Đại hội Đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII (2021-2025) diễn ra vào cuối tuần qua đã chính thức ra mắt một bộ máy mới với cả người cũ và người mới. Đặc biệt làn gió mới từ những con người mới của Liên đoàn được kỳ vọng sẽ đưa bóng chuyền Việt Nam đến những cột mốc mới.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Đại hội Đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII được tổ chức muộn hơn 1 năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cũng một phần vì Liên đoàn phải tìm người cầm lái sau khi chính Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ VI đã đảm nhiệm thêm vai trò Phó Chủ tịch phụ trách tài chính – vận động tài trợ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Đấy cũng là điều khiến người ta thấy trăn trở và để thấy rõ hơn vai trò của bóng chuyền trong làng thể thao.

Rõ ràng, môn thể thao từng được xem là số 2 này này trong làng thể thao Việt Nam không còn giữ được vị thế như cách đây khoảng chục năm trước. Cho nên mới có chuyện vị trí Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ vừa rồi cũng không còn là ưu tiên số 1 của người trong cuộc.

Đương nhiên, hoạt động của Liên đoàn thời gian qua cũng ảnh hưởng đáng kể. Những khó khăn khách quan cũng đã được chỉ ra như việc nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực, trong đó có thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng. Công tác tiếp thị và vận động tài trợ vốn là một trong những mảng việc quan trọng nhất của Liên đoàn bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng trong năm 2020, nguồn thu của Liên đoàn chỉ đạt trên 4,6 tỉ đồng, và năm 2021 tính đến hết tháng 10 là 3,1 tỉ đồng.

Bóng chuyền hy vọng vào làn gió mới -0

Các giải đấu bóng chuyền quốc gia được kỳ vọng sẽ thêm hấp dẫn với những điều chỉnh của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.

Nhưng ở một khía cạnh khác, khi chính những người đứng đầu còn phải lo thêm việc ở Liên đoàn khác thì khó có thể đẩy con số vận động tài trợ nhiều hơn những con số trên. Thực tế, bóng chuyền vẫn luôn có sức hút và luôn có người muốn đóng góp nhiều hơn cho bóng chuyền Việt Nam. Rõ nhất là ngay tại Đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII, ông bầu Đào Hữu Huyền của đội Hóa chất Đức Giang Hà Nội đã tự ứng cử vào Ban Chấp hành Liên đoàn sau khi thông báo tài trợ 1 tỷ đồng giải thưởng cho Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2021 và có thể là các giải trẻ. Ông Huyền không được mời tham gia Ban Chấp hành Liên đoàn nên tự ứng cử và cuối cùng ông trúng cử vào Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII. Chỉ riêng ví dụ này cho thấy ngay trong địa hạt những người làm bóng chuyền, những người có trách nhiệm cũng chưa khai thác hết nguồn lực con người, tài trợ.

Hệ thống pháp lý của Liên đoàn, rõ nhất là trong quy chế về chuyển nhượng vẫn bộc lộ hạn chế đã dẫn đến những câu chuyện không hay, ảnh hưởng đến hình ảnh bóng chuyền Việt Nam. Gần đây nhất là câu chuyện chuyển nhượng liên quan đến HLV Phạm Kim Huệ cùng một số học trò với đội bóng nữ mới nổi Vĩnh Phúc. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vào cuộc nhưng rồi mọi chuyện chẳng đến đâu. Và điều đó cũng ảnh hưởng đến công tác vận động tài trợ, để bảo đảm một nguồn lực ổn định nhằm giúp bóng chuyền Việt Nam thực hiện những mục tiêu lớn hơn.

Ngay ở nhiều câu lạc bộ, việc vận động tài trợ cũng luôn là bài toán khó dẫn đến việc duy trì hoạt động luôn khó khăn. Như tại câu lạc bộ bóng chuyền nam Hà Nội từ 2-3 năm nay vẫn luôn chật vật tìm nhà tài trợ và hiện vẫn chỉ trông vào ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động. Đấy cũng là nghịch lý khiến những người quan tâm đến bóng chuyền Việt Nam cũng như Thủ đô thực sự trăn trở.

Lấy lại vị thế

Thực tế, cũng không nhanh chóng để tìm ra ngay người đảm nhận vai trò Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII. Cuối cùng, ông Hoàng Ngọc Huấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, tiếp tục “tiền lệ” người cầm lái Liên đoàn là một doanh nhân.

Người ta cũng có thể tin rằng công tác tiếp thị, vận động tài trợ sẽ sáng sủa hơn nhiệm kỳ trước khi ông Hoàng Ngọc Huấn đã chia sẻ về cách thu hút thêm nhiều nguồn lực từ xã hội để tiếp sức cho bóng chuyền Việt Nam. Trong đó, Liên đoàn sẽ triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu với các câu lạc bộ, các VĐV để tiếp cận gần hơn tới người hâm mộ. VTVcab sở hữu trên 20 kênh truyền hình, chiếm 85% thị phần truyền hình thể thao Việt Nam nên việc xây dựng hệ sinh thái Bóng chuyền như: Tổ chức sự kiện, truyền hình trực tiếp các giải bóng chuyền để thu hút tài trợ, nâng thương hiệu cho đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ bóng chuyền, các VĐV... hoàn toàn khả thi. Không kể, một số đơn vị truyền thông khác cũng góp mặt trong Liên đoàn nên việc này được xem là lợi thế đáng kể để Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu lấy lại vị thế của mình.

Tất nhiên, cái gốc vẫn là Liên đoàn phải thực hiện được giải quyết tiếp hàng loạt đầu việc khác ở nhiệm kỳ trước. Trong đó, như chia sẻ của ông Hoàng Ngọc Huấn là phải xây dựng được một hệ thống pháp lý để giúp cho bóng chuyền có thể hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp và phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định quốc tế, để tạo niềm tin với người hâm mộ, các nhà tài trợ - những nguồn lực quan trọng nhất quyết định sự thành công trong các hoạt động của Liên đoàn. Đó cũng sẽ là nền tảng, bên cạnh việc cải tiến hệ thống thi đấu quốc gia, mở rộng và nâng tầm bóng chuyền bãi biển để bóng chuyền Việt Nam phát triển bền vững...

Tất nhiên, còn cần thời gian để kiểm chứng những định hướng, lời hứa từ Đại hội đại biểu vừa qua của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Nhưng ít ra, những diễn biến gần đây từ Đại hội đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng mở ra tín hiệu tích cực, để bóng chuyền gần gũi và được nhiều người quan tâm hơn, để bóng chuyền Việt Nam chạm đến những cột mốc mới trong đó có việc vô địch SEA Games - vốn được xem là khó như lên trời từ nhiều năm qua.

Giải thưởng bóng chuyền lớn nhất từ trước đến nay

Với lời hứa tài trợ của ông bầu Đào Hữu Huyền (đội nữ Hóa chất Đức Giang) tại Đại hội đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, dự kiến mức thưởng tại Giải vô địch bóng chuyền quốc gia, đang diễn ra tại Ninh Bình có thể sẽ lên tới mức 500 triệu đồng cho đội vô địch, 300 triệu đồng cho đội xếp Nhì và 200 triệu đồng cho đội đứng hạng Ba. Còn theo điều lệ, giải năm nay có mức tiền thưởng 300 triệu đồng cho đội vô địch, 160 triệu cho đội xếp Nhì và 100 triệu cho đội đứng thứ Ba ở nội dung nam, nữ. Tuy nhiên, phải khi lời hứa của ông bầu đội nữ Hóa chất Đức Giang thành hiện thực thì Liên đoàn mới có thể quyết định điều chỉnh mức thưởng ở giải năm nay hay không. (Minh Khuê )

Minh Hà

Bị cách ly phòng COVID-19 vẫn tham gia đánh bóng chuyền nữ Bị cách ly phòng COVID-19 vẫn tham gia đánh bóng chuyền nữ
Hotgirl bóng chuyền Trần Việt Hương: Tết không hỏi chuyện lấy chồng Hotgirl bóng chuyền Trần Việt Hương: Tết không hỏi chuyện lấy chồng

Ngày đăng: 09:30 | 16/12/2021

/ cand.com.vn