Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng sẽ chủ trì bàn thảo các nội dung liên quan.
Ý kiến trên được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu tại phiên thảo luận về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng diễn ra chiều 29/5, Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ sự tri ân đối với sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ, với ngành Y tế trong trận tuyến chống dịch COVID-19 vừa qua. Bộ trưởng cũng giải đáp 4 nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu chiều 29/5. (Ảnh: Quochoi.vn)
Thứ nhất, về vấn đề chuyển dịch COVID-19 từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu nhưng đại dịch chưa kết thúc.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đang phối hợp cùng các Bộ, ngành rà soát quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Việt Nam, Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
"Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng sẽ chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 bàn thảo các cái nội dung liên quan đến nội dung này", bà Lan nói.
Liên quan vấn đề tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.
Hiện, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng bệnh…nhằm giải quyết căn cơ các vướng mắc trên.
Về giải quyết nguồn cung ứng thuốc, đến nay đã cấp hơn 4.000 giấy phép và hơn 10.470 loại thuốc được gia hạn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. "Tuy nhiên các cơ sở y tế vẫn còn tâm lý sợ mua sắm, đấu thầu thuốc, bài toán khó khăn này cần nhiều giải pháp tổng thể hơn. Bộ thấu hiếu và thường xuyên có các cơ chế về mua sắm, đấu thầu, mong các địa phương, Bộ ngành đồng hành cùng tháo gõ", Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường chiều 29/5.
Bên cạnh đó, về chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, năm 2018 Tổ chức Y tế thế giới nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản. Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội đã đánh giá được những kết quả, những mặt được làm được, những vấn đề còn tồn tại về chính sách y tế cơ sở, y tế dự phòng, những ý kiến phát biểu của các đại biểu rất tâm huyết và trách nhiệm để cùng cố và phát triển hệ thống này.
"Bộ Y tế đã hoàn thành dự thảo Chỉ thị xây dựng y tế cơ sở, y tế dự phòng trong tình hình mới. Dự kiến sẽ trình Ban Bí thư xem xét thông qua vào tháng 6/2023", bà cho biết thêm.
Ở cương vị bác sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, đến nay Việt Nam có thể yên tâm công bố hết dịch COVID-19 vì đã đủ các điều kiện.
Ông lý giải điều kiện đầu tiên, tỷ lệ bệnh nặng do COVID-19 gây ra hầu như không còn, những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng có dương tính, cho thấy COVID-19 vẫn còn lây nhiễm cộng đồng nhưng không còn nguy hiểm, gây tử vong cao.
Điều kiện thứ hai, Việt Nam đạt tỷ lệ bao phủ vaccine rất rộng. Có 266 triệu liều được tiêm, người trên 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản, mũi thứ tư được tiêm cho người từ 18 tuổi có nguy cơ cao. Như vậy, chúng ta có thành công rất lớn về tiêm vaccine.
Điều kiện thứ ba, tình hình COVID-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5, WHO tuyên bố đại dịch không còn ở tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là 3 điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, nghĩa là từ nhóm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền cao, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao sang nhóm truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong.
Ngày đăng: 19:32 | 29/05/2023
HÀ CƯỜNG / VTC News