Mặc dù là người trong ngành y tế, nhận thức đầy đủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… thế nhưng vì lợi nhuận, ông Nguyễn Trung Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Lan vẫn bất chấp tất cả, chỉ đạo nhân viên sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Vụ việc gây chấn động

Mới đây Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty cổ phần sữa Hà Lan, địa chỉ trụ sở tại 335 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc”.

a1.jpg -0
Những thùng nguyên liệu để "sản xuất" sữa bột dinh dưỡng không đảm bảo yêu cầu vệ sinh An toàn thực phẩm của Công ty cổ phần sữa Hà Lan

Ngày 24 - 25/8, tổ công tác của Phòng PCTP trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm (ATTP), dịch vụ du lịch, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an đã đồng loạt ra quân, tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về ATTP tại 4 địa điểm gồm: Trụ sở, chi nhánh, kho hàng trực thuộc đối với Công ty cổ phần sữa Hà Lan, địa chỉ trụ sở tại 335 Trần Cung do ông Nguyễn Trung Vương (sinh năm 1983, trú tại 335 Trần Cung) là Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật.

Theo cơ quan Công an, trong số 66/67 lô phát hiện, thu mẫu đều được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk của Công ty cổ phần sữa Hà Lan thuộc 14 loại lệnh sản xuất. So sánh, đối chiếu giữa thành phần các loại nguyên liệu, phụ gia tại hồ sơ công bố đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy chứng nhận công bố và 14 loại lệnh do Công ty cổ phần sữa Hà Lan tự ban hành để sản xuất 66 lô sản phẩm nêu trên cho thấy, khi đối chiếu giữa kết quả giám định, kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP quốc gia thực hiện với hồ sơ công bố đã được xác nhận và kết quả kiểm tra thực tế, xác định: Tổng số lượng thành phẩm của 65/67 lô hàng hóa nói trên chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố; tổng giá trị số hàng theo hóa đơn xuất bán là 4,1 tỷ đồng, tương đương mức giá bán bình quân khoảng trên 150 ngàn đồng/hộp. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm phục vụ công tác xử lý; 2.011 hộp đã bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng hiện vẫn chưa thu hồi được. Số hàng này được bán qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có các kênh bán hàng thông qua các tổ chức công đoàn, các hội thảo giới thiệu sản phẩm, qua các trang mạng xã hội…

a2.jpg -0
Quá trình trộn nguyên liệu rất mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm để "sản xuất" sữa

Chân dung vị giám đốc siêu “nổ”

Công ty cổ phần Sữa Hà Lan thành lập ngày 25/5/2016. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trung Vương - kiêm Tổng giám đốc công ty. Ngành nghề kinh doanh chính là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Vốn điều lệ khi thành lập là 6 tỷ đồng, trong đó ông Vương đóng góp 30%. Ngày đầu mới thành lập, ông Vương từng chia sẻ với báo chí rằng, xuất phát từ tâm nguyện muốn cải thiện thể trạng sức khỏe cho 3 người con của mình, khi đó các con ông đều còi cọc, kém phát triển, ông đã bàn với vợ nghỉ việc ở công ty dược để chuyển sang nghiên cứu sản xuất các dòng sữa bột dành cho trẻ em và các dòng sữa khác để phục vụ cho sức khỏe người Việt Nam.

Không chỉ điều hành Công ty cổ phần sữa Hà Lan, ông Vương còn là đại diện tại thời điểm thành lập của các công ty: Công ty TNHH Dược phẩm Long Phương; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế DP Long Vương Korea; Công ty cổ phần Sữa Y tế - Nhà máy Laxdomax và đang là đại diện tại Công ty cổ phần Công nghệ Cao Thái Dương (công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng)..

Sau khi nhà máy Holland Milk địa chỉ tại Km39 Quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương được xây dựng, Công ty cổ phần sữa Hà Lan đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và được cấp hồ sơ công bố sản phẩm.

Trên trang web của công ty cũng như trong những lần mời chào, hội thảo, giới thiệu sản phẩm là những lời quảng cáo có cánh để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, rằng, công ty đã được chứng nhận GMP, ISO về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của công ty đã có trên 300 sản phẩm được chia thành 2 dòng sữa chính: Sữa bò và sữa dê.

a3.jpg -0
Lễ ký kết giữa Công ty cổ phần sữa Hà Lan với Công đoàn Y tế Việt Nam

Các sản phẩm này được quảng cáo phù hợp với mọi đối tượng sử dụng từ trẻ sơ sinh đến người già, bà bầu... Đặc biệt, công ty còn có những sản phẩm sữa chuyên biệt dành cho những người có bệnh lý về dạ dày, tá tràng, những người bị đau xương khớp, tiểu đường, tiền tiểu đường, người biếng ăn, tiêu hóa kém, người cần bổ sung dinh dưỡng... Các sản phẩm của công ty theo quảng cáo đều được nghiên cứu, phát triển bởi các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu đến từ Hà Lan, cung cấp cho người Việt các sản phẩm sữa dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thế nhưng trên thực tế, các sản phẩm của công ty đều được thực hiện thủ công và tại những cơ sở không đảm bảo vệ sinh. Tại thời điểm bị lực lượng chức năng kiểm tra, nguyên liệu sản xuất của công ty được đặt trong những thùng nhựa cáu bẩn để la liệt trên sàn nhà đầy đất cát và bụi bặm.

Ông Nguyễn Trung Vuơng là người chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm, từ mua nguyên liệu, xây dựng quy trình sản xuất, nhận đơn đặt hàng đến lựa chọn sản phẩm và số lượng, đơn giá, thời gian giao hàng, sau đó ban hành lệnh sản xuất, cân nguyên liệu, phụ gia theo công thức có sẵn trong Lệnh sản xuất, rồi phối trộn, đưa vào máy đóng hộp, đóng nắp, dán nhãn, in hạn sử dụng cho đến khâu kiểm tra, đóng thùng carton, đưa về kho thành phẩm rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa tổng giám đốc và các nhân viên.

Bản thân Nguyễn Trung Vương là người có trình độ Đại học Dược và đã được tập huấn kiến thức về ATTP, Vương nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng, ATTP đối với tính mạng, sức khỏe con người, nhất là nhóm đối tượng trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và người cao tuổi có bệnh lý nền khi sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học mà Công ty cổ phần sữa Hà Lan và các công ty đang gia công tại Nhà máy Holland Milk sản xuất, kinh doanh.

Thủ đoạn bán sữa qua các tổ chức, hội đoàn

Dù mới thành lập một thời gian ngắn (2016), nhưng không hiểu vì sao từ năm 2020-2022, Công ty cổ phần sữa Hà Lan có thể được phân phối đến rất nhiều liên đoàn, tổ chức công đoàn của các địa phương dưới chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động”. Nội dung thỏa thuận hợp tác xoay quanh việc các Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tạo điều kiện, hỗ trợ Công ty cổ phần sữa Hà Lan tiếp cận các công đoàn cơ sở để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá dịch vụ và sản phẩm sữa của công ty này cho đoàn viên, người lao động... Đổi lại Công ty cổ phần sữa Hà Lan cam kết sẽ bán các sản phẩm sữa cho đoàn viên và người lao động thuộc các LĐLĐ đã hợp tác với giá ưu đãi…

Điển hình như, ngày 7/8/2020, Công đoàn Y tế Việt Nam và Công ty cổ phần sữa Hà Lan đã ký thỏa thuận hợp tác về Chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động ngành Y tế. Phát biểu tại Lễ ký kết, PGS.TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, Công đoàn Y tế Việt Nam hiện đang quản lý trực tiếp gần 50 ngàn đoàn viên và quản lý gián tiếp gần 500 ngàn đoàn viên tại 63 tỉnh, thành phố, nhu cầu trong việc sử dụng các sản phẩm sữa là rất lớn. Việc phối hợp tác với Công ty cổ phần sữa Hà Lan trong giai đoạn toàn ngành Y tế đang gồng mình chống dịch là hết sức có ý nghĩa, sẽ tạo điều kiện cho các đoàn viên, người lao động có cơ hội được tiếp cận và mua với giá ưu đãi các sản phẩm của công ty, góp phần tăng cường sức khỏe cho cán bộ y tế.

Ngày 15/9/2020, thực hiện chương trình Vì phúc lợi đoàn viên công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam cũng đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Chương trình phúc lợi cho đoàn viên với 4 công ty, trong đó có Công ty cổ phần sữa Hà Lan. Theo thỏa thuận hợp tác, Công ty cổ phần sữa Hà Lan giảm giá đến 300 nghìn/sản phẩm sữa bột so với giá niêm yết trên thị trường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ngày 23/10/2020 Công đoàn Công thương Việt Nam (Bộ Công thương) và Công ty Cổ phần sữa Hà Lan cũng đã ký thỏa thuận hợp tác phúc lợi cho đoàn viên Công thương Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác sẽ thực hiện việc ưu đãi, hỗ trợ, giảm giá với các sản phẩm sữa của Công ty cổ phần sữa Hà Lan, bảo đảm đoàn viên công đoàn và người lao động của Công đoàn Công thương được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm sữa với mức giá ưu đãi, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe cho đoàn viên và người lao động, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Những thông tin nêu trên chỉ là một vài trường hợp điển hình trong việc hợp tác giữa Công ty cổ phần sữa Hà Lan và các tổ chức công đoàn tại các bộ, ngành trung ương để bán sữa trong các năm 2020 và 2021. Còn từ đầu năm 2022 đến nay, việc ký kết hợp tác giữa Công ty cổ phần sữa Hà Lan với các liên đoàn lao động và tổ chức công đoàn trên khắp cả nước diễn ra với tần suất dày đặc hơn.

Cụ thể, ngày 16/4/2022, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn” với Công ty cổ phần sữa Hà Lan.

Vào sáng ngày 31/5/2022, Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam và Công ty cổ phần sữa Hà Lan đã tổ chức Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động”.

Ngày 4/7/2022, tại Hà Nội, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần sữa Hà Lan về Chương trình Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động năm 2022.

Ngày 19/7/2022, Liên đoàn lao động tỉnh Gia Lai tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Sữa Hà Lan về thực hiện chương trình phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và người lao động.

Ngày 15/8/2022, Công đoàn Đường sắt Việt Nam tổ chức ký thỏa thuận hợp tác thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động” với Công ty cổ phần sữa Hà Lan.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các tỉnh Kiên Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn… Công ty cổ phần sữa Hà Lan cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với liên đoàn lao động các tỉnh để bán sữa. Thậm chí công ty này còn tiến hành ký thỏa thuận với các liên đoàn tại các quận huyện của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tất cả các thông tin về buổi lễ ký kết của các liên đoàn lao động và công đoàn đều đã từng được báo chí công khai chia sẻ trên mạng.

Dư luận đặt câu hỏi về việc một công ty còn non trẻ như Công ty cổ phần sữa Hà Lan tại sao có thể phát triển nhanh mạnh mẽ và có thể phân phối đến hầu hết các liên đoàn lao động và các tổ chức công đoàn từ Trung ương đến địa phương như vậy? Điều này rất cần được cơ quan chức năng làm rõ.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/boc-tran-duong-di-cua-nhung-hop-sua-kem-chat-luong-i678914/

Ngày đăng: 13:40 | 27/12/2022

Ngọc Mai / antg.cand.com.vn