Tin Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc bỏ qui định về hộ khẩu và CMND là một tin vui.
“Nhẹ cả người” - đó là câu nói ngắn gọn nhưng đầy hứng khởi của nhiều người khi nghe chủ trương bỏ qui định về sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân cho công dân hôm 4/11.
Một khảo sát do Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tại 5 tỉnh, TP là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông cho thấy, có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú. Ở TP.HCM, 36% dân cư không có hộ khẩu, còn tại Hà Nội, tỉ lệ này là 18%.
Ảnh: Phạm Hải |
70% người dân được khảo sát cho rằng, cuốn sổ hộ khẩu đã làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú. Dân ngụ cư phải chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ hành chính và dịch vụ xã hội so với dân sở tại (thường là gấp 1,4 lần ).
Nỗi lo của bao người
Nơi nào thủ tục rườm rà, thì nơi đó có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Người viết bài này từng có 7 năm sinh sống, làm việc ở Thủ đô theo sự điều động của cơ quan.
7 năm không đăng ký hộ khẩu, cũng không đăng ký “tạm trú”, nhưng tuyệt nhiên, không thấy cán bộ địa phương nào thắc mắc hay xử phạt vì tội “cư trú bất hợp pháp”. Thế nhưng, đến một ngày con gái chuẩn bị thi vào một trường THPT công lập giữa thủ đô thì tôi buộc phải đi hỏi thủ tục “nhập khẩu”.
Một phường, hai phường, ba phường… chỗ nào cũng nhận được câu trả lời tương tự “khó lắm, vì anh chưa có nhà riêng”.
Năm lần bảy lượt nhờ vả, cuối cùng, cũng gặp được người tốt. Một anh công an khu vực hỏi kỹ trường hợp của tôi đã nói: “Anh hoàn toàn có thể nhập khẩu Hà Nội một ngày sau khi nhận quyết định điều động về TƯ”. Tất nhiên là phải có điều kiện kèm theo là “có người cho ở nhờ và nhà phải đảm bảo diện tích qui định tối thiểu 15m2/người. Nếu anh quen với các sếp trên quận, nhờ các sếp điện xuống cho sếp phường em một câu, kẻo họ lại tưởng em cò gì với anh thì khổ thân em”.
Thế là, nhờ anh công an khu vực tốt bụng không nói “khó lắm” ấy nhiệt tình hướng dẫn mà chỉ sau chưa đầy một tháng, tôi đã được nhập hộ khẩu Hà Nội, chính thức trở thành công dân Thủ đô, con gái tôi đủ điều kiện trở thành học sinh THPT một trường công lập ở một quân nội thành.
Nói thế để thấy rằng, cái cuốn sổ hộ khẩu nhẹ hều ấy đã bao nhiêu năm nay là nỗi lo của bao người khi phải làm việc, sinh sống ở TP mà không có nó trong tay.
Đến lúc cởi trói
Bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, thông qua việc cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đồng nghĩa với từ nay, các thủ tục tách, nhập, cấp - đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng sẽ không còn tồn tại, công dân khi di chuyển chỗ không nhất thiết phải đi xin cái "sổ tạm trú" dài hạn làm điều kiện để sau 2 năm, sẽ được chính quyền cho “nhập hộ khẩu””.
Đúng là một quyết định hợp thời, hợp quy luật và được lòng dân của người đứng đầu Chính phủ.
Đã đến lúc không thể để sự trì trệ ấy tồn tại mãi, mà phải cởi trói. Không chỉ cởi trói cho dân khi có việc cần đến cơ quan công quyền, mà còn cởi trói cho cả hệ thống các cơ quan trong bộ máy hành chính quốc gia. Bộ máy sẽ bớt cồng kềnh, nguồn nhân lực sẽ được dùng vào những việc có ích hơn, mà không phải mất thời gian ngồi đếm giấy hưởng lương như lâu nay. Hơn thế nữa, những tiêu cực, tham nhũng liên quan đến cuốn sổ hộ khẩu cũng sẽ bị triệt tiêu.
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, bỏ qui định về hộ khẩu, liệu có xảy ra tình trạng người dân đổ xô về các TP lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Nhưng không thể vì khó quản lý mà các TP lớn lại tự cho mình “cơ chế đặc biệt”, dùng biện pháp hành chính để hạn chế những quyền cơ bản ấy của người dân.
Vì quyền cư trú của công dân là quyền được pháp luật bảo hộ. Thay vào đó, hãy tìm cách hỗ trợ hợp lý cho quá trình dịch chuyển này. Vì suy cho cùng, sự dịch chuyển dân cư từ nông thôn vào TP là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình đô thị hóa - một chỉ tiêu đánh giá trình độ phát triển của quốc gia.
Bỏ sổ hộ khẩu, có bỏ được tệ cửa quyền, nhũng nhiễu?
Bỏ sổ hộ khẩu, để thay việc quản lý con người bằng mã số định danh là bước đi tất yếu trong quá trình đổi ... |
Người lao động chịu thiệt đủ đường vì hộ khẩu!
Mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho con, cho con đi học, mua điện, nước, xin việc… trăm thứ đều cần hộ khẩu hoặc tạm ... |
Chia tay hộ khẩu
Chính phủ đã đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và ... |
\'Bỏ hộ khẩu sẽ tiết kiệm được kinh phí cho dân, cho Nhà nước\'
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư và cho rằng ... |
(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bo-so-ho-khau-nhe-ca-nguoi-409104.html)
Ngày đăng: 08:28 | 07/11/2017
/ Theo Huệ Anh/VietNamnet.vn