Chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã khởi động một trong những sáng kiến táo bạo nhất: cải cách hành chính liên bang. Nổi bật trong kế hoạch này là việc bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk, một doanh nhân nổi tiếng với tư tưởng đổi mới, làm Bộ trưởng Bộ hiệu quả chính phủ.
Kế hoạch gây sốc
Ngay từ khi vận động tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết giảm thiểu lãng phí, tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan liên bang cũng như ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa hệ thống hành chính. Tuy nhiên, đến khi ông Trump công bố tên của tỷ phú Elon Musk trong nội các mới của mình, hẳn vẫn không ít người ngỡ ngàng. Lý do là bởi dù rất nổi tiếng nhưng tỷ phú Elon Musk vẫn quá xa lạ với các hoạt động chính trị.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm quản lý các công ty công nghệ hàng đầu như Tesla và SpaceX, ông Musk vẫn được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới cho bộ máy hành chính cồng kềnh của nước Mỹ. Nhưng, dường như, những gì ông Musk định làm còn có thể tạo nên cả một “cơn bão”.
Theo tiết lộ mới đây, Bộ Hiệu quả Chính phủ đã đề xuất một chương trình 3 bước gửi lên tân Tổng thống Donald Trump để cải cách triệt để chính phủ mới đúng như mong đợi của tổng thống. Đầu tiên, ông Musk sẽ tập trung vào việc loại bỏ tình trạng quan liêu của chính phủ, tức giảm số nhân viên và tăng hiệu quả. Các bộ phận và nhân sự kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm, đồng thời đặt ra các yêu cầu cao hơn về hiệu quả đối với các nhân viên.
Bước thứ hai, ông sẽ cắt giảm các chương trình và chi tiêu lãng phí, chẳng hạn như “Dự án nghiên cứu chuyển đổi giới tính loài khỉ” do Bộ Nông nghiệp lập ra, đồng thời cắt giảm trên quy mô lớn các chương trình không thực sự cần thiết khác. Ở bước thứ ba, ông Musk muốn tái cơ cấu các cơ quan liên bang và hợp nhất các bộ phận tương tự để loại bỏ các cơ quan có chức năng chồng chéo không cần thiết, đồng thời giảm bớt gánh nặng ngân sách cho bộ máy.
Theo chương trình dự kiến được thực hiện trong 2 năm này thì hệ thống hành chính của Mỹ sẽ trải qua một cuộc “cắt gọt” rất khủng khiếp. Từ 428 cơ quan liên bang hiện tại sẽ được sắp xếp “tinh gọn” lại còn 99. Số lượng biên chế bị sa thải có thể lên tới 77%. Đó chắc chắn là một “cú sốc” với hệ thống hành chính của nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Elon Musk rất quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình.
Theo vị “tân bộ trưởng” của chính quyền mới thì “nhiều cơ quan liên bang hiện nay rất xa lạ với công chúng, trong đó nhiều cơ quan thậm chí người dân cũng không thể hiểu được sự cần thiết tồn tại của chúng”. Ông Musk đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các cơ quan này đang hoạt động không hiệu quả, quan liêu và thậm chí là không cần thiết nên cần phải được chỉnh đốn triệt để. Cùng với việc tính gọn bộ máy, ông Musk còn đề xuất phân bổ lại khối lượng công việc cho những nhân viên chính phủ vẫn đang làm việc để gánh vác nhiều nhiệm vụ hơn.
Lý do khiến ông Musk quyết tâm với kế hoạch của mình như vậy là bởi theo nghiên cứu mới công bố của Viện Brookings thì khoảng 30% nguồn lực trong các cơ quan liên bang bị lãng phí vào các thủ tục hành chính không cần thiết trong khi năm 2024, mức độ tín nhiệm của người dân dành cho chính phủ liên bang cũng chỉ còn 20%, mức thấp nhất trong lịch sử.
Thách thức lớn
Mặc dù nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng kế hoạch của ông Musk đề ra chắc chắn sẽ gặp phải nhiều thách thức. Trước tiên là sự kháng cự từ chính hệ thống hiện tại. Hệ thống hành chính Mỹ đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ với các quy định phức tạp và cấu trúc liên kết với nhau. Việc thay đổi hệ thống này sẽ đụng chạm tới nhiều bên và đòi hỏi sự hợp tác từ Quốc hội, các cơ quan chính phủ cũng như công đoàn công chức. Theo báo cáo của Pew Research năm 2023, hơn 60% nhân viên chính phủ liên bang phản đối các biện pháp thay đổi mạnh tay vì lo ngại mất việc làm hoặc quyền lợi bất chấp việc họ nhận thức được sự quan liêu của bộ máy.
Khi giới công chức phản kháng thì cuộc cải cách sẽ rất dễ bị chính trị hóa và trở thành mục tiêu công kích từ phe đối lập. Ngay cả việc triển khai công nghệ tiên tiến vào quản lý công có thể bị coi là thiên vị cho các công ty chuyên về công nghệ có gắn bó lợi ích với ông Musk. Khi đó, một cuộc đối đầu chính trị sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Giáo sư về hành chính công tại Trường Kinh doanh Harvard, ông James Peterson đánh giá: "Elon Musk có thể là một người giỏi sáng tạo, nhưng để đối phó với sự kháng cự từ bộ máy quan liêu, ông ấy cần nhiều hơn những ý tưởng táo bạo".
Lý do thứ hai khiến cho chương trình của ông Musk gặp khó là vì hạn chế ngân sách. Nước Mỹ đang sở hữu khối nợ công khổng lồ hơn 33 nghìn tỷ USD khiến cho bất cứ chương trình mới nào cũng đều sẽ bị đánh giá hiệu quả từ lúc khởi đầu. Bất chấp chương trình của ông Musk hướng đến sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách trong tương lai nhưng ngay lúc này, với những vấn đề bức thiết khác vẫn sẽ phải được ưu tiên hơn đối với chính phủ của ông Trump.
Hạ tầng yếu kém cũng làm vấn đề trở nên phức tạp. Hệ thống quản lý hiện tại của Chính phủ Mỹ chủ yếu dựa trên các phần mềm cũ kỹ, một số thậm chí có từ những năm 1980. Ông Musk đã đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, nhưng việc triển khai công nghệ mới trên một hệ thống lỗi thời sẽ mất nhiều thời gian, đó là chưa nói đến rủi ro về tính tương thích. Theo báo cáo của McKinsey năm 2024, chỉ khoảng 30% các dự án chuyển đổi số trong khu vực công thành công trong lần thử đầu tiên.
Thêm vào đó, lĩnh vực hành chính công vốn khác xa với môi trường kinh doanh tư nhân mà ông Musk quen thuộc bấy lâu. Ông Musk nổi tiếng vì sẵn sàng chấp nhận thất bại và phá bỏ cái cũ để xây mới khi điều hành doanh nghiệp, song nó khó có thể xảy ra trong thế giới chính trị. Giờ đây, tỷ phú giàu nhất thế giới phải đối mặt với những cơ quan có vị trí ngang hàng trong chính phủ và họ đều có quyền lực độc lập cũng như lợi ích riêng cần phải bảo vệ. Đó sẽ không còn là câu chuyện một giám đốc làm việc với nhân viên của mình mà giờ đây mỗi quyết định của ông Musk sẽ ảnh hưởng tới những ngách nhỏ nhất của đời sống xã hội Mỹ.
Triển vọng từ tầm nhìn của ông Elon Musk
Bất chấp những thách thức, kế hoạch cải cách của ông Musk cũng có những thuận lợi đáng kể. Thành công kinh doanh của tỷ phú Elon Musk đến từ đột phá công nghệ một lần nữa được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi căn bản trong nhiệm vụ mới của ông. Với tầm nhìn táo bạo, ông Musk muốn xây dựng một nền tảng quản lý liên bang dựa trên AI có thể xử lý nhanh chóng các yêu cầu và cung cấp dịch vụ công một cách hiệu quả. Nếu thành công, hệ thống này không chỉ tiết kiệm hàng tỷ USD ngân sách mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm của người dân. Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu Gartner, việc ứng dụng AI trong quản lý công có thể giúp giảm tới 25% thời gian xử lý giấy tờ vào năm 2030.
Một góc độ khác, với danh tiếng của mình, ông Musk có khả năng thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và quản lý. Ông cũng đề xuất xây dựng một môi trường làm việc linh hoạt và sáng tạo, tương tự như ở SpaceX hay Tesla, để thúc đẩy hiệu quả công việc. Sức hút cá nhân đến từ người giàu nhất thế giới chắc chắn sẽ đem đến lợi thế đáng kể.
Cuối cùng, việc mạnh tay cải cách hành chính thành công sẽ củng cố niềm tin của người dân vào chính phủ và gia tăng sức ảnh hưởng của ông Musk cũng như chính phủ mới, từ đó giúp ông tiến hành những bước tiếp theo của kế hoạch. Mark Reynolds, nhà phân tích tại Rand Corporation, cho rằng: "Nếu ông Musk có thể vượt qua các rào cản về chính trị và kỹ thuật, ông ấy sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong quản lý công không chỉ ở Mỹ mà còn là hình mẫu cho các quốc gia khác”.
Nhiệm vụ cải cách hành chính của “tân bộ trưởng” Elon Musk là một con đường đầy chông gai nhưng cũng mở ra nhiều triển vọng. Thành công hay thất bại của ông không chỉ phụ thuộc vào tầm nhìn và khả năng lãnh đạo, mà còn vào sự hợp tác từ các bên liên quan và khả năng vượt qua các rào cản chính trị. Nhưng, như ông Musk từng nói: "Rủi ro lớn nhất là không dám thử". Cải cách hành chính có thể trở thành một trong những dấu mốc lịch sử của nước Mỹ hoặc chỉ là một tham vọng lớn lao chưa thành hiện thực.
Ngày đăng: 08:32 | 09/01/2025
Tiểu Phong / cand.com.vn