Bão số 12 vừa quét qua để lại hậu quả chưa khắc phục xong thì từ biển Đông, bão số 13 đang tiến vào. Mưa lớn kéo dài đã tích no nước các hồ chứa, nếu không điều tiết tốt sẽ gây họa cho hạ du

Ngày 10-11, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), các ngành chức năng về công tác ứng phó với bão lũ. Theo thống kê, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 11 người chết do đợt lũ vừa qua.

72 giờ vàng cắt lũ

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thủy điện A Lưới đặc thù khác với các lòng hồ thủy điện khác, khi dưới đập nước hạ nhưng tại xã Nhâm vẫn còn cao do có kênh dẫn dòng. Ông đề nghị các nhà máy thủy điện phải lên phương án điều tiết xả lũ phù hợp trước, tránh xả cấp tập khiến nước dâng rất nhanh, chính quyền ứng phó không kịp như đợt vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, nhận định muốn đưa về mực nước đón lũ của hồ Tả Trạch (một nhánh sông Hương) thì phải điều tiết xả lũ tương ứng với hồ Bình Điền, Hương Điền là 1.800 m3/giây trong vòng 72 giờ. Theo đó, mực nước tại Kim Long trên sông Hương, sông Bồ sẽ đạt trên báo động III. Lũ sẽ lên lại, các địa phương sẽ bị ảnh hưởng nặng.

bom nuoc chuc cho gay hoa mien trung

Thủy điện Sông Tranh 2 đang xả lũ để chuẩn bị ứng phó với đợt lũ mới Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Hiện các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã "no" nước, ở mức cao như hồ Hòa Mỹ, Thọ Sơn, Thượng Lộ, Truồi... và đã tràn ngưỡng tự do. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát lệnh điều tiết nước đối với 4 hồ lớn là thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền và Tả Trạch.

Tại thời điểm phát lệnh, mực nước tại thủy điện Bình Điền là 84,66 m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 9,6 m. Vì vậy, thủy điện này đang điều tiết về hạ du với lưu lượng cao nhất trong ngày là 665 m3/giây để đưa về mực nước cao nhất trước lũ là 74,5 m. Thủy điện Hương Điền mực nước là 57,33 m, cao hơn quy định trước lũ là 1,33 m nên phải điều tiết với lưu lượng cao nhất trong ngày là 1.102 m3/giây để đưa về mực nước 56 m...

"Công tác ứng phó, chuẩn bị của chúng ta chỉ còn trong 72 giờ tới, đây gọi là giờ vàng. Việc điều tiết nước ở các hồ này được tăng dần nhưng phải tuân thủ quy trình đã được Chính phủ phê duyệt, tránh đột biến, gây ngập nặng cho hạ du" - ông Hùng nói.

Ông Lê Trường Lưu đề nghị các cơ quan chức năng phải cập nhật số liệu thường xuyên, ứng phó kịp thời theo từng kịch bản. Đặc biệt phải bảo đảm an toàn trong việc điều tiết mực nước các hồ chứa, tránh việc cắt lũ nhưng lại tạo ra lũ.

"Bom nước" Quảng Nam

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, trong 17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn tại tỉnh này, 12 hồ đã tích đầy nước, 4 hồ còn lại đạt từ 80%- 97% dung tích. Trong 56 hồ chứa nhỏ cũng có tới 32 hồ đã đầy nước, các hồ còn lại đạt trên 60% dung tích.

Đáng lo ngại, hiện ít nhất 3 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Cụ thể, hồ chứa Hố Lau (thuộc thôn Ngọc Giáp, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) đang trong giai đoạn sửa chữa nên không thể đóng cửa xả để tích nước. Trước đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Phú Ninh phải cử lực lượng trực 24/24 giờ theo dõi mực nước hồ chứa để lên phương án di dời một số hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng. Hồ Nước Rôn (xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My) có dung tích 1,1 triệu m3 bị sạt lở bờ tràn xả lũ. Rạng sáng 6-11, chính quyền huyện Bắc Trà My phải di dời 3.500 người ở xã Trà Dương và 2.500 người tại xã Trà Đông trước nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, hồ chứa Hóc Két tại huyện Duy Xuyên cũng bị hư hỏng.

Đối với hồ chứa thủy điện, do ảnh hưởng của mưa lớn, lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất lớn, hầu hết các hồ thủy điện ở tỉnh đều đang đầy nước. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu 4 thủy điện gồm Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 tổ chức vận hành đưa mực nước hồ về cao trình mực nước cao nhất trước lũ.

Theo số liệu lúc 17 giờ ngày 10-11, thủy điện Sông Tranh 2 đang xả 426,24 m3/giây, Sông Bung 4 xả 723 m3/giây, thủy điện A Vương xả 194 m3/giây, thủy điện Đắk Mi 4 xả 305 m3/giây. Ngoài ra, hồ Phú Ninh trước đó cũng có thông báo xả lũ.

Trong ngày 10-11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục ban hành công điện yêu cầu các huyện Phú Ninh, Bắc Trà My, Duy Xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước Hố Lau, Nước Rôn, Hóc Két tăng cường theo dõi, kiểm tra, khắc phục sự cố hư hỏng.

Đối với Sở Công Thương, cần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa thủy điện, báo cáo kết quả về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh trước ngày 14-11.

Quảng Nam thiệt hại hơn 800 tỉ đồng

Trong đợt mưa lũ vừa qua, thống kê ban đầu tại tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại hơn 800 tỉ đồng. Tỉnh này đề nghị Chính phủ và bộ, ngành trung ương hỗ trợ 500 tấn gạo và 100 cơ số thuốc phòng chống lụt bão; 180 tỉ đồng để tỉnh sửa chữa các công trình giao thông bị hư hỏng, gia cố bảo vệ các đoạn bờ sông bị sạt lở…

bom nuoc chuc cho gay hoa mien trung Xả lũ để… đón lũ

Trong khi vùng hạ du chưa thoát khỏi ngập lụt, chính quyền tỉnh Quảng Nam lại phải yêu cầu 4 thủy điện lớn phải xả ...

bom nuoc chuc cho gay hoa mien trung Lũ vừa rút lại có mưa lớn, Quảng Nam yêu cầu 4 thủy điện xả lũ

Nước lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vừa rút, tỉnh Quảng Nam lại phải yêu cầu các thủy điện xả lũ vì ...

http://nld.com.vn/thoi-su/bom-nuoc-chuc-cho-gay-hoa-mien-trung-20171110223153921.htm

Ngày đăng: 11:00 | 11/11/2017

/ Quang Nhật-Trần Thường/nld.com.vn