Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết rừng tự nhiên của Việt Nam mới phục hồi 30 năm trong khi ở các nước bạn, dân số thấp nhưng diện tích rừng tự nhiên lại nhiều.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội hôm 6/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiền (tỉnh Lâm Đồng) phản ánh việc qua Google Maps, có thể thấy chất lượng rừng của nước thấp hơn rất nhiều so với các nước có cùng biên giới. Từ đó, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Trả lời thắc mắc của đại biểu Hiền, Bộ trưởng Cường khẳng định việc theo dõi trên bản đồ Google maps của đại biểu là chính xác. Bởi tỷ lệ che phủ rừng của Lào hiện tại là 58%, Campuchia là 47% trong khi Việt Nam chỉ là 41.89%.

"Các nước Lào, Campuchia diện tích tự nhiên bình quân trên đầu người về tài nguyên đất của họ rộng hơn. Lào chủ yếu là rừng trong khi dân số của họ chỉ hơn 5 triệu. Bản thân diện tích rừng tự nhiên của họ là nhiều. Rừng tự nhiên Việt Nam 10,3 triệu ha, chúng ta phục hồi từ năm 1990 mới có 9 triệu ha. Chất lượng rừng của chúng ta là non, chưa đảm bảo", ông Cường cho biết.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trường Cường cho rằng cần phải có trách nhiệm cao nhất với 2 loại rừng.

Với rừng tự nhiên, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng phải kiên quyết không để can thiệp chuyển diện tích rừng tự nhiên.

"Bất cứ chuyển đổi nào cũng cần tuân thủ đúng pháp luật. Bằng cơ chế, tăng cường người tham gia quản lý bảo vệ rừng để rừng tự nhiên phục hồi nhanh hơn. Trên các khu vực trọng yếu như Lâm Đồng, Tây Bắc, phải có các chương trình riêng để tập trung phục hồi nhanh rừng cho các khu vực này. Chính phủ đã có đề án phát triển rừng cho Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng ven biển", Bộ trưởng Cường cho hay.

Bộ trưởng NN&PTNT: Nhìn Google, rừng Việt Nam ít hơn Campuchia, Lào là chính xác - 1
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Liên quan việc trồng rừng, Bộ trưởng Cường cho biết diện tích của loại rừng này hiện nay là 4,3 triệu ha nhưng cơ cấu cây trồng chủ yếu là keo, sinh khối nhanh nhưng độ che phủ và độ chống chịu thiên tai còn kém. Do đó, ông Cường nhận định cần phải thay dần bằng cây gỗ lớn, cây bản địa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý tới tầm quan trọng của việc tăng nhanh rừng quản trị FSC. Mục tiêu đặt ra là tới năm 2025, các địa phương phải nâng diện tích FSC từ 320.000 ha lên 1 triệu ha FSC.

Ngoài ra, Bộ trưởng Cường cho rằng cần tăng cường biện pháp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, kiên quyết, áp dụng chế tài mạnh trong xử lý hình sự với các vi phạm về rừng. Năm 2019, các cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 373 vụ, khởi tố 48 vụ, nhưng Bộ trưởng cho rằng vẫn cần làm tích cực hơn nữa.

Theo Bộ trưởng, Bộ NN&PTNT đã đưa ra các nhóm giải pháp để tăng cường việc bảo vệ và khôi phục rừng. Theo đó, ông Cường cho rằng nếu có nguyên nhân từ công tác quản lý thì tất cả các cấp phải vào cuộc. Nếu nguyên nhân từ rừng thì phải bằng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Chuyên gia: Chuyên gia: "Mất rừng tự nhiên là một trong nguyên nhân sạt lở núi"

Mưa lớn và kéo dài, địa hình dốc, mất rừng tự nhiên... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đồi núi nghiêm ...

Miền Trung dồn dập gánh thiên tai Miền Trung dồn dập gánh thiên tai

Từ ngày 4 đến 31/10, miền Trung trải qua ba đợt lũ, bốn cơn bão, hàng loạt vụ sạt lở đất làm 159 người chết, ...

Ngày đăng: 13:05 | 06/11/2020

/ vtc.vn