Tập đoàn Boeing thừa nhận tài liệu cung cấp cho Air Canada về chiếc máy bay 787 Dreamliner đầu tiên năm 2014 chứa thông tin không đúng.

boeing thua nhan cung cap thong tin sai su that khi ban may bay 787 cho canada

Một chiếc Boeing 787 Dreamliner của Air Canada đang cất cánh. Ảnh: Air Canada.

Boeing hôm 29/6 thừa nhận đã kê khai không đúng sự thật trong tài liệu về chiếc máy bay 787 Dreamliner đầu tiên bán cho hãng hàng không Air Canada vào năm 2014. Tài liệu cho biết việc sản xuất chiếc máy bay đã hoàn thành, nhưng thực tế không phải như vậy.

Chiếc Dreamliner với số đăng ký C-GHPQ này sau đó được chuyển cho Air Canada, nhưng chỉ sau 10 tháng khai thác, sự cố rò rỉ nhiên liệu xuất hiện. Trong chuyến bay từ Vancouver tới Narita vào ngày 10/2/2015, chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống Anchorage, Alaska khi phi công phát hiện chỉ số nhiên liệu bất thường ở một động cơ.

Trong tuyên bố gửi tới CBC News hôm 29/6, Boeing thừa nhận về việc cung cấp thông tin không đúng sự thật trong tài liệu gửi cho Air Canada năm 2014, nhưng khẳng định họ đã tự báo cáo sự cố rò rỉ nhiên liệu với Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngay sau khi được Air Canada thông báo.

Boeing cũng đã tiến hành cuộc kiểm tra toàn diện và kết luận rằng đó là một sự cố riêng lẻ "đã được khắc phục lập tức".

Air Canada đã rà soát kỹ lưỡng toàn bộ phi đội 35 chiếc 787 và không phát hiện thêm sự cố nào trên các máy bay còn lại. "Tất cả các máy bay của chúng tôi đều được kiểm tra thường xuyên và kỹ lưỡng. Chúng tôi cũng duy trì bảo dưỡng đầy đủ theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và quy định của hãng", người phát ngôn của Air Canada nói.

Giới chuyên gia cho rằng việc các hãng hàng không dựa vào tài liệu của nhà sản xuất máy bay để khẳng định rằng phi cơ của họ đủ điều kiện an toàn hoạt động là điều "nguy hiểm". Trong trường hợp hồ sơ, giấy tờ về máy bay bị làm sai lệch, sự cố hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa kể, việc rò rỉ bất cứ một loại nhiên liệu nào trên máy bay đều có thể dẫn tới sự cố nghiêm trọng.

Việc Boeing thừa nhận "lỗi" trong quá trình bàn giao chiếc 787 Dreamliner cho hãng hàng không Canada được đưa ra trong bối cảnh nhà sản xuất máy bay này đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng liên quan tới hai vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên dòng máy bay 737 MAX của Lion Air và Ethiopian Airlines, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng trong vòng chưa đầy 6 tháng. Hai tai nạn này khiến dòng 737 MAX bị cấm bay trên toàn thế giới.

FAA hôm 26/6 còn phát hiện thêm lỗi phần mềm trong một phiên bay giả lập của dòng Boeing 737 MAX và tuyên bố sẽ "chỉ dỡ bỏ lệnh cấm bay với dòng phi cơ này khi thực sự cảm thấy an toàn".

Các sự cố liên tiếp với Boeing như những đòn giáng vào nỗ lực nhằm lấy lại danh tiếng của nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới sau các vụ tai nạn gần đây. Trước khi trở thành hãng sản xuất máy bay và vũ khí hàng đầu thế giới, Boeing chỉ là một hãng đóng tàu nhỏ ở Seattle, do William E. Boeing sáng lập vào năm 1916. "Ông lớn" ngành sản xuất máy bay có tổng hành dinh ở Chicago, bang Illinois, Mỹ đạt doanh thu 100 tỷ USD năm 2018.

boeing thua nhan cung cap thong tin sai su that khi ban may bay 787 cho canada Mỹ phát hiện thêm lỗi trong phần mềm của Boeing 737 MAX

FAA phát hiện lỗi trong phần mềm bay giả lập của Boeing 737 MAX, khiến dòng phi cơ này có thể bị cấm bay lâu ...

boeing thua nhan cung cap thong tin sai su that khi ban may bay 787 cho canada Boeing 737 tranh chỗ đỗ với ôtô

Hàng loạt máy bay cỡ lớn Boeing 737 phải đỗ vào bãi ôtô vì thiếu chỗ. Tình trạng này xảy ra tại cơ sở của ...

Mai Lâm (Theo NBC News)

Ngày đăng: 10:16 | 04/07/2019

/ https://vnexpress.net