Trước đây, có nhiều người mắc Covid-19 băn khoăn về việc nên hay không nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 và thời điểm nào là thích hợp.

TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết về lý thuyết sau khi nhiễm virus, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, với virus SARS-CoV-2 nghiên cứu cho thấy miễn dịch tạo ra do việc nhiễm tự nhiên yếu.

Trước đây, có bệnh viện từng nghiên cứu việc sử dụng huyết tương của người đã mắc Covid-19 để điều trị thì thấy trong số rất nhiều người đến lấy huyết tương thì 50% không có kháng thể, chỉ 10% có kháng thể ở mức cao.

"Thời điểm đấy, một người đã nhiễm bệnh tự nhiên là nhiễm rất sâu, virus ở vùng hô hấp cũng tạo ra miễn dịch mạnh hơn thế nhưng kháng thể tạo ra vẫn ít. Trong khi đó, với chủng Omicron người ta thấy nhiễm chủ yếu ở đường hô hấp trên vì thế miễn dịch tạo ra không giống như các chủng trước đây", TS Thái phân tích.

Vì thế, từ trước đến nay các chuyên gia vẫn khuyến cáo dù đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh thì vẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 ngay khi có thể. Tương tự với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi dù đã mắc bệnh nhưng khi có vaccine thì vẫn nên tiêm. Đặc biệt là khi hiện nay biến thể Omicron đang chiếm ưu thế tại nước ta.

Theo TS Thái, dù nhiễm hay chưa nhiễm thì với trẻ em việc tiêm vaccine ngay sau đó cũng sẽ tạo ra miễn dịch tốt hơn cho cơ thể để phòng tránh những đợt tái nhiễm sau này. Nếu đã tiêm rồi mà lại nhiễm thì miễn dịch tạo ra rất mạnh hoặc nhiễm rồi mà tiêm bổ sung thì miễn dịch tạo ra cũng rất tốt. Đó là lý do vì sao không cần phân biệt có nhiễm hay không nhiễm trong quá khứ để quyết định việc tiêm vaccine phòng Covid-19.

Điều này có nghĩa là dù trẻ có mắc hay không mắc vẫn tiêm phòng. Về việc bao lâu sau khi mắc Covid-19 trẻ có thể tiêm vaccine được thì giống như người lớn, nếu trẻ mắc Covid-19 chỉ cần khỏi là có thể tiêm được.

Mới đây, trong Hội nghị trực tuyến về triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người mắc Covid-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết chưa có đầy đủ bằng chứng để hiểu rõ về các biến chủng của SARS-CoV-2, tuy nhiên việc áp dụng các biện phòng chống đặc biệt là tiêm chủng là rất quan trọng. Việt Nam đã từng bước mở rộng các nhóm đối tượng tiêm trên 18 tuổi, trên 12 tuổi với tỷ lệ tiêm chủng cao và sắp tới là triển khai cho nhóm trên 5 tuổi.

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người đã mắc Covid-19 được thực hiện như sau:

- Thống nhất chủ trương tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm các liều cơ bản cùng loại vaccine cho trẻ.

- Các đối tượng trên 12 tuổi đã mắc thì tiêm vaccine phòng Covid-19 sau khi hồi phục 3-6 tháng.

Thứ trưởng cũng giao các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và các Viện nghiên cứu thu thập dữ liệu đối tượng đã tiêm chủng, đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine, tỷ lệ nhiễm, tái nhiễm, số mắc nặng thuộc địa bàn được phân công quản lý để phân tích và đề xuất việc sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong gian tới.

Các bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi các tỉnh, thành phố và Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố phân tích tình hình trẻ mắc Covid-19 đến khám, nhập viện, mắc nặng, tử vong, mắc Hội chứng MIS-C trên địa bàn gửi Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã mắc Covid-19 sẽ được tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định thay vì đợi 6 tháng như trước.

PV (th)

Chất độc trong kit test nhanh COVID-19 nguy hiểm đến mức nào? Chất độc trong kit test nhanh COVID-19 nguy hiểm đến mức nào?
Xử lý chất thải có nguy cơ gây nhiễm COVID-19 trong dân cư Xử lý chất thải có nguy cơ gây nhiễm COVID-19 trong dân cư
Làm gì để cải thiện chức năng phổi hậu COVID-19? Làm gì để cải thiện chức năng phổi hậu COVID-19?

Ngày đăng: 09:31 | 05/04/2022

/ Nghề nghiệp và cuộc sống