Đội quân ngoại giao đa chủng tộc của Mỹ từng được xem là tấm gương phản chiếu sức mạnh và "miền đất hứa" dành cho người nhập cư.

Madeleine K. Albright, sinh ra ở Cộng hòa Czech và là phụ nữ đầu tiên trở thành ngoại trưởng Mỹ, đã tới đảo Ellis ở New York năm 1948. Colin L. Powell, người đàn ông da màu đầu tiên đảm nhận vai trò ngoại trưởng Mỹ, là con của người nhập cư Jamaica. Condoleezza Rice, ngoại trưởng thứ hai của tổng thống George W. Bush, lớn lên ở Birmingham, Alabama, dưới bóng đen chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Khi Hillary Clinton kế nhiệm Rice, nhiều quan chức bộ ngoại giao Mỹ nói đùa rằng vị trí này chỉ dành cho đàn ông da trắng, những người nắm "độc quyền" công việc này trong hơn 200 năm. Nhưng ngay cả John Kerry, người thuộc dòng dõi quý tộc ở Mỹ, người kế nhiệm của Clinton và là ngoại trưởng thứ hai của tổng thống Barack Obama, vẫn được nhìn nhận với vai trò phụ tá cho người được xem là hiện thân của giấc mơ Mỹ đối với người dân trên toàn thế giới.

2750 powell 8866 1600162911

Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell (phải) tại cuộc gặp với cựu ngoại trưởng Canada Pierre Pettigrew ở thủ đô Washington hồi tháng 8/2004. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhưng chưa đầy 4 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã đưa mọi thứ trở lại quá khứ. Những gương mặt đại diện cấp cao nhất của Mỹ ở nước ngoài hầu hết là đàn ông da trắng, như Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper, Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr và Robert C. O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Trump.

Tại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa tháng trước, một loạt diễn giả đã cố gắng phác họa nhiệm kỳ tổng thống của Trump có sự đa dạng về sắc tộc trong nhóm lãnh đạo cấp cao. Nhưng thực tế là điều ngược lại, theo Helene Cooper, nhà phân tích của NYTimes.

Kelly Craft, phụ nữ da trắng, hồi năm 2019 đã tiếp quản vị trí của Nikki Haley, người Mỹ gốc Ấn và là người da màu duy nhất giữ vị trí cấp cao trong hàng ngũ an ninh quốc gia của chính quyền Trump.

Nghiên cứu của Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ công bố hồi tháng 1 chỉ ra tỷ lệ phụ nữ và người da màu trong Bộ Ngoại giao trong năm 2018 đã giảm so với thập kỷ trước đó. Nghiên cứu cũng cho thấy người thiểu số hoặc da màu trong cơ quan này cũng ít có cơ hội được thăng chức so với đồng nghiệp da trắng tương đương về học vấn, cấp bậc và năm công tác.

Dữ liệu của Bộ Ngoại giao cho thấy 80 nhân viên ngoại giao da màu được thăng chức trong năm tài khóa 2019, chiếm 1% so với tổng hơn 8.000 người. Trong số 1.496 nhà ngoại giao được thăng chức còn lại, 108 là người Mỹ gốc Tây Ban Nha, 106 là người gốc Á và 90 người thuộc các nhóm thiểu số khác. Phần lớn các đề xuất thăng chức đều dành cho đàn ông da trắng.

Vấp chỉ trích vì có chưa tới 25% nhân viên ngoại giao là người da màu, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/9 thông báo tăng 50% cơ hội nghề nghiệp cho ứng viên thuộc các cộng đồng thiểu số nhằm thu hút nhân tài. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng được báo cáo tập trung phần lớn trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của cơ quan này.

Trong số 189 đại sứ Mỹ tại nước ngoài, hiện chỉ có 3 người da màu và 4 người gốc Tây Ban Nha, theo Học viện Ngoại giao Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Bush, Mỹ có 19 đại sứ da màu, còn con số trong nhiệm kỳ đầu của Obama là 18.

Nhiều quan chức chính sách ngoại giao thừa nhận ngay cả khi Rice và Powell nắm quyền, phần lớn nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ là người da trắng, nhưng thêm rằng ít nhất họ đã góp phần tạo nên hình ảnh quốc gia nỗ lực đảm bảo sự bình đẳng.

"Obama và Bush ít nhất đã cố gắng tuyển dụng và làm tăng tính đa dạng của đội ngũ nhân viên", Chris Richardson, nhân viên ngoại giao Mỹ gốc Phi dưới thời tổng thống Obama và Trump. "Nhưng Trump có vẻ như 'sao cũng được'".

Sau khi nhậm chức, Trump đã nhanh chóng loại bỏ các quan chức người Mỹ gốc Phi cấp cao trong Bộ Ngoại giao. Nhà Trắng đã gửi thư cho đại sứ Gentry O. Smith, giám đốc Văn phòng Các nhiệm vụ ở nước ngoài, và Joyce Anne Barr, trợ lý ngoại trưởng, để nói rằng công việc của họ không còn cần thiết nữa. Quan chức Nhà Trắng cũng thông báo với Linda Thomas-Greenfield, trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi, rằng họ hy vọng bà rời đi. Ba trong 5 quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao mà Trump sa thải sau khi nhậm chức là người da màu.

Sau khi bỏ trống vị trí của Thomas-Greenfield hơn một năm, Trump đã bổ nhiệm Tibor P. Nagy Jr. phụ trách vấn đề ngoại giao Mỹ ở châu Phi. Quyết định bổ nhiệm ông Nagy đã nối dài thêm danh sách quan chức ngoại giao là đàn ông da trắng của Trump.

Bà Thomas-Greenfield từng kể về lần gặp phái đoàn Trung Quốc tại cuộc họp của Liên minh châu Phi ở Addis Ababa, Ethiopia hồi năm 2015. Ngồi cạnh bà là nhân viên ngoại giao người Mỹ gốc Hoa, thành viên của phái đoàn Mỹ.

"Tôi có cảm giác chúng tôi đang phô diễn sức mạnh khi phái đoàn Trung Quốc nhìn thấy một phụ nữ Mỹ gốc Phi ngồi cạnh một người đàn ông Mỹ gốc Hoa và cả hai đều đang đại diện cho Mỹ", bà nói. "Đó là sức mạnh của tấm gương Mỹ, phản chiếu nhiều điều về những gì chúng tôi có thể đạt được khi là một xã hội cởi mở, hòa nhập. Điều đó bây giờ đã không còn. Khi bạn nhìn vào phái đoàn của Trump, chỉ có toàn đàn ông da trắng".

Richardson, nhà ngoại giao Mỹ gốc Phi, nói ông thích nói với khán giả nước ngoài về câu chuyện "nhiều mặt" của nước Mỹ, với lịch sử nô lệ, phân biệt chủng tộc được thể chế hóa, phong trào dân quyền và Martin Luther King Jr., đỉnh điểm là Obama đắc cử tổng thống.

"Tôi đã muốn trở thành người đại diện cho Mỹ ngay từ khi còn là đứa trẻ. Đi tới nhiều nơi khác nhau và cho mọi người thấy lời hứa của Mỹ là gì, đó là điều rất đáng tôn kính với tôi", Richardson nói.

Nhưng sau khi Trump đắc cử, Richardson cho biết tâm trạng của ông luôn nặng trĩu mỗi khi đứng trước khán giả ở Madrid với vai trò là đại diện đại sứ quán Mỹ ở Tây Ban Nha. Richardson không ngạc nhiên khi câu hỏi đầu tiên mà mọi người đặt ra là "Bạn làm sao có thể nói Mỹ là miền đất hứa khi người đàn ông này trong Nhà Trắng?"

Không lâu sau đó, Richardson từ chức và trở về Mỹ làm luật sư về vấn đề nhập cư. "Tôi không thể là đại diện cho chính quyền này", ông nói.

2758 my ngoai giao 3 7030 1600153595

Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark A. Milley,, từ trái qua phải, phát biểu tại Mar-a-Lago, bang Florida hồi tháng 12/2019. Ảnh: NYTimes.

Monde Muyangwa, giám đốc chương trình châu Phi tại Trung tâm Wilson, nhớ lại ngày tháng làm việc ở Bộ Quốc phòng dưới thời chính quyền Bush và Obama.

"Tôi có gần 14 năm làm việc tại Bộ Quốc phòng, nơi tôi phụ trách các vấn đề an ninh châu Phi và thực hiện nhiều chương trình ở các quốc gia châu Phi. Ở một số quốc gia, chúng tôi thậm chí không cần nói gì bởi chỉ cần nhìn vào thành phần của phái đoàn Mỹ, với sự đa dạng về giới tính và chủng tộc, đã đủ gây ấn tượng mạnh với họ", Muyangwa nói.

Muyangwa, sinh ra ở Zambia, đã chuyển tới Mỹ năm 1995 và trở thành công dân Mỹ năm 2004. Bà có bằng tiến sĩ về quan hệ quốc tế và hiện điều hành một bộ phận quan trọng của Viện Nghiên cứu Washington. Bà là ví dụ cho câu chuyện thành công ở đất nước mà mọi điều đều có thể.

Bà kể nhiều phái đoàn châu Phi thường nhìn bà và tự hỏi "làm thế nào một phụ nữ da màu như tôi lại vươn tới vị trí cấp cao đó".

Peter Wittig, cựu đại sứ Đức tại Mỹ, từng nói câu chuyện của Mỹ về người nhập cư và thành công của họ như "kim chỉ nam" cho Đức khi quốc gia này phải vật lộn với làn sóng nhập cư và tị nạn.

"20 năm trước, Bộ Ngoại giao của chúng tôi chỉ có đàn ông da trắng và chúng tôi xem Mỹ như một điều khác biệt, một điều gì đó để phấn đấu", ông nói. "25% dân số Đức hiện có ít nhất bố hoặc mẹ là người nhập cư. Với chúng tôi, Mỹ đã góp phần tạo nên câu chuyện thành công đó".

Wittig hy vọng Mỹ có thể đảm nhận lại vai trò đáng ngưỡng mộ đó trên vũ đài quốc tế. "Một tổng thống không thể xóa đi điều này", ông nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ hạ mức cảnh báo đi lại đến Trung Quốc Bộ Ngoại giao Mỹ hạ mức cảnh báo đi lại đến Trung Quốc
Trung Quốc tuyên bố hạn chế đi lại của nhân viên ngoại giao Mỹ Trung Quốc tuyên bố hạn chế đi lại của nhân viên ngoại giao Mỹ
Mỹ bác yêu sách Mỹ bác yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày đăng: 08:29 | 16/09/2020

/ vnexpress.net