Qua nắm bắt thị trường Bộ Xây dựng nhận thấy, hiện tượng giá nhà chung cư cũ tăng cao do tình trạng "thổi giá" của giới đầu cơ. Thực tế, nhiều môi giới thúc giục người mua nhà nếu không mua ngay thì chung cư tăng giá dẫn đến mức giá giao dịch bị đẩy lên khá cao so với giá trị thực.

chung-cu-hn

Trong bản dự thảo gửi về Văn phòng Chính phủ phục vụ buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với một số Tập đoàn, Tổng Công ty trong lĩnh vực bất động sản, nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết giá chung cư tại khu vực các đô thị lớn có xu hướng tăng hàng năm.

Mua gom chung cư Hà Nội chờ đẩy giá, tăng giá

Trong 2 năm gần đây, thị trường chung cư tại TP. Hà Nội tăng giá nhanh và mạnh. Khoảng cách giá bán nhà ở chung cư tại thị trường Hà Nội và TP.HCM ngày càng thu hẹp lại (năm 2019, khoảng cách giá sơ cấp giữa 2 thị trường là 30%; năm 2024, khoảng cách giá giữa 2 thị trường dao động chỉ còn từ 5-7%).

Tại thời điểm quý I/2023, lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp và tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Bình Định...).

Mức độ tăng, giảm giá bán theo từng khu vực của các địa phương có sự khác nhau. Cụ thể, dự án Vinhomes Metropolis tại Hà Nội tăng khoảng 3,5% lên mức 99,1 triệu đồng/m2, Lạc Hồng Westlake tại Hà Nội tăng khoảng 3,6% lên mức 36,1 triệu đồng/m2, Cosmo City tại TP.HCM tăng khoảng 3,8% lên mức 47,3 triệu đồng/m2, The Grand Manhattan tại TP.HCM giảm khoảng 4,4% xuống mức 163,6 triệu đồng/m2.

"Riêng tại thị trường bất động sản Hà Nội, phân khúc nhà ở chung cư cũ đã qua sử dụng được đẩy giá giao dịch lên khá cao, tuy nhiên thực tế các giao dịch thành công lại không nhiều", Bộ Xây dựng nhận định.

Bộ này cho biết thêm, qua kiểm tra, nắm bắt tình hình thị trường thì hiện tượng giá nhà chung cư cũ tăng cao chủ yếu là do tình trạng “thổi giá” của một số cá nhân đầu cơ.

Thực tế cho thấy, trong quá trình tư vấn cho khách hàng, nhiều môi giới bất động sản đều thúc giục, cảnh báo người mua nhà về việc nếu không mua ngay thì chung cư sẽ tăng giá dẫn đến mức giá giao dịch bị đẩy lên khá cao so với giá trị thực.

Đến thời điểm quý II/2024, theo khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ 5-6,5% trong quý và 25% theo năm tùy từng khu vực và vị trí.

"Giá bán chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở căn hộ cũ đã qua sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, tình trạng giá nhà chung cư tăng cao này cũng chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn, đồng thời có dấu hiệu chững lại vào cuối quý do giá đã ở mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái đợi một số loại hình bất động sản khác như đất nền, nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu", Bộ Xây dựng nêu tại dự thảo.

Cụ thể, tại Hà Nội, thời điểm cuối năm 2023 và nửa đầu quý I/2024, ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán đã xuất hiện tình trạng giá căn hộ chung cư tăng nóng.

Trong đó, giá giao dịch nhà ở chung cư tăng khá cao và tập trung chủ yếu tại khu vực các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và có xu hướng lan dần sang các khu vực lân cận khác. Mức tăng bình quân trong 6 tháng đầu năm khoảng 12,5% so với cuối năm 2023.

 

Tuy nhiên, các giao dịch chủ yếu đến từ các đối tượng đầu cơ, mua gom chờ đẩy giá, tăng giá và lượng giao dịch căn hộ chung cư tăng khoảng 10,3% so với cuối năm 2023.

Trong quý II/2024 tại Hà Nội, giá rao bán một số dự án căn hộ chung cư trên thị trường có sự tăng giá cao, cụ thể như tại các khu đô thị Royal City tăng 33%; The Pride 33%, Mỹ Đình Sông Đà - Sudico tăng 32%; Vinhomes West Point tăng 28%. Một số khu đô thị đã cũ như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, giá chung cư cũng tăng 25%; khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên có mức tăng 20%,…

Tại thị trường thứ cấp, giá rao bán tại một số dự án có mức độ tăng giá bình quân cao trong quý như: 249A Thụy Khuê (Tây Hồ) tăng khoảng 12,1% (lên mức 55,8 triệu đồng/m2), D’. El Dorado II (Tây Hồ) tăng khoảng 9,6% (lên mức 80,6 triệu đồng/m2), Vinata Tower (Cầu Giấy) tăng khoảng 9,9% (lên mức 53,1 triệu đồng/m2).

Đến thời điểm cuối quý II/2024, sau khi thiết lập mặt bằng giá tương đối cao, lượng giao dịch nhà ở chung cư có dấu hiệu chững lại.

Mức độ tăng giá chung cư TP.HCM hạn chế hơn so với Hà Nội

Tại TP.HCM, thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu khởi sắc so với cuối năm 2023, tuy nhiên, mức độ tăng giá và sự quan tâm hạn chế hơn so với Hà Nội.

Sau một thời gian giữ ổn định, có chút giảm nhẹ thì đến quý II/2024, giá giao dịch sơ cấp tăng dao động trong khoảng hơn 6% (phụ thuộc vào dự án, khu vực).

Trong quý II/2024, biến động giá rao bán căn hộ chung cư tại TP.HCM phân khúc trung cấp (giá 35-55 triệu đồng/m2) tăng 2%; cao cấp (giá trên 55 triệu đồng/m2) tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng thời, giá bán của các dự án chung cư đã qua sử dụng ở TP.HCM cũng có xu hướng tăng, nhất là khu vực nội thành, cụ thể như dự án căn hộ chung cư City Garden (quận Bình Thạnh) rao bán trung bình 85 triệu đồng mỗi m2, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; dự án Antonia (quận 7) và Masteri Thảo Điền (quận 2) lần lượt tăng 11% và 10%.

Về tổng thể, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM chỉ tăng bình quân khoảng 6% so với thời điểm cuối năm 2023 .

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, việc giá nhà ở chung cư tăng cục bộ tại một số địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM... là do nguồn cung mới tiếp tục hạn chế, số lượng các dự án mới mở bán không nhiều. Sự khan hiếm về nguồn cung nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân trong thời gian qua đã góp phần tác động làm tăng giá bán tại các dự án.

https://markettimes.vn/bo-xay-dung-gia-chung-cu-da-di-vao-su-dung-tang-cao-bat-thuong-la-do-dau-co-mua-gom-cho-day-gia-64640.html

Ngày đăng: 13:54 | 26/09/2024

/