Trên con đường mòn đầy cát ở Al-Shahaniya, phía Tây Doha, hàng chục người đàn ông mặc áo choàng trắng hò hét. Họ chơi môn thể thao đua xe mô hình, điều khiển bằng tay cầm gắn pin. Mỗi khi có chiếc xe nào vượt lên đối thủ, chủ phương tiện điều khiển bất giác hét lên “Messi, Messi”.
Mất vài phút quan sát, tôi mới hiểu “Messi” là biệt hiệu được đặt cho người chiến thắng. Ngôi sao người Argentina có thể là mối liên hệ thực duy nhất giữa Qatar và bóng đá. Ở quốc gia mà hầu như toàn bộ lãnh thổ được bao phủ bởi đồng bằng sa mạc, nơi điền kinh, đua ngựa và nuôi chim ưng mới là thể thao được dân chúng ưa chuộng, bóng đá không có nhiều chỗ đứng, dù bóng đá đã đem World Cup về Trung Đông lần đầu tiên trong lịch sử 92 năm của khu vực này.
Đi tìm định danh nền bóng đá
Qatar là đương kim vô địch châu Á khi thắng Nhật Bản 3-1 trong trận chung kết 2019. Sau này, có hẳn một công trình kiến trúc được dựng lên nhằm tôn vinh chiến công ấy của bóng đá Qatar. Dấu tích đầu tiên của bóng đá tại Qatar là đây, và trung tâm nghệ thuật Souk Waqif - nơi trưng bày tác phẩm - là nơi được tìm đến.
Souk Waqif, cách trung tâm Doha 20 phút đi xe, là khu chợ tiểu thương Hồi giáo đặc trưng hiếm hoi còn sót lại. Người nhập cư chiếm 90% trong tổng số 2,9 triệu dân tại Qatar và 80% dân số sống tại Doha.
Nếu muốn tìm hiểu về cuộc sống thực tế của “dân bản địa, dân gốc gác”, Soik Waqif là lựa chọn lý tưởng. Nhưng nếu tò mò về bóng đá, về ý niệm của người Qatar với môn thể thao này, bạn có lẽ đã tìm sai địa chỉ. Mà thực ra, cũng chẳng còn địa chỉ nào khả dĩ hơn. Ngoài bức tượng đồng khắc lại hình ảnh chiếc cúp vô địch châu Á, quá khó để tìm thêm những chỉ dẫn tiếp theo liên quan tới môn túc cầu làm điên đảo khắp thế giới.
Khashi, 19 tuổi, lắc đầu nguây nguẩy khi được hỏi về bóng đá. “Ôi, đừng nói với tôi về môn đó. Tôi không biết gì về bóng đá cả”. Câu trả lời tuy phát ra với giọng điệu chẳng mấy thoải mái nhưng thật thà. Ellah-Addine, 47 tuổi, tài xế đồng hành cùng tôi trên hành trình này bấy giờ mới lên tiếng: “Ở đây, 90% dân số không thích bóng đá. Ở Ai Cập, tỷ lệ này tương tự nhưng nội dung ngược lại”. “Vì lịch sử của Qatar không tồn tại bóng đá”, một người Algeria đứng gần chen vào cuộc hội thoại.
Sự tò mò hiếm hoi của đám đông về bóng đá ở Qatar là sự kiện công bố quốc gia này giành quyền đăng cai World Cup 12 năm trước và khoảnh khắc Quỹ đầu tư Qatar đầu tư vào câu lạc bộ PSG ở Pháp. Qatar đã tiêu tốn 200 tỉ USD chuẩn bị cho World Cup với 7 sân vận động (SVĐ) được xây mới hoàn toàn nhưng tình yêu bóng đá, vốn thuộc phạm trù lịch sử và văn hóa, là thứ không mua được bằng tiền.
Có một thống kê gây ngạc nhiên “phụ họa” cho sự “không yêu bóng đá” của người Qatar: Trên cả nước có vỏn vẹn 1 quán cafe phục vụ xem bóng đá, và chủ của quán cafe rue Al-Abbas là người… Tunisia, tên Mohamed Heni Bani, 30 tuổi. Thực tế, quán cafe này vẫn trong quá trình hoàn thiện và chưa khai trương tầng 2. Mở quán cafe xem bóng đá không đơn giản, chưa kể vấn đề chi phí tại Qatar. Heni Bani phải trả 1.000 USD/tháng cho Đài Truyền hình Bein Sport để được phát sóng Ligue 1 (giải Vô địch quốc gia Pháp), và quan trọng nhất là khoản đầu tư ấy liệu có đáng hay không? “Tôi mở quán để phục vụ các chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây”, Heni Bani chia sẻ.
Cuộc truy tìm định danh nền bóng đá ở Qatar chưa dừng lại. Tài liệu hướng dẫn tham quan Qatar do FIFA biên soạn đưa tôi tới 3-2-1, bảo tàng Olympic lớn thứ hai thế giới được đặt cạnh trung tâm huấn luyện Aspire – nơi khai sinh ra đội tuyển quốc gia Qatar tại World Cup 2022. Vấn đề ở chỗ: Các kỷ vật lưu trữ trong bảo tàng đều là những “món hàng nhân tạo”. Chúng được đấu giá, chẳng hạn như quả bóng của trận đấu đầu tiên trên thế giới hay áo đấu, găng tay của các cựu danh thủ và kết quả là: Qatar lại trả tiền cao nhất để sở hữu. Đến bảo tàng, cũng là bảo tàng nhân tạo.
Phía sau bức màn nhung
Người Qatar không yêu bóng đá, nhưng quốc gia của họ quyết tâm làm bóng đá. Nhưng tiền chỉ là một yếu tố thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Qatar. Là một quốc gia nhập cư, Qatar cũng sử dụng lực lượng lao động nhập cư phục vụ cho các công trình World Cup. 32 khu công nghiệp đã được chuyển đổi công năng thành các “làng trọ công nhân”. Gần 700.000 lao động đã di cư vào Qatar trong 3 năm qua để xây dựng 7 sân bóng, phần lớn từ Nam Á với mong muốn duy nhất, là tranh thủ “kiếm cơm”. Tất nhiên, cuộc sống chưa bao giờ là màu hồng.
Al Sulaiteen là một liên hợp Nông – Công nghiệp nằm ở rìa sa mạc, cách sân bóng trị giá 1 tỷ USD Al Bayt (nơi diễn ra trận khai mạc World Cup 2022) 40 phút đi xe. Hơn 2 năm qua, đây là nơi trở về mỗi tối của 3.000 công nhân từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Nam Sudan. 3.000 con người này là những nghệ nhân thực hiện công trình 1 tỷ USD kia, khi biến khu đất trơ trọi giữa sa mạc thành sân bóng có hệ thống điều hòa hiện đại nhất hành tinh.
Nhiệm vụ của những công nhân không đơn thuần là đưa điều hòa nhiệt độ chạy bằng điện vào vận hành xung quanh sân bóng 60.000 khán giả có tạo hình chiếc lều du mục. Cái khó của họ là phải dựng lên một công viên điều hòa đặt ngay trước đường dẫn vào cổng chính sân Al Bayt, và họ đã làm được.
Gọi cho đúng, đó là một tổ hợp làm mát bằng năng lượng tự nhiên. Những bãi cỏ được cắt tỉa tự động với hệ thống vòi phun tự động. Hồ nhân tạo đặt rải rác dọc suốt công viên. Kết nối công viên và cổng vào sân bóng là một con đường uốn lượn thoai thoải dốc có tạo hình cột cờ khiến những ai mới tới Al Bayt lầm tưởng, đây là sân golf cao cấp.
Tuy nhiên, những người đàn ông làm việc trong điều kiện nóng ẩm ngày qua ngày, chăm chút cắt gọt từng ngọn cỏ dại ấy lại sinh sống trong điều kiện tương phản hoàn toàn. Đừng nghĩ về tiện ích tối thiểu, vì đó là sự xa xỉ. Cũng chẳng có bất kỳ chút hương vị nào của những khu chợ dân sinh dễ bắt gặp ở Souk Waqif. Al Sulaiteen được bao bọc bởi… bãi tập kết rác thải công nghiệp. Những cabin nhỏ, với diện tích chưa được 8m2 xếp sát sàn sạt trên con đường vây quanh là dãy nhà kính khổng lồ - đó là nơi ở của người lao động.
3.000 công nhân cùng nhau sinh hoạt tại đây. Gọi là sinh hoạt, hoạt động thực tế của họ đơn thuần là tìm chỗ ngả lưng. Từ 5 tới 6 người chia nhau một cabin, với vật dụng duy nhất kê vừa là 2 chiếc giường tầng. Dưới gầm là bàn chải, nồi niêu bát đũa. Quần áo được treo trên các dây thép giăng ngang giữa hai đầu thành giường. Khi trời xẩm tối, tất cả sẽ leo lên xe buýt do nhà thầu bố trí và trên xe, từng người được phát một hộp cơm. Sau một ngày mệt nhoài, chẳng ai còn thời gian suy nghĩ về ngày mai. Họ vội vàng tắm rửa, tán gẫu vài câu và cố gắng ngủ thật sớm.
7h sáng mới là giờ tập trung ra xe đi làm nhưng mọi người đều dậy từ 5h vì… quá nóng. Thực tế, ai cũng mong được tới công trường vì ở đây, họ được dùng nước sạch thoải mái mà không bị kiểm soát trong lúc… tưới cây.
Không có gì ngạc nhiên với cảnh tượng này, vì thực trạng ở Qatar là vậy. Mỗi công nhân phục vụ các công trình World Cup có mức lương trung bình khoảng 290 USD, ít ỏi nhưng nhiều hơn những gì nhận được tại Nam Á. “Ở Ấn Độ nơi tôi sống, lương công nhân chỉ khoảng 100 USD. Ở đây không mất tiền ăn ở, và toàn bộ tiền lương tôi đều gửi về nhà”, Manoj Vijay – tới từ Jamtara, Ấn Độ chia sẻ.
Gần 3 tỷ lượt xem truyền hình và 60.000 khán giả, quan chức, người nổi tiếng trực tiếp dự khán lễ khai mạc World Cup 2022 hoành tráng. Nhưng ngoài sân Al Bayt, 2,9 triệu người sinh sống và làm việc ở Qatar có thể không nghĩ nhiều tới bóng đá. Hoặc là họ không thích, hoặc là họ còn nhiều thứ phải lo, hơn là nghĩ về môn thể thao vua.
Qatar, đội bóng nhập cư đúng nghĩa
Đội tuyển quốc gia Qatar tham dự World Cup 2022 thực chất là kết quả đầu ra của học viện Aspire, học viện được thành lập từ năm 2004 với tham vọng định vị lại định danh của bóng đá Qatar. 21/26 cầu thủ Qatar dự World Cup 2022 trưởng thành từ Aspire và toàn bộ 21 người này đều làm việc với HLV trưởng Felix Sanchez từ khi mới gia nhập Aspire.
Thành phần các tuyển thủ Qatar có chung một đặc tính, khi phần lớn gương mặt là người nhập cư. Thị trường nhập cư cầu thủ bóng đá của Qatar chủ yếu tới từ Yemen, Iraq, Nam Sudan, Mali và Senegal. Chỉ 6 người được tính là jus sanguinis – tức là những công dân bản địa có cả bố và mẹ đều là người Qatar, sinh ra ở Qatar. 20 người còn lại hoặc là có trong mình nửa dòng máu Qatar, hoặc là công dân nhập tịch từ các quốc gia khác.
Chẳng hạn như trường hợp của tiền đạo Akram Arif, vốn là con của hai vợ chồng Yemen làm việc tại Doha. Nhưng bố anh này lại là sinh ra ở… Tanzania, còn mẹ sinh ra ở Nam Phi. Trong khi đó, đối tác ăn ý của Arif trên hàng công – Almoez Ali – lại là người Sudan.
https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/bong-da-la-gi-o-qatar--i675267/
Ngày đăng: 08:41 | 24/11/2022
An Khánh / cand.com.vn