Học phí bình quân với sinh viên Việt Nam là 630 USD mỗi năm, trong khi con số này ở Mỹ là 19.000 USD, ở Trung Quốc 3.500 USD.
Quốc hội tiếp tục dành trọn ngày làm việc hôm nay 6/6 để tiến hành hoạt động chất vấn.
Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời các câu hỏi về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Từ 14h30, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đăng đàn. Đây là lần đầu tiên ông thay mặt Thủ tướng đăng đàn trong một phiên chất vấn của Quốc hội khoá 14. Trước đó ở Chính phủ nhiệm kỳ khoá 13, ông từng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với tư cách Bộ trưởng Tài chính.
Theo thông lệ, Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ và Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm, Phó thủ tướng thường trực trả lời chất vấn ở kỳ họp giữa năm; giữa năm 2017, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã đăng đàn trong phiên chất vấn.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm về những yếu kém của ngành
Có 5 phút báo cáo trước Quốc hội trước khi bước vào phần hỏi - đáp, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói thời gian qua ngành giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn, khó, cần thời gian mới phát huy được kết quả của đổi mới. Bản thân ngành cũng còn nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Nhạ xin chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được và hứa thực hiện tốt hơn thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn trưởng ngành giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Trường Phong |
200.000 cử nhân thất nghiệp
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Giáo dục Đào tạo thừa nhận, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn một lực lượng lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động. Cụ thể, số lao động trong độ tuổi lao động (15-60) có trình độ đại học không có việc làm là khoảng 200.000 người.
Bộ Giáo dục cho rằng, nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp trên không quá lớn (năm 2017 tỷ lệ này khoảng từ gần 3% đến 4,5%), chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động.
"Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới", Bộ Giáo dục trần tình.
Mỗi năm người Việt chi 3-4 tỷ USD du học nước ngoài
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân về thực trạng ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam chọn nước ngoài du học trong khi trong nước có nhiều trường tốt, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo ông Nhạ, Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành 20% ngân sách để đầu tư, cùng với đó còn có sự tham gia đóng góp của xã hội, doanh nghiệp rất lớn. Kinh nghiệm phát triển giáo dục của Hàn Quốc, Trung Quốc,... cũng có sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển giáo dục.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, hàng năm số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu ở dạng học bổng, không học bổng rất lớn với số chi vào khoảng 3-4 tỷ USD. Bộ đã tham mưu Chính phủ có chính sách khuyến khích xã hội hoá, hiện nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào giáo dục theo chuẩn quốc tế.
Ngân sách Nhà nước tập trung cho giáo dục phổ cập, vùng khó khăn. Còn giáo dục chất lượng cao thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm, nhưng rất trông đợi vào đầu tư của tư nhân với chương trình học tiên tiến, kiểm định chất lượng dạy, học ngay từ đầu. Giải pháp này, theo ông Nhạ sẽ tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực cho Nhà nước.
Gắn đào tạo với thị trường lao động
Bộ trưởng Giáo dục cho hay thực trạng hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp "là có thật" và gốc của vấn đề nằm ở chất lượng giáo dục.
Để giải quyết được một cách căn cơ vấn đề trên, ông cho hay sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.
Trường đại học không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đến đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên mình đào tạo cũng như với thị trường lao động.
"Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm chứ không nặng về tiền kiểm như trước nữa", ông Nhạ nói.
Bệnh thành tích có yếu tố về "văn hoá, thói quen"
Chất vấn về bệnh thành tích của ngành giáo dục, đại biểu Bùi Thị Thuỷ cho hay, khảo sát tại một số trường trung học phổ thông trong năm học 2017 - 2018 cho thấy khoảng 55-60% học sinh đạt khá, giỏi; tỷ lệ này ở lớp 11, lớp 12 còn cao hơn, lên tới khoảng 70%.
Từ thực trạng trên đại biểu Thuỷ cho rằng đó là biểu hiện rõ nét nhất của bệnh thành tích trong ngành giáo dục.
"Bộ trưởng có biết giấy khen hiện nay ở các nhà trường đang dần mất giá trị bởi vì cho quá dễ, kéo theo số lượng học sinh khá giỏi quá nhiều", đại biểu Thuỷ nêu.
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, quả thực vấn đề về "bệnh thành tích" đã tồn tại từ lâu và "mặc dù ngành Giáo dục luôn cố gắng nói không" nhưng nhận thấy trong quá trình thực hiện, đây không chỉ là vấn đề dừng lại ở quy định mà còn liên quan tới văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng, Bộ đang tích cực để hạn chế vấn đề này, cũng đã có những văn bản đề nghị bỏ rất nhiều cuộc thi, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn để tiến tới việc không công nhận điểm các cuộc thi vào thành tích thi đua, nhằm làm sao cho kết quả phải phản ánh được chất lượng giáo dục thực tại.
Bộ trưởng Nhạ thừa nhận rằng chính việc đăng ký thi đua làm cho nhiều thầy cô phải chạy đua điểm "ảo" và Bộ đang rất gắt gao làm việc trong vấn đề này. Theo đó, Bộ trưởng cũng tiết lộ rằng Bộ sẽ hướng tới việc thầy cô nào có sáng tạo sẽ được khuyến khích, biểu dương chứ không đăng ký thành tích nữa.
Giáo dục phải có "quá độ"
Đại biểu Hồ Thị Vân chia sẻ bà nhớ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nói “giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới?”. Bà Vân đặt câu hỏi: “Chúng ta phải đi hết bao lâu trên con đường quá độ? Đã tới đoạn nào của quá độ?”.
Bộ trưởng Giáo dục khẳng định đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể. Ví dụ vấn đề thi cử. Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ.
“Chúng ta phải đổi mới, về căn bản giáo dục không thể đứng yên”, ông Nhạ nói. Giải đáp cho câu hỏi "chúng ta đang đi đến đoạn nào của quá độ", Bộ trưởng Nhạ nói đang ở đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ có kết quả, điển hình là phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi và việc này được nhiều nước ghi nhận. Trẻ 5 tuổi vào mầm non ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao chỉ sau Singapore. Kết quả đổi mới trung học, phổ thông cũng được nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Worldbank đánh giá cao.
“Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét”, Bộ trưởng Giáo dục tự tin nói.
Bạo hành trẻ mầm non là "không thể chấp nhận được"
Đại biểu K\'Nhiêu nêu bất cập trong đào tạo mầm non, ông muốn Bộ trưởng Giáo dục nhìn nhận rõ thực trạng và đưa ra giải pháp căn cơ.
Tiếp mạch vấn đề, đại biểu Đặng Thuần Phong không đồng tình với trả lời trước đó của Bộ trưởng Nhạ cho rằng giáo dục mầm non Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. "Ai đánh giá cao tôi không rõ, nhưng xin nhắc lại hiện quy mô phát triển lĩnh vực giáo dục này không đồng đều, mạng lưới chưa đồng bộ, chưa kể nguồn lực đầu tư cho mầm non rất thấp. So với các khu vực giáo dục khác thì tỷ lệ gia đình phải đóng góp đào tạo nhiều nhất, trong khi bức xúc của xã hội với giáo dục mầm non là rất lớn", ông Phong nói.
Hình ảnh bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Mẹ Mười, Đà Nẵng. Ảnh: F.B. |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, đây là một trong vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua.
Hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon, 337.000 giáo viên. Ông Nhạ đánh giá, cơ bản các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non.
"Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa", ông nói.
Về giải pháp khắc phục, ông Nhạ nói căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý. "Hiện chế độ cho giáo viên mầm non thấp quá, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng một tháng thì các cô rất khó khăn, đây cũng là lý do gây áp lực. Bộ Giáo dục đã làm việc với Bộ Nội vụ, một mặt tăng cường chất lượng đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm mon", Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Bộ Giáo dục cấm học tủ, học lệch
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, chất vấn việc nhiều địa phương muốn được công nhận nông thôn mới nên "xin được nợ chuẩn giáo dục". Bộ trưởng Nhạ thừa nhận đây là hiện tượng có thật. "Một số địa phương nói rằng đã có kế hoạch để khắc phục việc này. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, tôi kiên quyết không cho phép nợ chuẩn. Tới đây khi chương trình giáo dục được tích hợp sẽ không còn việc nợ chuẩn giáo dục để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới", ông Nhạ hứa.
Tranh luận với Bộ trưởng, ông Cương nói nợ chuẩn giáo dục tại các địa phương không chỉ gắn với việc "muốn đạt chuẩn nông thôn mới", nhiều trường học tại các đô thị lớn cũng mắc hiện tượng này. Cụ thể như, trường trung học cơ sở nhưng bàn ghế lại tiểu học. Đến lúc gia đình chịu không nổi bỏ tiền ra mua để thay thế, hỏng thì trường lại gọi phụ huynh đến sửa.
"Việc này tôi đã kiến nghị Bộ Giáo dục nhưng chưa được khắc phục. Cách hội trường chúng ta đang ngồi vài trăm mét, trường đạt chuẩn quốc gia cũng chưa đạt chuẩn. Nếu trưa nay Bộ trưởng có thời gian tôi xin mời bộ trường cùng tôi qua khảo sát", ông Cương nói.
Ông Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu hiện tượng học sinh chỉ học môn sẽ thi tốt nghiệp, bỏ học những môn không thi và phụ huynh “nộp tiền” cho giáo viên để con em được công nhận, đủ tiêu chuẩn thi. “Bộ trưởng có biết việc này không, giải pháp nào chặn tình trạng tiêu cực đó?”, ông Cương hỏi.
Trưởng ngành giáo dục cho biết, Bộ chưa có thống kê rõ ràng nhưng hiện ttượng học tủ, học lệch là có, đặc biệt ở trường chuyên.
"Bộ Giáo dục cấm hiện tượng này. Chúng tôi kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục giám sát. Song cũng mong nhà trường thực hiện nghiêm quy định của Bộ để các cháu được học toàn diện, chứ không phải học để thi", ông Nhạ nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng Giáo dục bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Võ Hải Hệ thống máy bị "treo" do quá nhiều đại biểu chất vấn Hơn một tiếng sau khi phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục bắt đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo: hiện nay đã có 9 đại biểu chất vấn, 67 đại biểu chờ chất vấn, 11 đại biểu tranh luận, 8 đại biểu chờ tranh luận. Bà Ngân cho hay "như vậy tổng cộng có 80 đại biểu đã đăng ký chất vấn và tranh luận nên hệ thống máy chịu không nổi, bị treo". Đạo đức giáo viên xuống cấp có nguyên nhân từ nhiều phía Bình luận về nội dung chất vấn liên quan đến sự xuống cấp đạo đức giáo viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng "vừa qua dư luận rất bức xúc về vấn đề này". Tuy nhiên, bà Ngân nói, những trường hợp giáo viên hành xử không đúng mực chỉ là cá biệt, không phải phổ biến. "Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo chúng ta xuống cấp về đạo đức", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm. Theo lãnh đạo Quốc hội, đại biểu muốn nói tới trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục, vì chỉ khi báo chí, dư luận lên tiếng về những trường hợp liên quan đến đạo đức giáo viên thì các trường mới vào cuộc. Bà Ngân cho rằng, các trường đều có địa chỉ rõ ràng, ở đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, ban ngành, đoàn thể đầy đủ. Nhưng khi xảy ra chuyện thì chính quyền địa phương, đoàn thể ở đó có biết hay không?. "Việc xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên có trách nhiệm của cả hệ thống, cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ có trách nhiệm của riêng Bộ trưởng Giáo dục", Chủ tịch Quốc hội nói.
|
Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng Giáo dục cho biết triết lý cô đọng của giáo dục Việt Nam là gì? Chủ tịch Quốc hội nhận xét, câu hỏi này cần có một hội thảo để trả lời và đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với đại biểu Hải.
Đại học sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi
Giơ biển tranh luận, đại biểu Phạm Đình Cúc cho hay, Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi trước đó của ông về chất lượng đầu vào của ngành sư phạm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, mùa tuyển sinh năm ngoái có trường hợp chỉ 3 điểm cũng đỗ vào cao đẳng sư phạm, còn với các trường Đại học sư phạm thì hầu hết điểm đầu vào đều trên điểm sàn (15 điểm), một số trường tốt điểm đầu vào trên 20 điểm.
"Chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp là vấn đề rất báo động", Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận và cho rằng, giáo viên sư phạm là "máy cái" nên chất lượng đầu vào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung.
Ông Nhạ cho hay, Bộ đã rút kinh nghiệm và thống nhất với các trường sư phạm đề ra quyết tâm nâng cao chất lượng đầu vào. Cụ thể, chỉ xét tuyển hồ sơ giỏi khi tuyển sinh viên vào ĐH sư phạm, với các trường cao đẳng hồ sơ phải đạt khá.
Học phí thấp chất lượng đại học khó cao
Chất vấn Tư lệnh ngành giáo dục, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu băn khoăn khi Việt Nam có 300 trường đại học, nhưng chỉ 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. Đại biểu nêu câu hỏi "giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng châu Á?".
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nhạ thông tin: "Hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học chúng ta còn thấp, trong xếp hạng Ranking chưa có trường đại học nào xếp vào bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây, có 5 trường được vào nhóm 400 của châu Á. Theo thông tin tôi mới biết, đã có 2 đại học lọt vào 1.000 trường tốt nhất thế giới".
Ông Nhạ cho hay đây là tín hiệu đáng mứng. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm định đồng thời thực hiện xếp hạng các trường với nhau và xếp hạng giữa trường trong nước với trường quốc tế. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để đầu tư cho những trường xuất sắc.
Bộ trưởng Giáo dục cũng thừa nhận chất lượng đào tạo đại học còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là khi Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
"Nguyên nhân có nhiều nhưng trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với yêu cầu của thị trường, chương trình học chủ yếu được các thầy cô xây dựng dựa trên hiểu biết chứ không xuất phát từ thực tế. Bên cạnh đó là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính còn nhiều vấn đề…", ông Nhạ nêu lý do.
Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo Bộ Giáo dục dẫn ra để lý giải chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế là mức học phí. Ông Nhạ cho rằng mức học phí tại Việt Nam thấp và cho rằng "đồng tiền đi liền chất lượng".
"Ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi con số này ở Mỹ là 19.000 USD, ở Trung Quốc 3.500 USD,... chi phí thấp nên nên chất lượng đại học khó mong đợi cao", Bộ trưởng Giáo dục nói.
Về phương án cải tiến chất lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nhạ cho hay, Bộ sẽ cố gắng không đầu tư dàn trải, sẽ có những trường được đầu tư trọng điểm, hướng tới xã hội hóa, trong khi những trường chất lượng vừa phải có thể phải xem xét sáp nhập, giải thể.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn- ĐBQH muốn làm rõ thu giá dịch vụ đào tạo
Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp ... |
Học sinh bị phạt uống nước giặt giẻ lau bảng: Bộ trưởng Nhạ nói \'đây là điều đau xót\'
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết rất xót xa khi có hiện tượng cô giáo phạt học sinh ... |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ Giáo dục sẽ kiên quyết cấm học lệch, ngăn chặn bệnh thành tích
Liên quan đến vấn đề đại biểu chất vấn về "bệnh thành tích trong giáo dục", "trường chuẩn quốc gia mà chưa phải chuẩn", "học ... |
Ngày đăng: 14:37 | 06/06/2018
/ VnExpress