Nhiều bệnh viện đang đối diện thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng khắc phục thế nào?
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế, hiện tượng thiếu thuốc, trang thiết bị cục bộ tại các cơ sở y tế vừa qua tập trung chủ yếu ở cơ sở y tế tuyến trung ương và tỉnh. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Trong đó, nguyên nhân chính là sự e ngại của cơ sở khám, chữa bệnh sau một số vụ việc liên quan đấu thầu thiết bị, vật tư y tế. Vụ việc này làm ảnh hưởng tâm lý của các đơn vị cung cấp và cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là cơ sở công lập.
"Bộ Y tế đang chỉ đạo các cơ sở y tế báo cáo cụ thể thực trạng, nguyên nhân này. Từ đó, chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng để có giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề”, ông Tuyên nói.
Xây dựng hành lang pháp lý phục vụ đấu thầu
Bộ Y tế cũng đang phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để xây dựng hành lang pháp lý phục vụ cho đấu thầu và hình thức đầu tư xã hội hóa trong y tế. Cụ thể, trong đấu thầu, ngành y tế đề nghị các đơn vị lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc này phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ gây ảnh hưởng hoạt động của đơn vị.
Các đơn vị này phải xác định nhu cầu, dự báo chi tiết, hợp lý về danh mục, chủng loại, số lượng các loại trang, thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao dự kiến cần mua trong năm kế hoạch.
“Một số vi phạm gần đây liên quan việc mua sắm thuốc, vật tư y tế trên phạm vi cả nước có thể gây ra tâm lý lo lắng, e ngại sợ sai khi tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc theo quy định để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Chúng tôi hy vọng, với những giải pháp như vậy, tâm lý e ngại của các cơ sở, đơn vị trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế sẽ dần được cải thiện”, ông Tuyên nói.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh sáng 20/6, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng khẳng định để tháo gỡ một phần khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố Danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30/6/2022 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31/12/2022; cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm... Hiện khoảng 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các đơn vị tra cứu, làm cơ sở mua sắm theo quy định.
Một số vi phạm gần đây liên quan việc mua sắm thuốc, vật tư y tế trên phạm vi cả nước có thể gây ra tâm lý lo lắng, e ngại sợ sai khi tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc theo quy định để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Khắc phục tâm lý sợ sai, đấu thầu gián đoạn
Chỉ ra những tồn tại của việc thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế nêu nguyên nhân là do sau dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng thuốc của bệnh viện tăng, trong khi cơ sở y tế lại đang gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc.
Thời điểm này, các sở y tế cũng tập trung tối đa nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và giải quyết các vấn đề sau dịch nên công tác đấu thầu có phần bị gián đoạn.
Vừa qua, mặc dù các bệnh viện đã đặt kế hoạch mua thuốc số lượng lớn, nhưng chỉ có một số ít nhà thầu cung ứng. Nói một cách khác là các cơ sở y tế không lựa chọn được nhà thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc có tham dự nhưng giá dự thầu cao hơn kế hoạch ban đầu đề ra.
Một lý do khách quan khác là do giá kế hoạch của một số mặt hàng thuốc chưa phù hợp sự biến động tăng giá thuốc. Các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia thực hiện chưa có kết quả, dẫn tới các cơ sở y tế bị động trong cung ứng thuốc.
Hơn nữa, sau dịch COVID-19, chi phí nguyên vật liệu tăng làm chi phí cấu thành giá tăng cũng tăng theo, nhất là đối với thuốc hiếm, sử dụng với số lượng ít tại các cơ sở y tế.
Liên quan vấn đề thiếu trang thiết bị y tế, lãnh đạo Bộ Y tế nêu nguyên nhân là công tác mua sắm theo Luật đấu thầu gặp nhiều khó khăn về xây dựng giá kế hoạch.
Cụ thể, các đơn vị, địa phương muốn mua sắm phải căn cứ giá đã mua trước đó hoặc của đơn vị khác đã trúng thầu trong 12 tháng. Khi giá cao hơn, quy định cho phép đơn vị thuyết minh lý do nhưng hầu hết đều e ngại việc phải giải trình với cơ quan kiểm tra, giám sát sau này.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai còn thiếu hướng dẫn cụ thể, thống nhất. Ví dụ, thế nào là báo giá hợp lệ? Thời hạn hiệu lực tối đa và việc lấy báo giá của cùng một model sản phẩm là thế nào? Phải lấy báo giá của các sản phẩm có chỉ tiêu kỹ thuật khác nhau ra sao? Chủ thể hợp lệ được cung cấp báo giá như thế nào?
Hơn nữa, mặc dù trang, thiết bị y tế được xác định thông qua đấu thầu, việc xây dựng dự toán để đấu thầu gặp nhiều khó khăn do yêu cầu đặc thù về mặt chuyên môn của lĩnh vực y tế. Nghĩa là, mua sắm cùng chủng loại thiết bị nhưng lại có yêu cầu về cấu hình, tính năng kỹ thuật chi tiết khác nhau (do phụ thuộc nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, năng lực đội ngũ chuyên môn, điều kiện cơ sở hạ tầng…) dẫn đến giá dự toán khác nhau.
Thời gian qua, Bộ Y tế và UBND tỉnh, thành phố từng bước ủy quyền, phân cấp thẩm quyền mua sắm để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Tuy nhiên, theo quy định về cơ chế tự chủ, các đơn vị vẫn còn lúng túng trong xác định thẩm quyền quyết định phê duyệt dự toán chi, thầm quyền quyết định mua sắm (danh mục, dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu…) từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính. Vì vậy, việc đấu thầu, mua sắm đã bị chững lại, dẫn đến chưa tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa dịch vụ kể từ khi Nghị định 60/2021/NĐ-CP có hiệu lực.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng khẳng định, Bộ Y tế đang trong quá trình đánh giá, làm rõ hồ sơ dự thầu để bảo đảm đúng quy định, đáp ứng nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu.
* PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam: Đành rằng chậm để chắc chắn là đúng quy trình nhưng như vậy thì không bảo đảm tính kịp thời trong việc khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Người dân không thể bị bệnh theo quy trình cũng như chờ thuốc, thiết bị y tế theo quy trình.
* Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Chữa bệnh là “cứu người như cứu hỏa”, việc cung ứng chậm trễ khiến các cơ sở y tế phải tự tìm cách xoay sở. Những giáo sư, bác sĩ tay nghề giỏi nhưng năng lực quản lý kém dẫn đến sai phạm. Điều đáng buồn là lỗ hổng trong cơ chế tạo cơ hội cho lòng tham của một số cá nhân có ham muốn trục lợi.
* PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Cơn bão Việt Á nổi lên và làm phát sinh một vấn đề khác tiếp tục kéo chậm quá trình cung ứng thuốc men, trang thiết bị ngành y. Đó là tâm lý sợ sai của các cán bộ ngành y. Họ loay hoay vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh.
* Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Nếu vì sợ sai phạm mà thiếu tinh thần trách nhiệm, có tiền mà không dám đấu thầu, đấu giá thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh là vô trách nhiệm, có tội với nhân dân. Khi người bệnh vào bệnh viện mà không đủ trang bị, thuốc men để điều trị kịp thời, lỗi là của bệnh viện. Cán bộ lãnh đạo quản lý mà ngán ngại đấu giá, đấu thầu là hèn nhát, sai quy định nên cũng cấn phải xử lý.
Ngày đăng: 07:58 | 28/06/2022
Thanh Hải / VTC News