóng mạnh nhất và nổi tiếng nhất tại VBA, chỉ thu hút khoảng 13.000 lượt xem trong 24 giờ. Những video đáng chú ý nhất cũng chỉ có 30.000 lượt xem.

Về mặt lý thuyết, trong bối cảnh kinh tế khởi sắc, VBA có thể trở lại thời hoàng kim như trước đây. Tuy nhiên, liệu các ông bầu có sẵn sàng chi nhiều tiền như trước nữa hay không? Câu trả lời nhiều khả năng là không, vì họ phải tính toán căn cơ hơn rất nhiều cho từng đồng chi ra. Vấn đề này càng quan trọng nếu VBA nhìn lại quá khứ.

Bên cạnh đó, ta cần nhìn lại một cách nghiêm túc về khẩu vị theo dõi bóng rổ và thể thao nói chung của khán giả Việt Nam. Bóng rổ đã xuất hiện tại Việt Nam khá lâu, nhưng không thể thu hút nhiều người chơi như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông. Đâu là nguyên nhân đứng sau hiện tượng này, và cần có phương án giải quyết như thế nào?

Những người làm bóng rổ tại Việt Nam xứng đáng được ghi nhận vì đã bỏ tiền nâng tầm sân chơi một môn thể thao. Bóng rổ trước đây vốn chỉ nằm trong hệ thống thi đấu thành tích cao 1 năm 3 giải, nhưng giờ đã xuất hiện rất nhiều sân chơi. Nhưng trước khi phát triển bóng rổ lên một tầm cao mới, môn thể thao này cần tồn tại, vượt qua tài chính eo hẹp và lượng người hâm mộ giảm sút.

 

Hé lộ mô hình kiếm tiền của thể thao chuyên nghiệp

Trên phạm vi quốc tế, kinh doanh thể thao là một ngành học được đưa vào các trường kinh tế. Không ít nhà quản lý thể thao xuất sắc chưa từng thi đấu chuyên nghiệp. Thay vào đó, họ trau dồi kinh nghiệm từ khoảng thời gian học kiến thức, đồng thời tiếp xúc trực tiếp với từng CLB, từng tổ chức thể thao để hiểu về mô hình vận hành.

Công thức chung trong mô hình kiếm tiền của một đội thể thao chuyên nghiệp là xây dựng cộng đồng. Đó chính là hội cổ động viên, nơi tập hợp những người có chung sở thích, đồng thời sẵn sàng chi tiền để sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của CLB đó. Trong ví dụ về một CLB bóng đá, sản phẩm ở đây là áo đấu, cũng như vé vào xem từng trận.

Sir Alex Ferguson được công nhận là nhà quản lý có đẳng cấp cao nhất trong bóng đá, vì ông không chỉ làm công tác chuyên môn. Đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Sir Alex từng tán thành kế hoạch nâng cấp sân Old Trafford thay vì xây một sân bóng mới. Điều đó giúp Man Utd có nhiều khán giả đến theo dõi hơn, doanh thu bán vé cũng tăng lên.

Di sản Sir Alex để lại cho Man Utd là một trong những thương hiệu bóng đá hàng đầu thế giới. Đội bóng này vẫn gặp khó khăn trên hành trình tìm lại ánh hào quang, nhưng từ góc độ tài chính, họ luôn là cỗ máy kiếm tiền. Doanh thu bán vé của CLB vẫn ổn định với tỷ lệ khán giả phủ kín sân bóng mỗi trận đấu lên tới 98-99%, gần như tuyệt đối.

https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/bong-ro-nuoc-nha-vi-dau-nen-noi--i742557/

 

 

Ngày đăng: 13:29 | 05/09/2024

Đơn Ca / antg.cand.com.vn