Được quy hoạch 6 cao tốc, 4 tuyến đường vành đai nhưng TP HCM hiện chưa hoàn thành đến 1/3 do thiếu vốn.

Chiều 12/4, làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP HCM, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, 85% diện tích của TP HCM đã đô thị hóa, không còn động lực phát triển nên phải có hệ thống đường vành đai, cao tốc.

"Tình hình hiện tại nếu không phát triển giao thông, tăng trưởng của thành phố sẽ bị chậm dần và bão hòa. Thành phố có 5 quốc lộ hướng tâm nhưng mặt đường đều nhỏ hẹp, nếu đầu tư mở rộng cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vì dân cư đã ổn định thời gian dài", ông Thể nói.

bo truong nguyen van the tp hcm khong the phat trien neu thieu cao toc duong vanh dai
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong buổi làm việc chiều nay. Ảnh: Hữu Công

Theo quy hoạch, thành phố có 4 đường vành đai nhưng hiện chỉ có một tuyến được thi công và vẫn chưa khép kín. Trong khi các tuyến này vừa giúp thành phố có thêm động lực phát triển vừa giúp các tỉnh miền Đông, miền Tây.

"Đường vành đai 3 và 4 là cực kỳ quan trọng, nếu không sớm hình thành giao thông thành phố sẽ vô cùng hỗn độn, xe cộ phải chạy xuyên tâm, kẹt xe càng nặng hơn. Nếu đợi khi có vốn mới làm thì tiền giải phóng mặt bằng sẽ lên 5.000-7.000 tỷ đồng chứ không phải 3.000 tỷ như hiện nay", ông Thể nói.

TP HCM được quy hoạch 6 cao tốc kết nối với các tỉnh nhưng mới có 2 tuyến TP HCM - Trung Lương và TP HCM - Long Thành. Cả hai tuyến này đều đang quá tải. Riêng cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ Giao thông gấp rút triển khai, dự kiến cuối năm 2020, hoặc đầu năm 2021 sẽ khép kín tuyến đường này. Ba tuyến còn lại là TP HCM - Tây Ninh, TP HCM - Chơn Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu.

"TP HCM là đô thị lớn nhất nước, đông dân nhất nước và cũng ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất nước. Việc này gây lãng phí, ảnh hưởng sự phát triển. Đường vành đai và cao tốc là lối ra cho thành phố", ông Thể nói.

Bộ trưởng Giao thông cũng cho rằng, đô thị lớn như TP HCM không thể không có Metro. Ông đề nghị các bộ liên quan sớm tham mưu, ứng vốn cho thành phố hoặc cho thành phố tự ứng ngân sách để bảo đảm tiến độ tuyến Metro Số 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận vấn đề giao thông tại TP HCM đang rất cấp bách. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức một hội nghị riêng về việc kết nối giao thông giữa thành phố và các tỉnh miền Tây, miền Đông để tháo gỡ các vướng mắc và bàn kĩ hơn. Ngoài ra cũng có một hội nghị khác về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trong đó thành phố là trung tâm.

Trước đó, báo cáo với đoàn làm việc của Thủ tướng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong kiến nghị trung ương sớm cấp vốn đề triển khai tuyến Metro Số 1 đúng tiến độ, hạn chế khiếu kiện của nhà thầu cũng như ảnh hưởng quan hệ với Nhật Bản. Trước mắt, thành phố muốn tạm ứng 3.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ tuyến vành đai 3.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát ga Bến Thành và ga Nhà hát thành phố của tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Người đứng đầu Chính phủ nói rằng, đây là công trình thể hiện mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam - Nhật Bản. Ông yêu cầu các bộ ngành sớm giúp thành phố điều chỉnh tổng mức đầu tư để dự án được triển khai đúng tiến độ, hoàn thành kỹ thuật vào năm 2020 để vận hành chính thức 2021.

Hữu Công

bo truong nguyen van the tp hcm khong the phat trien neu thieu cao toc duong vanh dai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Trong chuyến thị sát công trường tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cuối năm 2020 ...

bo truong nguyen van the tp hcm khong the phat trien neu thieu cao toc duong vanh dai TP.HCM tạm ứng hơn 2.000 tỷ cho tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên

TP.HCM đã chấp thuận tạm ứng số tiền là 2.185,5 tỷ đồng cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến ...

Ngày đăng: 18:04 | 12/04/2019

/ VnExpress