Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin, Bộ đang điều tra vụ việc đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sáng nay, 10-8, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Siu Hương (đoàn Gia Lai) đặt câu hỏi về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân mà Bộ Công an đang triển khai. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề hiện thông tin cá nhân được rao bán trên mạng xã hội đang phổ biến, vậy có giải pháp gì phòng ngừa, ngăn chặn, để người dân yên tâm rằng thông tin của mình không bị trôi nổi trên mạng xã hội?
Trả lời các nội dung này, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nói chung, đối với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nói riêng, Bộ Công an đang tích cực thực hiện.
Thông tin cụ thể hơn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân của Việt Nam cũng như nhiều nước là rất đáng báo động. Trong khi đó, hành lang pháp lý về vấn đề này chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân cũng chưa cao.
Để hạn chế, Bộ Công an đang triển khai nhiều giải pháp, đầu tiên là xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân, song cũng còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, Bộ Công an đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, sau nhiều lần trình thì có thể tới đây sẽ ban hành được.
Tiếp theo, về lộ trình, đến năm 2024, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình ra Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới đã rất nhiều nước ban hành Luật.
Song song đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia trên môi trường không gian mạng.
Đặc biệt sẽ điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật. “Điển hình, chúng tôi đang điều tra vụ việc đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân, được cho là lấy nguồn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Rồi một số cơ sở dữ liệu ở các ngành khác, chẳng hạn như Bộ Y tế… cũng có nguy cơ để lộ lọt” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về bảo vệ cơ sở dữ liệu cá nhân của Bộ Công an trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm xác định, dữ liệu này là tài nguyên của quốc gia nên phải được bảo đảm an toàn, an ninh. Bộ Công an đã tổ chức triển khai từ đầu rất nghiêm ngặt, thực hiện đúng các điều kiện về an ninh, an toàn ở mức độ 4 của quốc gia. Hiện nay đang tiếp tục rà soát, đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm ngặt việc thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư cùng với sự phân cấp, phân quyền chặt chẽ từ trung ương đến các cơ sở. “Chúng tôi xem đây là mệnh lệnh trong ngành Công an để quản lý, làm các việc này” - Đại tướng Tô Lâm nói.
Mặt khác, Bộ Công an thường xuyên tổ chức giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24 để ngăn chặn việc tấn công xâm nhập, lấy cắp dữ liệu. Nếu không có một hệ thống đảm bảo an toàn thì nguy cơ bị tấn công rất lớn, trong đó nhiều cuộc tấn công từ nước ngoài.
“Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra độ an ninh, an toàn của hệ thống ở các bộ ngành, địa phương và chỉ thực hiện kết nối khi nào thấy an toàn. Hiện qua kiểm tra mới xác định được 10 bộ ngành và 33 địa phương có thể đảm bảo được an toàn trong việc kết nối với trung tâm thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư” - Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm.
Ngày đăng: 09:24 | 10/08/2022
Tiến Hưng / ANTĐ