Chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính bị hủy sau khi Trung Quốc cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Anh có những tuyên bố mang "não trạng chiến tranh".
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. Ảnh: AFP.
"Bộ trưởng Philip Hammond sẽ không đến Trung Quốc vào lúc này. Hiện chưa có chuyến đi nào được công bố hoặc xác nhận", phát ngôn viên Bộ Tài chính Anh hôm 16/2 cho biết, theo Bloomberg.
Theo kế hoạch ban đầu, chuyến đi của ông Hammond nhằm thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ tài chính, kinh tế giữa Anh và Trung Quốc. Hammond dự kiến sẽ thảo luận kế hoạch kết nối thị trường chứng khoán hai nước và ấn định ngày tổ chức Đối thoại Kinh tế và Tài chính Anh - Trung.
Quyết định của Bộ Tài chính Anh được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ quán Trung Quốc ở London chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson "có những tuyên bố mang não trạng Chiến tranh Lạnh". Williamson tuần trước công bố chiến lược an ninh - quốc phòng mới với điểm nhấn là kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông
HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Williamson cho biết việc triển khai nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của Anh khi Trung Quốc ngày càng tăng cường tranh chấp tại các vùng biển trong khu vực.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở London cáo buộc Williamson đưa ra những lời "buộc tội vô căn cứ". "Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó", người phát ngôn nói, đồng thời nhấn mạnh rằng người phát ngôn của Thủ tướng Anh đề cao việc duy trì mối quan hệ bền chặt và mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ hôm 11/2 tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vài ngày sau đó, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố các nước Anh, Nhật, Australia, New Zealand, Canada, Pháp sẽ là đồng minh của Mỹ hoạt động tại Biển Đông dưới nhiều hình thức, sẵn sàng chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Mỹ - Trung đấu khẩu về Huawei, Biển Đông tại Hội nghị An ninh Munich
Mỹ và Trung Quốc đối nhau chan chát trong vấn đề Huawei và Biển Đông tại Hội nghị An ninh Munich, khi mỗi nước tìm ... |
Mỹ điều tàu chiến tới Biển Đông thách thức Trung Quốc, Bắc Kinh phản ứng
Trung Quốc chỉ trích động thái điều tàu chiến của Mỹ tiến vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông làm suy yếu hòa bình ... |
Mỹ điều tàu chiến tới Biển Đông, thách thức tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc
2 tàu chiến Mỹ hôm 11/2 tiến vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền, Reuters ... |
Ngày đăng: 10:04 | 18/02/2019
/