Khủng hoảng của ‘quả bom nợ’ bất động sản Evergrande, Trung Quốc đang lan ra toàn ngành với nhiều công ty khác cũng đang chật vật để thanh toán các khoản nợ.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc lớn mạnh chóng mặt trong thập kỷ qua, nhưng "tỷ lệ thuận" với sự phát triển này là số nợ khổng lồ. Hiện giới chức trách bắt đầu kiểm soát họ với các chính sách giới hạn nợ, nhưng việc "hạ sốt" thị trường chưa bao giờ dễ.

Evergrande - một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc nhưng cũng là một trong những công ty mắc nợ nhiều nhất trên thế giới, hơn 300 tỷ USD. Công ty đang gặp nhiều khó khăn với áp lực trả nợ và gần đây không thực hiện được nhiều khoản thanh toán trái phiếu nước ngoài (offshore bond).

Nhà phát triển bất động sản lớn hàng đầu Trung Quốc "xoay như chong chóng" khi các hạn trả nợ liên tiếp đến gần. Nếu không thể trả hết, công ty sẽ chính thức vỡ nợ.

Cuộc khủng hoảng Evergrande hiện đang lan sang các nhà phát triển khác và có nguy cơ làm rung chuyển lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, lĩnh vực mà các nhà kinh tế cho rằng chiếm khoảng 30% nền kinh tế nước này.

'Bom nợ' Evergrande chực chờ vỡ, nhiều công ty bất động sản Trung Quốc điêu đứng - 1
Một công trường xây dựng của Kaisa. (Ảnh: Reuters)

Kaisa

Nhà phát triển bất động sản Kaisa hôm 4/11 cho biết đã bỏ lỡ thanh toán cho một sản phẩm quản lý tài sản (WMP), làm tăng thêm lo lắng về tình trạng khan hiếm tiền mặt tại công ty bất động sản đang mắc nợ.

Những rắc rối của Kaisa xảy ra trong bối cảnh lo ngại về cuộc khủng hoảng thanh khoản ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Một loạt các vụ vỡ nợ ở nước ngoài, hạ xếp hạng tín dụng và bán tháo cổ phiếu, trái phiếu liên quan đến nhà phát triển bất động sản Trung Quốc trong những tuần gần đây.

Kaisa tuyên bố đang gây quỹ để giảm bớt áp lực, áp dụng các biện pháp bao gồm tăng tốc độ bán tài sản. Đây là nhà phát triển lớn thứ 25 ở Trung Quốc tính theo doanh số bán nhà.

Theo Reuters, Kaisa có khoản nợ nước ngoài sắp đến hạn trong năm tới nhiều nhất so với bất kỳ nhà phát triển Trung Quốc nào khác, sau khi hợp tác với Evergrande.

Fantasia

Có lẽ vụ vỡ nợ đáng lo ngại nhất cho đến nay đến từ nhà phát triển bất động sản cỡ trung Fantasia. Họ đã không thanh toán được một trái phiếu trị giá 206 triệu USD, đáo hạn vào ngày 4/10.

Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics, cho biết vụ việc gây hoang mang cho nhà đầu tư khi chỉ hai tuần trước đó công ty trấn an rằng họ không có vấn đề gì về thanh khoản.

Fantasia nhỏ hơn Evergrande, với doanh thu 2,76 tỷ USD vào năm 2019, so với 69,15 tỷ USD của Evergrande, theo dữ liệu của Bloomberg.

Sinic Holdings

Sinic Holdings đã vỡ nợ trước khoản thanh toán trái phiếu và lãi suất trị giá 250 triệu USD vào ngày 19/10, Bloomberg đưa tin. Đây cũng là một nhà phát triển bất động sản quy mô trung bình, với doanh thu 3,91 tỷ USD vào năm 2019.

Căng thẳng liên quan đến Evergrande đã làm chậm doanh số bán hàng trong lĩnh vực bất động sản và làm tăng chi phí đi vay, tạo thêm áp lực cho các nhà phát triển như Sinic.

China Properties

Tập đoàn China Properties nhỏ hơn Sinic đáng kể, nhưng cũng đang gặp khó khăn. Vào ngày 15/10, công ty cho biết không trả được nợ trái phiếu trị giá 226 triệu USD.

Theo ngân hàng UBS, có thể sẽ có rất ít thời gian nghỉ ngơi dành cho các nhà phát triển trong năm nay. Các nhà phân tích của ngân hàng này dự tính số lượng ​​bất động sản mới sẽ bắt đầu giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4, "gây thêm áp lực đi xuống đối với nền kinh tế".

'Bom nợ' Evergrande chực chờ vỡ, nhiều công ty bất động sản Trung Quốc điêu đứng - 2
Căng thẳng Evergrande làm "liên lụy" đến nhiều nhà phát triển bất động sản khác. (Ảnh minh họa)

Modern Land

Modern Land cũng không trả được khoản trái phiếu trị giá 250 triệu USD đến hạn vào 18/10, giải thích việc này là vì "các yếu tố bao gồm môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường ngành bất động sản và đại dịch COVID-19".

Từ đầu tháng 10, công ty đã yêu cầu trì hoãn việc trả nợ trong ba tháng, nhằm thực hiện các biện pháp "tránh vỡ nợ". Nhưng đến cuối tháng 10, họ đã phải từ bỏ kế hoạch đó và cho biết đang phải đối mặt với các vấn đề về thanh khoản và đang tìm cách thuê cố vấn tài chính.

Nhà phát triển này có quy mô trung bình, sở hữu 200 căn hộ và văn phòng trên khắp Trung Quốc.

Vẫn chưa rõ liệu công ty có chính thức vỡ nợ hay không. Các công ty nghiên cứu bao gồm OANDA và Lucror Analytics đã gọi việc công ty bỏ lỡ khoản thanh toán 250 triệu USD là một khoản vỡ nợ.

Greenland Holding Group

Greenland là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc, đạt doanh thu 61,98 tỷ USD năm 2019. Điểm đánh giá công ty này trên bảng xếp hạng của S&P Global Ratings bị giảm xuống "B+", nghĩa là công ty hiện có thể trả nợ nhưng vẫn dễ "lao đao" trước các diễn biến thị trường.

Greenland gặp khó khăn khi chi phí đi vay tăng cao trong cuộc khủng hoảng Evergrande, và các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiện không còn mặn mà với các công ty bất động sản.

S&P cho biết: “Tiền mặt của công ty có thể tiếp tục cạn kiệt trong 12 tháng tới do doanh số bán hàng và các nguồn thu về giảm".

Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, "thịnh vượng chung" ở lại Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, "thịnh vượng chung" ở lại

Theo chuyên gia, các biện pháp Trung Quốc đang sử dụng để thay đổi mô hình phát triển kinh tế, hướng tới "thịnh vượng chung" ...

"Bom nợ" Evergrande hủy kế hoạch bán 2,6 tỷ USD cổ phần trả nợ "Bom nợ" Evergrande hủy kế hoạch bán 2,6 tỷ USD cổ phần trả nợ

Gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc - Tập đoàn Evergrande đã hủy kế hoạch bán 2,6 tỷ USD cổ phần tại một trong ...

Ngày đăng: 21:00 | 05/11/2021

/ vtc.vn