Dù dành cả đời cho công tác khoa học, GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2016 vẫn luôn tươi trẻ, khỏe khoắn nhờ ngọn lửa nghề cháy trong tim
GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng là giảng viên Bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM. Bà đã chủ trì và tham gia 11 đề tài các cấp, công bố 144 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hóa, xuất bản 7 sách giáo trình đại học và sau ĐH. Bà nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, Huân chương Lao động hạng ba năm 2011. Năm 2016, bà là cá nhân duy nhất nhận giải thưởng Kovalevskaia.
Hậu phương cho các nhà khoa học trẻ
Làm nghiên cứu khoa học hơn 40 năm nhưng luôn tươi vui, khỏe khoắn nên GS Phi Phụng được học trò đặt biệt danh "chị Hai xì-tin". Bà cho biết sở dĩ có được điều đó là do trái tim bà luôn yêu nghề, yêu người. Và vì tính chất công việc luôn giao tiếp với sinh viên - những người trẻ thông minh, năng động, trình độ trí thức cao, đang hăm hở bước vào đời, khiến bà cũng luôn phải cố gắng nâng tầm kiến thức.
Bà chia sẻ rằng "trong khả năng hạn hẹp của mình", thông qua quen biết cá nhân với nhiều giáo sư ở các ĐH nước ngoài, cộng với các bài báo mà sinh viên có được, bà giúp sinh viên, học viên cao học đạt học bổng để du học nước ngoài ở bậc tiến sĩ hoặc thực tập vài tháng trong các phòng thí nghiệm ở ĐH các nước. "Những việc này khiến tôi hạnh phúc vì đã đóng góp một phần nhỏ cho sự phát triển chung của xã hội" - bà nói.
GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng bên các học trò
Bà tâm sự tuy sinh năm 1955 nhưng do học hàm GS nên hiện đang lưu hưu tới tròn 65 tuổi. Vì vẫn là một giảng viên của nhà trường nên GS Phi Phụng vẫn hoàn thành tốt các phần công việc giảng dạy do trường phân công. Thời gian gần đây, bà chủ động lui về phía sau để làm hậu phương vững chắc cho các giảng viên trẻ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và hỗ trợ các tiến sĩ trẻ do bà hướng dẫn luận án tiến sĩ ngày trước, hiện là giảng viên của các trường ĐH tại TP HCM hoặc các tỉnh, thành khác.
Trong số các tiến sĩ bà hướng dẫn, có một người đã đạt chức danh phó giáo sư và đây là động lực để những trò khác nỗ lực phấn đấu. Hiện bà đã tích lũy đủ tài liệu để khi về hưu có thể viết 4 cuốn giáo trình phục vụ giảng dạy. "Tôi muốn là tấm gương truyền động lực cho học trò, để các em thấy rằng cô ấy lớn tuổi hơn mình vẫn còn miệt mài, nên mình phải cố gắng nhiều hơn nữa" - GS Phi Phụng kể.
Tài sản là công trình nghiên cứu và học trò
GS Phi Phụng chia sẻ cuộc đời bà có 2 tài sản quý giá nhất: Những bài báo nghiên cứu và học trò. Khi được hỏi "vậy gia đình nằm ở vị trí nào", GS cho biết bà cố gắng cân bằng giữa 2 yếu tố. "Với con gái và học trò, tôi đều thương yêu chân thật, không ngại bỏ thời gian, công sức để góp ý, hỗ trợ" - bà chia sẻ.
Hiện nay, 2 con gái của bà đều chơi thân với các học trò của bà. Cũng có lúc các con từng thốt lời phân bì vì mẹ dành nhiều thời gian cho các trò "cưng" trong công việc lẫn cuộc sống. "Tuy vậy, 2 con và các trò đều dễ thương, hiểu biết, tâm lý nên tôi rất vui khi sống trong tình thương hài hòa" - bà khoe. Đây là chuyện khoảng hơn chục năm gần đây, khi 2 con gái đã lớn, trưởng thành và có gia đình riêng. Lúc con nhỏ, bà cũng tất bật đưa đón, dạy dỗ con nên không có nhiều thời gian để phát triển mối thâm tình gắn kết giữa cô - trò như bây giờ.
Khi được hỏi có khi nào thấy mệt mỏi vì là phụ nữ, lại làm nghiên cứu ở Việt Nam, bà cho biết tuy hiện nay các nhà khoa học nữ và nam đều bình đẳng trong việc được xét duyệt để có đề tài nghiên cứu khoa học các cấp nhưng người nữ phải gánh thêm trách nhiệm nặng nề không tên: Giữ hạnh phúc gia đình, sinh nở, nuôi dạy con cái. Các phần việc trên lấy đi nhiều thời gian, năng lượng cũng như tâm trí họ. "Tuy phụ nữ ai cũng vui lòng chấp nhận thiên chức này nhưng tôi nghĩ cần có thêm một vài chiếu cố nào đó đối với nhà khoa học nữ" - bà đề xuất.
Theo GS Phi Phụng, để người nữ nghiên cứu trẻ có thể cân bằng giữa nhà trường và gia đình riêng, rất cần sự giúp đỡ của gia đình cha mẹ đôi bên, đặc biệt là người chồng. "Để được chồng thương yêu, hỗ trợ, ngoài một phần do duyên số, may mắn thì phụ nữ cần tâm lý, khéo léo, nữ tính, nhường nhịn" - GS Phi Phụng chia sẻ.
Thiếu thốn kinh phí nghiên cứu Dành cả cuộc đời dày công khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y Việt Nam, đặc biệt là các loài chưa được nghiên cứu nhằm phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của các tế bào ung thư ở người (ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường nám da, Alzheimer…) nhưng GS Phi Phụng nói rằng muốn đưa kết quả này làm thành sản phẩm cụ thể phục vụ xã hội (thuốc trị ung thư) phải qua thêm vài giai đoạn. "Tất cả các phần việc đó đều tốn công sức, kinh phí và thời gian. Bản thân tôi, các em tiến sĩ và có lẽ các nhà khoa học cùng chuyên ngành đều thấy được khó khăn này và cùng trăn trở. Chỉ việc làm sao có được chút kinh phí vài trăm triệu đồng để nghiên cứu đủ kết quả viết thành bài báo quốc tế với chỉ số trích dẫn cao đã là ước mơ chung của chúng tôi" - bà nói. GS Phi Phụng cho biết các cấp có thẩm quyền vẫn còn đắn đo chưa muốn cấp kinh phí nghiên cứu khoa học cho các tiến sĩ trẻ, vì sợ họ khó hoàn thành đề tài đúng hạn. Ngoài ra, bà nhận định dường như chỉ có Nafosted (Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia) là cơ quan có thể cấp kinh phí cho đề tài nghiên cứu cơ bản, là hướng mà các tiến sĩ nói chung và tiến sĩ trẻ nói riêng, có thể phát huy khả năng phù hợp theo chuyên ngành đã được đào tạo của mình. "Có lẽ nhà nước (Bộ Tài chính) nên xem xét nới rộng ngân sách quỹ Nafosted, tạo điều kiện tốt để các cán bộ nghiên cứu có thể tham gia nghiên cứu khoa học cơ bản, cũng là cách để các cán bộ này góp phần đào tạo lớp trẻ phục vụ đất nước sau này" - GS Phi Phụng đề xuất. |
Tỏa sáng bóng hồng Kovalevskaia: Chặn mầm bệnh từ trứng nước
Những công trình nghiên cứu về điều trị bệnh bằng liệu pháp gien của PGS-TS Trần Vân Khánh giúp rất nhiều trẻ loại bỏ bệnh ... |
Hai nữ phó giáo sư giành giải thưởng Kovalevskaia năm 2017
Bác sĩ trẻ trong lĩnh vực gen và giảng viên cao cấp Đại học Huế đạt giải thưởng có lịch sử hơn 30 năm dành ... |
Từng trầm cảm muốn tự tử, nữ sinh Việt đỗ thủ khoa tại Mỹ
Thuyết phục giáo sư Mỹ bằng đề tài nghiên cứu Toán học mà kiến thức không thuộc sách giáo khoa, Thảo Uyên chứng minh rằng ... |
Nỗ lực phi thường của \'nữ giám đốc 88cm\' nhận giải Kovalevskaia
Dù chỉ cao 88cm nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hiền (ngụ tại phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa) đã nghị lực vượt qua khó khăn, vượt lên ... |
Ngày đăng: 08:49 | 08/03/2018
/ https://nld.com.vn